VnReview
Hà Nội

13 cách sống khỏe và sống chất lượng khi mắc bệnh tiểu đường

Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường), bạn sẽ cần phải cải thiện và duy trì sức khỏe của bản thân trong quãng thời gian còn lại. Với chế độ ăn hợp lý, tập thể dục và nắm bắt những thông tin mới nhất về phương pháp điều trị, bạn sẽ có thể kiểm soát căn bệnh này.

Ngoài ra, một cuộc sống chất lượng còn bao gồm cả tận hưởng niềm vui và chia sẻ niềm vui đó với mọi người xung quanh. Dù mắc phải căn bệnh khiến tình trạng y tế của bạn thay đổi, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu một ngày mới bằng việc kiểm soát sức khỏe của mình thay vì để căn bệnh thay đổi thói quen sống của bản thân.

1. Sắp xếp cuộc gặp với các bác sĩ mà bạn tin tưởng để thảo luận về tình trạng sức khỏe của bản thân

Điều này rất quan trọng vì khi đó, bạn sẽ hiểu được tình trạng của bản thân và bạn cũng không phải đối mặt với điều đó một mình. Cụ thể:

- Luôn luôn đặt câu hỏi và xin ý kiến từ bác sĩ khi bạn có thắc mắc hoặc lo lắng về vấn đề gì.

- Không được bỏ qua những thay đổi nhỏ trong cơ thể - những thay đổi này dù nhỏ nhưng cũng có thể là tín hiệu quan trọng nào đó, bạn nên thông báo cho bác sĩ về chúng càng sớm càng tốt.

- Nếu bạn không tuân thủ chế độ ăn được khuyến nghị hay không sử dụng thuốc theo đơn, bạn cần gặp bác sĩ để tư vấn.

2. Tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn được khuyến nghị

Bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng có thể sẽ đưa ra những khuyến nghị về chế độ ăn kiêng cho bạn. Ăn kiêng là cách quan trọng nhất để duy trì sức khỏe khi mắc phải bệnh tiểu đường. Mỗi bệnh nhân tiểu đường sẽ có những nhu cầu khác nhau, vì vậy bác sĩ sẽ cân chỉnh thực đơn ăn kiêng dành riêng cho từng bệnh nhân.

- Nếu bạn chưa được bác sĩ cung cấp chế độ ăn kiêng, hãy yêu cầu họ.

- Đặt câu hỏi về những nhu cầu đặc biệt của riêng bạn và những nơi bạn có thể tìm được những giải pháp thay thế tốt cho sức khỏe hơn nếu khu vực xung quanh không có.

- Bạn cần sử dụng đồ uống cẩn trọng hơn, nhiều loại thức uống thương mại hay tự pha có chứa đường và những thành phần khác có thể vi phạm chế độ ăn kiêng nếu không chú ý.

- Một cuốn nhật ký ăn uống có thể sẽ hữu dụng nếu bạn gặp khó khăn trong việc tuân thủ chế độ ăn kiêng. Nó sẽ giúp bạn xác định khi nào bạn bị đồ ăn kích thích (như ăn do cảm xúc chi phối như khi buồn chán hoặc ăn đồ ăn có đường khi mệt mỏi…), từ đó, cho phép bạn lên kế hoạch ăn uống trong tương lai và tránh những thói quen ăn uống xấu.

- Học cách đọc các nhãn dán trên thực phẩm. Mỗi chúng ta đều nên đọc thành phần dinh dưỡng trên mỗi loại thực phẩm, với người bị tiểu đường thì điều này lại càng quan trọng hơn nữa.

3. Nắm rõ những thực phẩm nào tốt cho người bị tiểu đường

Hiệp hội bệnh Tiểu đường Mỹ khuyến nghị một số loại thực phẩm tốt cho sức khỏe đối với mọi người, dù có bị tiểu đường hay không, vì vậy bạn có thể biết rõ đồ ăn mình thường sử dụng có tốt cho sức khỏe hay không, cụ thể:

- Các loại ngũ cốc, đậu nguyên hạt, sợi mì và rau, củ chứa nhiều tinh bột (bao gồm khoai tây chưa tinh chế): 6 phần mỗi ngày hoặc nhiều hơn (nên hạn chế bánh mì và bột ngũ cốc, nên sử dụng loại ít natri và tránh sử dụng bột mì trắng).

