VnReview
Hà Nội

Một số "thủ phạm" gây nẻ môi và cách xử lý

Môi khô, nứt nẻ là hiện tượng mà môi bị cắt hoặc bị thương, có vết lở loét trên môi. Bởi vì da chúng ta khá mỏng manh và dễ bị tổn thương trong thời tiết khô lạnh, nên dễ dẫn đến tình trạng môi bị nứt nẻ.

Nẻ môi có thể đem lại cảm giác khó chịu và đau đớn, thậm chí là chảy máu hoặc châm chích. Phần lớn các trường hợp mắc phải là do viêm môi, tức là tình trạng môi bị viêm nhiễm.

Sử dụng các biện pháp điều trị nhẹ tại nhà có thể giúp tăng tốc độ chữa lành trong một số trường hợp, nhưng bác sĩ thỉnh thoảng sẽ kê đơn thuốc mạnh hơn để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng.

Môi nẻ có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm:

Liếm hoặc bóc môi

Da môi nhạy cảm và dễ kích ứng khi bị chạm vào liên tục. Những người có thói quen liếm, cắn hoặc gỡ da môi có thể khiến cho da môi bị nứt nẻ.

Kích ứng có thể khiến cho chúng ta muốn làm dịu bằng cách chạm vào hoặc liếm tại vùng đó, tuy nhiên hành vi này lại dễ dẫn đến chu kỳ môi bị khô, nứt nẻ.

Bạn có thể loại bỏ thói quen này bằng cách sử dụng son dưỡng môi để làm dịu, giúp chúng lành lại một cách tự nhiên.

Thời tiết

Môi nứt nẻ cũng là kết quả đến từ các nguồn kích ứng khác như là không khí lạnh, khô hoặc nhiều gió.

Thời tiết thay đổi cũng có thể dẫn đến những vết cắt nơi khóe môi. Phần môi bị nẻ gây ra cảm giác bỏng rát và thậm chí khiến cho các hành động dù là đơn giản như mỉm cười hoặc nhai cũng gây đau đớn vì nó kéo căng vùng bị tổn thương.

Chấn thương

Chấn thương là một nguyên nhân phổ biến khác của nứt nẻ môi. Nó thường xảy ra nhiều ở những người chơi các môn thể thao va chạm như bóng đá hoặc khúc côn cầu…

Một số chấn thương khác cũng dễ dẫn đến tổn thương môi như là:

- Bị đánh vào miệng

- Vết cắt vô tình bởi giấy

- Cắn môi

Phản ứng dị ứng

Da môi có thể phản ứng lại với một hoặc nhiều thành phần bên trong một số sản phẩm nhất định, đặc biệt là những sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với môi hoặc miệng như là:

- Kem đánh răng

- Chỉ nha khoa

- Son dưỡng môi

- Son môi

- Trang điểm

- Kem dưỡng ẩm

- Niềng răng

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng những yếu tố gây dị ứng này chịu trách nhiệm cho 22-34% các trường hợp viêm môi.

Nếu phát hiện các triệu chứng như viêm, khô hoặc đỏ sau khi sử dụng sản phẩm mới thì nên ngưng sử dụng. Trong trường hợp các triệu chứng vẫn tiếp diễn, bạn có thể trình bày với bác sĩ da liễu, họ sẽ kiểm tra các dị ứng nhất định trên da và đưa ra lời khuyên giúp bạn tránh các sản phẩm gây ra triệu chứng đó.

Tổn thương do ánh nắng Mặt trời

Ánh nắng Mặt trời cũng có thể gây ra tổn thương trên những vùng da môi nhạy cảm và khiến nứt nẻ, mặc dù điều này chỉ thường xảy ra nếu tiếp xúc lâu.

Tiếp xúc hàng giờ ánh nắng Mặt trời mà không áp dụng các biện pháp bảo vệ môi có thể dẫn đến tình trạng viêm, gây đau, khô hoặc nứt nẻ.

Mất nước

Cơ thể sử dụng nước để giữ cho làn da luôn căng mọng. Nếu một người không đủ lượng chất lỏng trong cơ thể, họ có thể nhận thấy những thay đổi trên da, chẳng hạn như khô hoặc nứt nẻ.

Các triệu chứng mất nước nhẹ, như là nẻ môi có thể xuất hiện nếu một người không uống đủ nước trong ngày.

