VnReview
Hà Nội

Đào vàng ngày càng khó hơn: Câu chuyện nhìn từ Bắc Ireland

Dù giá vàng "tăng phi mã" trong thời kỳ đại dịch, nhưng việc khai thác không hề dễ dàng mà thậm chí còn dần trở nên khó khăn hơn.

Chris Baraniuk vào ngày 27/10/2020. Ảnh: Jeff J Mitchell/Getty Images.

Chúng ta hãy cùng theo chân phóng viên Chris Baraniuk để tìm hiểu về những thách thức và tranh cãi tại một trong những mỏ vàng được quy hoạch lớn nhất của Vương quốc Anh. VnReview.vn;lược dịch giới thiệu.

Trong vòng 1.000 ngày qua, người ta thường thấy đoàn xe lữ hành với cờ Ireland tung bay trong gió cùng với các băng rôn và áp phích: "Chúng tôi không sợ hãi. Đây là mảnh đất của chúng tôi. Đây là nhà của chúng tôi. Chúng tôi sẽ chết vì nó". Địa điểm đó là nơi biểu tình chống khai thác mỏ vàng do một nhóm người dân địa phương ở Hạt Tyrone, Bắc Ireland thiết lập.

Với những đường "tĩnh mạch" vàng 460 triệu năm tuổi nằm rải rác trong lớp đá nằm sâu dưới mặt đất, viễn cảnh về một mỏ vàng ở Curraghinalt, một góc hẻo lánh của dãy núi Sperrin, đã được bàn thảo trong nhiều thập kỷ, thế nhưng nó chưa bao giờ trở thành hiện thực. Đơn đề nghị gần đây của một công ty để khai thác các lớp kim loại quý đã mang triển vọng đó đến gần hơn. Nếu được chấp nhận, công ty cho biết họ có thể mang lại nhiều việc làm mới và thu nhập khá khẩm cho khu vực này. Nhưng nhiều người dân ở đây muốn giữ lại mọi thứ theo cách của họ.

"Tôi dành toàn bộ thời gian cho đợt vận động này, tôi chỉ đơn giản cảm thấy đó là tương lai của chúng tôi", một giảng viên và nhân viên xã hội đã nghỉ hưu lo lắng về những tác động tiềm ẩn của khu mỏ đến môi trường cho biết.

"Nỗi lo lắng lớn nhất của tôi là nước bị nhiễm độc, không khí, đất đai bị ô nhiễm – và cuối cùng sức khỏe của con người sẽ bị ảnh hưởng", cô cho biết mình sẽ không bao giờ chấp nhận khu mỏ nằm trong khu vực này dù dưới bất cứ hình thức nào.

Dalradian Gold, công ty hy vọng được quyền khai thác kim loại quý ở đây, nói rằng họ đã áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ môi trường và hứa hẹn lợi ích kinh tế cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đề xuất quy hoạch trực tuyến cho khu mỏ đã thu hút hàng chục nghìn bình luận, hầu hết là tiêu cực và hiện tại một cuộc điều tra công khai sẽ diễn ra để quyết định hướng giải quyết sắp tới.

Một số hộ dân ở khu định cư gần đó của thị trấn Gortin đã phản đối kế hoạch khai thác mỏ vàng. Nguồn: Alamy.

Được dự báo là lợi ích tiềm năng cho Bắc Ireland, nơi việc làm và cơ hội đầu tư bị đình trệ trong suốt 30 năm xung đột, các chuyên gia cho rằng Curraghinalt có thể trở thành quê hương của mỏ vàng lớn nhất nước Anh.

Câu hỏi bây giờ đang làm "đau đầu" đối với khu vực dãy núi Sperrin đó là điều gì quan trọng hơn: giữ vàng ở yên dưới lòng đất hay lấy nó lên?

Giá vàng tăng vọt trong thời kỳ đại dịch đã kéo theo sự quan tâm trở lại của các dự án khai mỏ và thậm chí là sự bùng nổ khai thác bất hợp pháp ở các khu vực rừng nhiệt đới Amazon. Tuy nhiên, vàng đang ngày càng khó để thu lấy. Những thách thức về mặt kỹ thuật thì ai cũng biết, nhưng những cuộc biểu tình về môi trường và chính trị địa phương lại chính là thứ khó ngờ hơn.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới - cơ quan thúc đẩy ngành công nghiệp vàng, thì sản lượng vàng toàn cầu đã giảm 1% vào năm ngoái, lần giảm đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua. Một số nhà phân tích cho rằng chúng ta đã đạt đến "đỉnh vàng", có nghĩa là tốc độ khai thác lớn nhất đã qua và sẽ tiếp tục giảm cho đến khi việc khai thác ngừng hoàn toàn.