- Trái cây: 2-4 phần mỗi ngày.

- Rau xanh: 3-5 phần mỗi ngày.

- Thịt, cá và phô mai: 2-3 phần mỗi ngày.

- Sữa, sữa chua: 2-3 phần mỗi ngày.

- Chất béo, chất ngọt và chất cồn: một lượng nhỏ (tùy vào yêu cầu của bác sĩ).

- Các loại gia vị nên có lượng natri thấp và không chứa đường. Nên kiểm tra nhãn thành phần của các loại thực phẩm như thịt muối, dưa chuột muối, ngô hộp, gia vị tẩm ướp, thực phẩm hun khói, đóng hộp.

- Bám sát những thay đổi về lượng thức ăn trong chế độ ăn kiêng vì chúng thường thay đổi theo thời gian. Bạn có thể cập nhật qua email hoặc thường xuyên tham khảo ý kiến của bác sĩ, cũng như luôn cảnh giác trước các thông tin mới về dinh dưỡng cho người tiểu đường.

4. Uống nước ít nhất 6-8 ly mỗi ngày

Nước lọc là lựa chọn tốt nhất dành cho người bệnh tiểu đường. Ngoại ra bạn cũng có thể sử dụng trà, cà phê, nước có ga hoặc nước khoáng không vị, thức uống dành cho người ăn kiêng, nước chứa chất tạo ngọt nhân tạo, thức uống có lượng calories thấp… và một số loại nước uống khác được chỉ định bởi bác sĩ. Có thể bạn sẽ cần hạn chế uống sữa do lượng đường tự nhiên có trong nó, hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn về vấn đề này.

- Những loại thức uống nên hạn chế tối đa hoặc tuyệt đối không sử dụng gồm: đồ uống dành cho hoạt động thể thao có chứa đường (chứa nhiều muối/natri và đường), các loại nước ngọt có ga, nước tăng lực, nước trái cây và sữa (bạn có thể sử dụng sữa hạnh nhân có lượng calo dưới 30 calories/250 ml để thay thế).

5. Đồ ăn vặt, ăn nhẹ

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về những loại đồ ăn vặt được sử dụng trong chế độ ăn kiêng và hình thức chế biến nào là phù hợp. Tất nhiên là bạn sẽ không được ăn các loại bánh kẹo hay bánh nướng có đường, nhưng không có nghĩa là bạn không thể ăn vặt được nữa. Có rất nhiều sách về đồ ăn kiêng hay sách nấu ăn có ở hiệu sách và cả trên internet, bạn có thể áp dụng để chế biến những món ăn không đường mà vẫn có hương vị tuyệt vời. Nhiều cửa hàng thực phẩm cũng có bán các loại đồ ăn cho người ăn kiêng và người bị bệnh tiểu đường, vì thế bạn có thể tìm xung quanh khu mình sống để tìm một cửa hàng phù hợp và thỏa mãn nhu cầu ăn uống của bản thân.

- Một bữa ăn nhẹ tốt cho sức khỏe gồm một miếng trái cây tươi, một phần nhỏ sữa chua, một vài miếng bánh qui làm từ ngũ cốc nguyên cám và một lượng nhỏ các loạt hạt hay cần tây với đậu nghiền…

6. Tập thể dục thường xuyên

Hãy hỏi bác sĩ về cường độ lẫn thời lượng tập thể dục mà bạn cần. Bạn có thể đi bộ cùng bạn bè hoặc đến phòng gym. Mỗi người sẽ có một phương pháp tập thể dục riêng phù hợp với họ, vì thế, sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ, bạn có thể thử nhiều phương pháp để tìm ra cách bạn thích nhất.