Mất nước cũng có thể xảy ra sau một cơn bệnh gây sốt cao, tiêu chảy hoặc nôn mửa, các triệu chứng này có thể khiến cho cơ thể mất nhiều nước.

Thiếu hụt vitamin

Mặc dù không thường thấy như các nguyên nhân khác, nhưng thiết hụt vitamin hoặc khoáng chất có thể là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp môi bị nứt nẻ.

Nghiên cứu từ năm 2013 ghi nhận rằng sự thiếu hụt một số loại vitamin B hoặc sắt có thể gây ra các triệu chứng trong miệng, chẳng hạn như nẻ hoặc viêm.

Điều trị và biện pháp khắc phục tại nhà

Thông thường, môi bị nứt nẻ sẽ tự lành theo thời gian. Trong khoảng thời gian đó, tốt nhất là nên tránh liếm hoặc quen tay cạy gỡ da môi.

Chúng ta cũng có thể thử các biện pháp tự chữa tại nhà để tăng tốc độ chữa lành:

Nước muối

Nước muối có thể giúp giữ cho vết thương sạch sẽ khi lành lại. Thêm một thìa muối vào một cốc nhỏ nước ấm. Ngâm tăm bông hoặc bông gòn vào dung dịch và giữ nó ở vùng môi bị tổn thương.

Có thể sẽ hơi châm chích lúc đầu vì dung dịch tiếp xúc trực tiếp với vết cắt, nhưng cơn đau sẽ sớm biến mất sau vài phút.

Bột baking soda

Thuốc đắp baking soda cũng có thể giúp giảm các triệu chứng như đau hoặc sưng. Hỗn hợp chống viêm bao gồm một muỗng baking soda trộn với vừa đủ nước để tạo thành hỗn hợp sền sệt – thường là khoảng một muỗng cà phê

Bôi hỗn hợp này lên môi. Để yên trong vài phút trước khi rửa sạch hỗn hợp bằng nước lạnh. Lặp lại quy trình sau vài giờ nếu cần thiết.

Liệu pháp chườm lạnh

Chườm túi đá bọc vải lên vùng bị tổn thương có thể làm tê cơn đau và giảm sưng, mỗi lần chỉ nên chườm túi đá trong khoảng 10-15 phút.

Phòng ngừa

Bạn có thể thực hiện một số bước bảo vệ để vừa thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương vừa giúp ngăn ngừa tình trạng môi nứt nẻ trong tương lai. Cụ thể:

- Tránh liếm hoặc chạm tay vào những vùng môi nhạy cảm

- Dưỡng môi khi ra ngoài, đặc biệt là trong thời tiết lạnh

- Tránh những thực phẩm gây kích thích, chẳng hạn như cam quýt hoặc thức ăn cay

- Uống nhiều nước

Nhiễm trùng

Một số trường hợp môi nứt nẻ có thể dẫn đến nhiễm trùng và không thể chữa lành bằng các biện pháp đơn giản tại nhà.

Các bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc mỡ hoặc kem dưỡng ẩm có chứa thành phần kháng khuẩn để giúp tiêu diệt vi khuẩn và bảo vệ chỗ tổn thương khi vết thương lành lại.

Khi nào thì đến gặp bác sĩ?

Nếu vết cắt là do chấn thương gây ra, nó có thể sâu hơn và cần được điều trị y tế, chẳng hạn như khâu lại. Bạn cũng nên đi khám bác sĩ nếu vết nứt nẻ gây chảy máu, tái phát nhiều lần hoặc khó kiểm soát, có dấu hiệu nhiễm trùng như là sưng, đỏ, chảy mủ và viêm.

Tổng kết

Nứt nẻ môi xuất hiện khá phổ biến và còn khiến cho người gặp phải cảm thấy bức bối, khó chịu. Vết cắt có thể nhỏ nhưng lại tốn thời gian để chữa lành vì mọi người thường phải cử động môi và miệng nhiều hàng ngày.

Trong hầu hết các trường hợp, nứt nẻ môi nói chung sẽ phản hồi tốt với các biện pháp tự chữa lành tại nhà. Còn nếu bị chảy máu dai dẳng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng thì tốt hơn hết bạn nên đi khám bác sĩ.

Giang Vu theo Medical News Today

Chủ đề khác