Trớ trêu thay, nhu cầu đối với vàng lại không hề có dấu hiệu chững lại.

Matt Miller, phó chủ tịch nghiên cứu tài chính tại CFRA Research, một công ty phân tích đầu tư cho biết: "Hiện tại là một ‘đợt bão' hoàn hảo. Để miêu tả một cách hay ho hơn thì các nền tảng cơ bản của vàng có thể không bao giờ mạnh mẽ được như bây giờ".

Theo CFRA, khoảng một nửa số vàng trên thế giới (không tính đến số vàng chưa được khai khoáng) đang được sử dụng làm đồ trang sức. Đối với nửa còn lại, một phần tư được nắm giữ bởi các ngân hàng trung ương và một phần tư thuộc sở hữu của các nhà đầu tư tư nhân hoặc được sử dụng trong ngành công nghiệp.

Miller là một trong những người tin rằng chúng ta đã đạt đến ngưỡng vàng khai thác. Giá của một ounce "kim loại màu vàng" lấp lánh đã phá vỡ 2.000 USD (1.550 bảng Anh) vào mùa hè này và vẫn chễm chệ ở mức trên 1.900 đô la (1.470 bảng Anh). Hai mươi năm trước, cùng một ounce chỉ bán được ít hơn một phần tư số đó. "Đợt sóng" mới nhất, sau sự xuất hiện của Covid-19, có liên quan đến sự suy yếu của các loại tiền tệ, bao gồm cả đô la Mỹ. Các nhà phân tích cho biết các chính phủ đang vay những khoản tiền khổng lồ để chi trả cho các kế hoạch ứng phó với đại dịch và in tiền để lấp đầy khoảng trống đó, như vậy cũng có nghĩa là đồng tiền sẽ dễ mất giá hơn. Ở một chiều hướng khác, vàng lại được coi là kiểu tài sản ổn định, với số lượng có hạn, khiến cho các nhà đầu tư tin rằng nó đáng tin cậy.

Sự phản đối từ một số người trong cộng đồng dân cư Gortin địa phương đã dẫn đến một cuộc điều tra công khai. Ảnh: Alamy.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây nên sự gián đoạn cho chính các hoạt động khai thác vàng và nguồn cung khó lòng tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu. Như vậy, ngành công nghiệp khai thác vàng thực sự đang đứng trước một "cuộc khủng hoảng lớn", Miller lập luận.

Ông nói: "Góc nhìn của tôi là nhu cầu vàng sẽ tiếp tục theo chiều hướng tăng. Ngày càng nhiều trong số đó đến từ việc tái chế, cơ bản có nghĩa là vàng được trao tay".

Ông dự đoán rằng việc tái chế đồ trang sức cũ, tiền xu hoặc thậm chí là lượng vàng rất nhỏ trong bảng mạch của các thiết bị điện tử sẽ trở thành nguồn cung ngày càng quan trọng trong tương lai. Dữ liệu của CFRA cho thấy khoảng 30% nguồn cung vàng trên thế giới trong 20 năm qua thực ra đến từ tái chế chứ không phải khai thác. Các nhà máy lọc dầu tái chế vàng "phế liệu" - đồ trang sức cũ, tiền xu, họ sử dụng hóa chất độc hại và năng lượng trong quy trình sản xuất của mình, nhưng tác động đến môi trường lại có thể thấp hơn nhiều so với khai thác. Một nghiên cứu gần đây về các nhà máy luyện vàng ở Đức cho thấy rằng, nếu tính theo kilogam, việc sản xuất vàng nguyên chất 99,99% thông qua tái chế sẽ sản sinh ít carbon hơn 300 lần so với khai thác từ các mỏ ngầm hoặc mỏ lộ thiên.