- Tập thể dục điều độ sau ba bữa ăn mỗi ngày giúp giảm nguy cơ tăng đột biến lượng đường trong máu. Cách này phù hợp với những người tập thể dục ít hoặc ngắt quãng trong ngày.

- Nghiên cứu cho thấy đi bộ ngắn ba lần mỗi ngày sau bữa ăn có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu trong vòng 24 giờ tương đương với một lần đi bộ 45 phút ở cùng tốc độ trung bình. Nghiên cứu này được thực hiện bởi Trường Y tế Công cộng và Dịch vụ Y tế thuộc Đại học George Washington.

- Nếu do cân nặng hoặc bị đau khiến bạn không thể tập thể dục hiệu quả, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc áp dụng các bài tập hỗ trợ dưới nước, như đi bộ dưới nước, tập aerobics dưới dước, hay chỉ đơn giản là đi bộ quanh hồ bơi.

7. Uống thuốc đúng chỉ định

Nếu bạn từng bỏ qua một số viên thuốc theo đơn, thì bạn đang bỏ qua cơ hội chữa trị và làm tăng nguy cơ mắc phải các biến chứng nguy hiểm. Hãy sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ cả về thời gian lẫn loại thuốc.

- Hãy cẩn thận khi sử dụng thuốc vì chúng có thể tương tác với các loại thuốc khác và đồ ăn, thức uống. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về sự an toàn khi sử dụng kết hợp giữa các loại thuốc với nhau và với thực phẩm, cũng như làm thế nào để cân bằng giữa việc sử dụng thuốc và chế độ ăn uống.

- Nếu bạn gặp một bác sĩ mới, hãy đảm bảo rằng vị bác sĩ đó biết rằng bạn đang mắc bệnh tiểu đường và thông tin những loại thuốc bạn đang sử dụng. Điều quan trọng nhất là không được trộn lẫn các loại thuốc với nhau. Bác sĩ cần được biết mọi loại thuốc bạn đang sử dụng, kể cả vitamin và dược liệu.

8. Cập nhật hồ sơ y tế thường xuyên

Bác sĩ sẽ đưa cho bạn bảng kê để ghi lại chỉ số đường huyết. Dù có vẻ là một việc vặt vãnh, nhưng nó rất quan trọng, bạn phải đảm bảo bảng kê được ghi lại chính xác và thường xuyên cập nhật cho bác sĩ.

- Bạn cũng có thể ghi lại nhật ký ăn uống và thể dục. Bạn càng ghi lại nhiều thông tin thì bác sĩ đưa ra chỉ dẫn cho bạn càng chính xác. Đây là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe và kiểm soát bệnh tiểu đường.

9. Kiểm tra nồng độ insulin

Đối với người bệnh tiểu đường loại 2, Hiệp hội bệnh Tiểu đường Mỹ khuyến cáo lượng đường huyết nên được cá nhân hóa trong phạm vi an toàn, cụ thể:

- Trước bữa ăn (nhịn ăn): cố gắng từ 70 đến 130 mg/dl (từ 3,9 đến 7,3 mmol/L)

- Sau bữa ăn (từ 1 đến 2 giờ sau khi ăn): cố gắng ít hơn 180 mg/dl (10 mmol/L) đối với người lớn.

- Khi đi ngủ: cố gắng từ 90 đến 150 mg/dl (từ 5 đến 8.3 mmol/L).

10. Theo dõi các biến chứng của bệnh tiểu đường

Hiểu biết là sức mạnh chiến thắng nỗi sợ và nếu bạn biết được có thứ gì không đúng đang xảy ra, bạn sẽ có cơ hội phát hiện triệu chứng từ sớm và xử lý nó. Một số biến chứng mà người bị tiểu đường có thể gặp gồm:

- Đau tim và đột quỵ: Người bệnh tiểu đường có nhiều lý do hơn để quan tâm đến các bệnh về tim mạch và tắc nghẽn mạch máu. Đối tượng này có nguy cơ cao bị đau tim, đột quỵ và các biến chứng liên quan đến tuần hoàn máu kém.