Điều này có nghĩa là để có được 1kg vàng tái chế thì sẽ tạo ra 53kg CO2 tương đương, nhưng để khai thác cùng 1kg vàng như thế sẽ thải ra đến 16 tấn CO2 tương đương. Lượng khí thải từ việc tái chế vàng phế liệu từ đồ điện tử nằm trong khoảng giữa hai phương pháp này nhưng vẫn tốt hơn là đi khai thác trực tiếp - ở mức 1 tấn CO2 tương đương cho mỗi kg vàng.

Giống như bất kỳ hoạt động công nghiệp ở quy mô lớn nào, khai thác vàng cũng có thể gây ra những ảnh hưởng cục bộ đến môi trường. Miller cho rằng sự phản đối của công chúng đối với các mỏ vàng ở một số nơi trên thế giới đã trở thành rào cản đối với quá trình sản xuất. Sự phản kháng như vậy không chỉ tồn tại ở Tyrone. Lấy mỏ Pascua-Lama ở Chile làm ví dụ, sau nhiều năm bị các nhà hoạt động địa phương phản đối vì lý do môi trường, dự án đã bị các cơ quan quản lý tạm dừng.

Nhu cầu đối với vàng thì "phình to" ra, nhưng nguồn cung từ các mỏ lại đang "teo tóp" lại. Ảnh: Charles O'Rear/Getty Images.

Nhưng ở những nơi mà các mỏ vàng đã được thành lập, chúng có thể hoạt động ở quy mô khổng lồ. Mỏ lớn nhất thế giới sản xuất nhiều tấn vàng hàng năm và là lớn nhất trong số đó, mỏ Nevada ở Mỹ đã sản xuất liên tục hơn 100 tấn mỗi năm. Ngay cả những mỏ vàng nhỏ hơn cũng có thể đem lại sinh kế cho nhiều cư dân trong những cộng đồng đang mở rộng gần đó. Chẳng hạn như thành phố Val d'Or (Thung lũng vàng) ở Quebec, Canada, đã có một thị trấn ở đó kể từ khi vàng được phát hiện vào năm 1923. Nhiều kim loại khác bao gồm đồng và chì hiện cũng được khai thác trong khu vực và cơ hội công việc dồi dào đã thu hút nhân công đến Val d'Or trong những năm gần đây. Foreurs, đội khúc côn cầu trên băng của thị trấn, thậm chí còn có một linh vật với chiếc mũ có tên "Dynamit" - ám chỉ thuốc nổ được sử dụng để làm nổ đá trong khai thác mỏ.

Rào cản chính trị

Về phần Curraghinalt, chính vì đổ máu nên vàng mới có thể giữ lại được trong lòng đất nơi đây. Trong thời kỳ biến loạn, một số nhóm chính trị và giáo phái ở Bắc Ireland đã dùng bạo lực, chẳng hạn như thực hiện các vụ xả súng và đánh bom. Vì vậy, khi một công ty để mắt đến tiềm năng của khu mỏ ở Curraghinalt vào những năm 1980, họ đã phải vật lộn để xin giấy phép cho chất nổ vì những rủi ro an ninh khi giữ chúng tại chỗ vào thời điểm đó.

Nhưng một thập kỷ sau, Curraghinalt dường như hứa hẹn một tương lai đầy hy vọng hơn, Adrian Boyce, giáo sư địa chất ứng dụng tại Trung tâm Nghiên cứu Môi trường các trường Đại học Scotland nhớ lại. Vào khoảng thời gian của Hiệp ước Thứ Sáu Tuần thánh (thỏa thuận chính trị được ký kết vào tháng 4 năm 1998 nhằm chấm dứt những rắc rối), Boyce và các đồng nghiệp đã tham gia một sáng kiến ​​nghiên cứu địa chất Curraghinalt và đánh giá tiềm năng thương mại của nó.

"Đó thực sự là một hy vọng tươi mới cho người dân Bắc Ireland và là thứ ảnh hưởng mà tôi thấy được vào thời điểm mà bạn biết đấy, không có nhiều người đầu tư vào Bắc Ireland", ông nhớ lại.

Ông ấy đề cập đến vụ đánh bom Omagh, trong đó một nhóm tự xưng là Real IRA đã cho nổ một ô tô bom vào chiều thứ bảy tháng 8 năm 1998, giết chết 29 người, trong đó có một phụ nữ đang mang thai đôi. Omagh cách Curraghinalt 20 phút lái xe. Trong suy nghĩ của một số người, các cơ hội kinh tế của một mỏ vàng hoàn toàn mới đã mang đến cho Bắc Ireland cơ hội thoát khỏi nỗi kinh hoàng của quá khứ mà vẫn mang lại hy vọng kinh tế địa phương trong tương lai.

Sau khi những người biểu tình phản đối đề xuất sử dụng xyanua của công ty Dalradian, họ đã từ bỏ kế hoạch. Ảnh: Alamy.

Quay trở lại những năm 1990, đó là giai đoạn mà giá vàng cuối cùng đã cản trở triển vọng của khai mỏ, Boyce nói. Nhưng đó lại không phải là rào cản bây giờ. Theo ông, kích thước của mỏ Dalradian, ước tính có thể sản xuất 130.000 ounce (4 tấn) mỗi năm trong 20 năm hoặc hơn, khiến nó trở nên độc nhất vô nhị tại Anh.

Boyce nói: "Curraghinalt là mỏ vàng lớn nhất từng được tìm thấy ở Anh. Nó khiến mọi mỏ khác trở nên thật nhỏ bé".

Tuy nhiên, câu chuyện của Curraghinalt nói lên những thách thức của việc khai thác vàng công nghiệp vào năm 2020, đặc biệt là tại nơi gần các các cộng đồng đã ổn định, tràn ngập vẻ đẹp tự nhiên. Khu mỏ nằm ở một vùng khá xa của Bắc Ireland được bao quanh bởi các trang trại và vùng đất bỏ hoang, Omagh có dân số dưới 20.000 người.

Kể từ năm 2009, công ty Dalradian đã tiến hành khai quật các mẫu dưới mặt đất tại địa điểm ở Curraghinalt, đồng thời quảng bá các kế hoạch khai thác mỏ đến người dân địa phương. Các đề xuất bao gồm xây dựng một mỏ dưới lòng đất, thay vì một dự án theo kiểu mỏ lộ thiên và khai thác quặng sẽ được xử lý một phần ở Tyrone, một phần ở nước ngoài.

Sau khi vấp phải sự phản đối gay gắt, vào năm 2019, Dalradian đã từ bỏ kế hoạch sử dụng xyanua tại địa điểm này. Trong một số dạng khai thác vàng, các dung dịch chứa xyanua được sử dụng để hòa tan vàng từ quặng được khai thác để có thể thu gom kim loại này. Dalradian cũng cho biết họ đã giảm 30% lượng nước sử dụng và 25% khí thải như một phần của mục tiêu trở thành mỏ trung hòa carbon đầu tiên của châu Âu.

Tuy nhiên, các nhà vận động tiếp tục bày tỏ lo ngại rằng hóa chất có thể bị cuốn trôi vào các con sông gần đó và gây hại cho động vật hoang dã trong vùng. Họ tuyên bố rằng ô nhiễm từ mỏ cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người. Và họ cũng lo sợ rằng một đống lớn "chất thải" được khai thác từ mỏ, để lại trên mặt đất sẽ phá hoại phong cảnh của vùng

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên của công ty Dalradian cho biết: "Đây là một dự án an toàn và có trách nhiệm với môi trường, sẽ cạnh tranh với thành công của các mỏ hiện đại khác ở châu Âu".

Công ty cho biết họ đã lắng nghe cộng đồng, cung cấp các tour du lịch và thay đổi quy trình khai thác khi các lo ngại nổi lên. "Mọi người cũng có thể yên tâm rằng dự án đang được xem xét kỹ lưỡng bởi một quy trình lập kế hoạch độc lập, chặt chẽ và nó đã được thiết kế để đáp ứng các tiêu chuẩn rạch ròi. Cho đến nay, chúng tôi đã tổ chức khoảng 100 cuộc họp với các cơ quan quản lý và cơ quan Y tế cộng đồng của địa phương không hề phản đối dự án vì lý do sức khỏe".

Liên quan đến chất thải: "Chất liệu khô sẽ có độ dày trung bình là 17m (56 feet), được trồng lại trong quá trình hoạt động, nằm trong vùng trũng tự nhiên và sẽ được hòa trộn vào cảnh quan địa phương".