- Suy thận: Bệnh tiểu đường có thể khiến thận bị tổn thương, không chỉ dẫn đến suy thận mà nó cũng có thể khiến thận mất khả năng lọc thải.

- Biến chứng về thị giác: Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến một số biến chứng ở mắt và thậm chí là mù lòa. Người bệnh tiểu đường có nguy cơ bị mù cao hơn những người không mắc bệnh. Phát hiện và điều trị sớm các biến chứng ở mắt có thể giúp bạn giữ lại thị giác của mình.

- Sức khỏe và vệ sinh răng miệng: Bệnh tiểu đường khiến người bệnh có nguy cơ cao mắc phải các bệnh về nướu. Do vậy bạn nên gặp nha sĩ thường xuyên hơn nếu mắc bệnh tiểu đường.

- Bệnh lý thần kinh do tiểu đường và tổn thương dây thần kinh: Một trong những biến chứng thường gặp nhất của bệnh tiểu đường là bệnh lý thần kinh do tiểu đường. Bệnh lý thần kinh do các dây thần kinh trên khắp cơ thể bị tổn thương, các dây thần kinh có nhiệm vụ kết nối tủy sống với các cơ, da, mạch máu và các cơ quan khác.

- Biến chứng ở chân: Người bệnh tiểu đường có thể gặp khá nhiều vấn đề ở chân, thường gặp nhất là khi dây thần kinh ở chân bị tổn thương hoặc khi lưu thông máu kém.

- Biến chứng trên da: Hơn một phần ba người bị tiểu đường mắc phải các biến chứng ở da vào một số thời điểm trong thời gian mắc bệnh. Trên thực tế, một số triệu chứng trên da là dấu hiệu cho thấy một người mắc bệnh tiểu đường. May mắn là hầu hết các biến chứng ở da có thể ngăn chặn hoặc dễ dàng chữa khỏi nếu phát hiện sớm.

- Chứng liệt dạ dày và bệnh tiểu đường: Cả người mắc bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2 đều có thể gặp chứng liệt dạ dày.

- Trầm cảm: Cảm giác suy sụp trong một khoảng thời gian là điều bình thường. Nhưng một số người cảm thấy buồn chán và cảm xúc đó không biến mất. Họ trở nên mất hy vọng trong cuộc sống. Nếu cảm giác này kéo dài trong 2 tuần hoặc nhiều hơn thì đây là một dấu hiệu nghiêm trọng của bệnh trầm cảm.

11. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người quan tâm đến bạn và những người hiểu bạn đang phải trải qua điều gì

Giải thích cho người thân và bạn bè về căn bệnh và nó ảnh hưởng như thế nào đến bạn. Họ sẽ có thể hỗ trợ bạn khi hiểu được cuộc sống của bạn đang phải trải qua điều gì. Trong một số trường hợp, gia đình và bạn bè sẽ rất sẵn lòng cùng bạn tập thể dục, bạn cũng có thể tìm kiếm những nhóm sinh hoạt, nhóm hỗ trợ hay những cuộc gặp gỡ của người mắc tiểu đường như bạn. Bạn sẽ có thể kết thêm bạn mới, nhưng quan trọng nhất là bạn sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ và biết thêm những thông tin bổ ích từ những người đồng cảnh ngộ.

- Bạn cũng có thể cân nhắc tham gia một tổ chức lớn chuyên về bệnh tiểu đường. Ngoài ra các tổ chức lớn cũng là nơi bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ, thông tin và các chế độ ăn phù hợp.