Con người đã sinh sống ở Sperrins từ hàng nghìn năm trước. Ảnh: Alamy.

Trong một đơn xin phép gần đây về việc xả vật liệu bao gồm kim loại xuống một dòng suối, công ty Dalradian cũng đề cập đến các chất ăn mòn như axit sulfuric và natri hydroxit. Về điểm này, người phát ngôn công ty cho biết: "Mặc dù chúng tôi không hề mong đợi rằng biện pháp này sẽ được sử dụng thường xuyên nhưng chúng phải được liệt kê trong danh sách được chấp thuận".

Ông nói thêm, một nhà máy xử lý sẽ được sử dụng để quản lý nguồn nước và lưu ý rằng khu mỏ sẽ mang lại "cơ hội rất lớn" vào thời điểm nền kinh tế Bắc Ireland đối mặt với những viễn cảnh khó đoán định từ Brexit.

Trong khi các nhà vận động như O'Kane tuyên bố rằng họ sẽ không chấp nhận khu mỏ dù trong bất cứ trường hợp nào, thì chắc chắn vẫn có một số người có ý kiến ngược lại. Rất khó để đoán định chính xác có bao nhiêu người tại Tyrone ủng hộ hay chống lại. Cổng thông tin quy hoạch của Phòng Cơ sở hạ tầng Bắc Ireland tiếp nhận hơn 41.000 bình luận công khai về các đề xuất của Dalradian, hơn 90% trong số đó là phản đối. Khi được BBC Future hỏi tại sao có nhiều phản hồi trùng lặp, Phòng cho biết họ tin rằng các số liệu phản ánh "tóm lược chính xác" về những gì người đại diện tiếp nhận.

Người phát ngôn cho biết: "Chúng có thể liên quan đến các cá nhân đưa ra lời phản đối trong nhiều trường hợp do đã có nhiều sửa đổi đối với đề xuất".

Boyce cho biết, với một cuộc điều tra công khai đang dần hiển hiện đối với kế hoạch khai thác, nó tùy thuộc vào các nhà chức trách phải điều tra và đại diện cho lợi ích của người dân địa phương trước khi đi đến quyết định về việc liệu các công trình có nên tiếp tục hay không. "Hãy để các chính trị gia làm những gì mà họ được trả tiền để làm", ông nói thêm.

Trong những năm gần đây, trên khắp Biển Ailen ở Scotland, người dân địa phương đã phản đối kế hoạch xây dựng một mỏ khác, tại Cononish, trong Công viên Quốc gia Loch Lomond. Boyce cho biết những lo ngại về môi trường cũng đã được lên tiếng ở đó, nhưng cuối cùng dự án đã nhận được sự ủng hộ và được cấp phép quy hoạch. Số vàng đầu tiên từ nó có thể "ra lò" sớm nhất vào tháng 11.

Nhà phân tích Chris Mancini của Gabelli Gold Fund - một quỹ đầu tư vào vàng, chỉ rõ một khu mỏ tại  Curraghinalt, nơi được chứng minh là có sản lượng dồi dào chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư và ông cho rằng nó vẫn sẽ an toàn cho môi trường.

Nhưng điều đó không hề có ý nghĩa đối với một số người. Đối với Fidelma O'Kane và các nhà vận động đồng nghiệp của cô, khu mỏ đã trở thành một khối u – một mối đe dọa đối với rất nhiều khía cạnh của chính nơi họ sinh sống.

O'Kane nhấn mạnh: "Đây là một nơi tuyệt đẹp, nó được ban tặng vẻ đẹp tự nhiên nổi bật. Chúng tôi không muốn nó bị công nghiệp hóa với ngành công nghiệp nặng. Hình ảnh sạch, xanh của đất nước chúng tôi sẽ mãi mãi không còn nữa".

Dù bất cứ điều gì xảy ra tiếp theo tại Curraghinalt thì chắc chắn những hành động của Dalradian vẫn sẽ làm nóng lên nhiều cuộc tranh luận tại địa phương. Một lần nữa, nếu chúng ta thực sự đã đạt đến đỉnh vàng, thì cơn sốt này có thể sẽ không kéo dài.

Giang Vu theo BBC Future

Chủ đề khác