12. Hỏi ý kiến bác sĩ về việc giảm lượng đường trong máu và nhu cầu bổ sung insulin hoặc đồ ăn nhẹ khi ngủ (cả ngày và đêm)

Bạn không nên ăn gì ngoài bữa ăn nhẹ ít protein khi gần đến giờ đi ngủ, đặc biệt là ngừng sử dụng các chất dinh dưỡng không cần thiết trước giờ ngủ từ 2 đến 3 tiếng, chỉ uống nước (không sử dụng đồ uống có cồn, caffeine hay các chất kích thích khác) trong khoảng thời gian này, hãy tự nhắc nhở bản thân rằng "Ngày mai mình sẽ ăn những thứ này".

- Trên thực tế, theo bài viết trên Mayo Clinic, người tiểu đường không nên ăn vặt vào buổi tối.

- Có những loại thực phẩm có gắn nhãn "free" chứa rất ít hoặc không chứa carbohydrates và calories, vì vậy sử dụng "một" trong số chúng nếu thấy đói sau bữa tối sẽ không làm tăng lượng đường trong máu cũng như cân nặng. Bạn có thể chọn một số thực phẩm "free" như:

+ 1 lon nước có ga cho người ăn kiêng

+ 1 phần thạch không đường

+ 5 củ cà rốt baby

+ 2 miếng bánh quy mặn

+ 1 chiếc bánh quế vị vanila

+ 4 hạt hạnh nhân (hoặc các loại hạt tương tự)

+ 1 miếng kẹo cao su hoặc một viên kẹo cứng nhỏ

- Ngừng ăn trước khi ngủ 2 đến 3 tiếng để hệ thần kinh, gan và hệ tiêu hóa có thời gian hoàn thành nhiệm vụ của chúng, để chúng nghỉ ngơi và chuẩn bị cho giai đoạn hồi phục của cơ thể. Nhờ đó, hệ tiêu hóa sẽ không [tiếp tục] tạo ra đường và cơ thể bạn không cần phải giảm lượng đường trong máu trong khi ngủ. Đồng thời ngăn gan chuyển hóa chất béo hoặc đường suốt cả đêm (ngoài ra còn giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn).

13. Ngủ đủ giấc (với một cái bụng gần như rỗng!)

Hãy ngủ đủ từ 6 đến 7 tiếng hoặc hơn để có đủ thời gian cho hệ thần kinh phục hồi và thời gian cho tất cả hệ thống trong cơ thể làm nhiệm vụ của chúng cũng như nghỉ ngơi. Ngủ đủ giấc sẽ giúp giảm thiểu các vấn đề của bệnh tiểu đường như lượng đường trong máu (và giúp tăng khả năng lưu thông máu).

Nếu bạn cần giúp đỡ trong việc đi ngủ, bạn có thể thử những cách sau:

- Sử dụng một loại thuốc kháng histamine để gây buồn ngủ mà không làm tăng huyết áp (HBP), hoạt chất là chlorpheniramine maleate - còn được bán với tên 'Chlortrimeton' và 'Corcidin-HBP' (Không nên sử dụng những loại xi-rô kháng histamine có đường).

- Sử dụng Valerian, đây là loại thảo dược có tác dụng thư giãn rất tốt, ngoài dễ ngủ, nó còn giúp giảm đau nhức cơ thể. Nếu bạn thức dậy quá sớm và sau 4 tiếng từ khi uống viên thuốc thứ nhất, hãy uống nước và uống thêm một hoặc hai viên nữa.

- Bổ sung canxi cùng với magiê và vitamin D3, vitamin B, omega3, omega3-6-9, tất cả đều có thể uống cùng nhau, chúng giúp cơ thể thư giãn khá tốt và cả những tác dụng khác có lợi cho sức khỏe!

- Ăn một lượng nhỏ thức ăn có protein cũng giúp dễ ngủ hơn, như thịt gà tây hoặc gà chẳng hạn, tốt nhất là nên ăn hạt hạnh nhân (có nhiều chất xơ hơn), óc chó, hồ đào, hướng dương, hạt bí, hồ trăn, đậu phộng (lạc) đỏ nguyên vỏ và tất cả các loạt đậu tương tự, hạt có tinh dầu.

Minh Bảo;(Tham khảo wikiHow)

Chủ đề khác