VnReview
Hà Nội

6 lời nguyền nổi tiếng trong lịch sử loài người và nguồn gốc của chúng

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, con người đã luôn "tô vẽ" nhiệt thành cho câu chuyện xung quanh những lời nguyền rủa.

Đối với những người hâm mộ thể thao, những lời nguyền có thể lý giải cho trận thua của đội họ yêu thích. Khi nguyên nhân dẫn đến cái chết nào đó bị hiểu nhầm, những lời nguyền có thể đưa ra lời giải thích tạm chấp nhận được. Đối với một đế quốc, những lời nguyền rủa có thể phơi bày sự lo lắng về việc bị trừng phạt vì xâm chiếm và cướp bóc. Và đôi khi, những lời nguyền xuất hiện chỉ đơn giản bởi vì ai đó muốn bịa ra câu chuyện.

Dưới đây là một số câu chuyện về những lời nguyền nổi tiếng trong lịch sử loài người.

1. Lời nguyền của Pharaoh Tutankhamun;(và những xác ướp khác)

Mặt nạ an táng của Pharaon Ai Cập Tutankhamun.

Vào tháng 2/1923, một nhóm khảo cổ người Anh đã khai quật lăng mộ của vua Tutankhamun, hay còn gọi là "Vua Tut", một vị pharaoh Ai Cập trị vì vào thế kỷ 14 trước Công nguyên. Bỗng dưng hai tháng sau đó, nhà tài trợ cho công cuộc tìm kiếm của nhóm qua đời do nhiễm trùng vi khuẩn, các tờ báo Anh nhanh chóng "mổ xẻ" và đăng tin ông ta chết vì "lời nguyền của Vua Tut" mà không hề đưa ra các bằng chứng xác thực. Và mỗi khi các thành viên tiếp theo của nhóm qua đời, các phương tiện truyền thông lại tiếp tục "đào mộ" câu chuyện về lời nguyền.

Lời nguyền của Vua Tut và những "lời nguyền của xác ướp" nổi tiếng khác được người châu Âu và người Mỹ "thêu dệt" trong giai đoạn mà các quốc gia này liên tiếp lấy các cổ vật vô giá khỏi Ai Cập. Sau khi con tàu Titanic bị chìm vào năm 1912, một số tờ báo thậm chí còn đẩy mạnh thuyết âm mưu rằng con tàu đã chìm vì "lời nguyền của xác ướp".

Mặc dù không rõ có bao nhiêu người thật sự tin vào những "lời nguyền" này, tuy nhiên nó đã trở thành đề tài cực kỳ quen thuộc cho các tựa phim kinh dị như The Mummy (1932) cùng các phần sau đó, cũng như các bộ phim hài kinh dị như Mummy's Boys (1936), Abbott and Costello Meet the Mummy (1955).

2. Lời nguyền lăng mộ của nhà vua Ba Lan

Vua Casimir IV Jagiellon. Ảnh: Heritage Images/Getty Images.

Năm 1973, một nhóm các nhà khảo cổ đã khai quật lăng mộ của vị vua Ba Lan sống vào thế kỷ 15 - Casimir IV Jagiellon ở Kraków, Ba Lan. Giống như việc mở lăng mộ của Vua Tut 50 năm trước đó, giới truyền thông châu Âu đã thổi phồng sự kiện này và cho rằng các nhà nghiên cứu đang mạo hiểm với một lời nguyền lăng mộ bằng cách mở nó.

Khi một số thành viên trong nhóm qua đời nhanh chóng sau quãng thời gian đó, một số phương tiện truyền thông đã suy đoán rằng đó là do lời nguyền. Sau đó, các chuyên gia đã phát hiện ra dấu vết của các loại nấm chết người bên trong lăng mộ có thể gây bệnh phổi khi hít vào, đó mới là nguyên nhân dẫn đến cái chết của họ.

3. Lời nguyền của kim cương Hope

Evelyn Walsh McLean, một trong những chủ sở hữu của viên kim cương Hope nổi tiếng, năm 1915. Ảnh: Topical Press Agency/Getty Images.

Vào những năm 1660, nhà buôn đá quý người Pháp Jean-Baptiste Tavernier đã mua được một viên kim cương to bự không rõ nguồn gốc trong một chuyến đi đến Ấn Độ. Nhưng đến thế kỷ 20, một câu chuyện đã được lan truyền tại Mỹ và châu Âu rằng Tavernier đã đánh cắp viên kim cương từ bức tượng của một nữ thần Hindu. Các tờ báo, các nhà kim hoàn phỏng đoán và cho rằng viên kim cương đã bị nguyền rủa đem đến xui xẻo cho những ai sở hữu nó.

Đến năm 1839, viên kim cương được cho là đã rơi vào tay Henry Philip Hope, một nhà sưu tập đá quý người Hà Lan tại London và đó cũng là nguồn gốc tên gọi hiện nay của viên đá - Hope Diamond. Báo chí Âu Mỹ bắt đầu cho rằng viên kim cương Hope ẩn chứa một lời nguyền.

Nhà kim hoàn người Pháp Pierre Cartier được cho là đã lợi dụng câu chuyện này để nâng cao giá trị của viên kim cương khi ông bán nó cho nữ thừa kế người Mỹ Evelyn Walsh McLean vào đầu những năm 1910. Sau khi bà qua đời, nó được chuyển đến một công ty trang sức của Hoa Kỳ để trưng bày trước khi được tặng cho Viện Smithsonian vào năm 1958, nơi nó vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

4. Lời nguyền Tippecanoe (hay Lời nguyền của Tecumseh)

Trận Tippecanoe, nơi Tướng Harrison chiến đấu với Tecumshe vào ngày 7 tháng 11 năm 1811. Ảnh: Universal History Archive/Getty Images.

Vào giữa thế kỷ 20, truyền thông Mỹ bắt đầu ghi nhận một mô hình lặp lại về cái chết của các đời Tổng thống. Bắt đầu với William Henry Harrison và kết thúc với John F. Kennedy, cứ sau mỗi 20 năm nước Mỹ bầu ra một vị tổng thống mà sau đó lại chết khi đang tại nhiệm.

Harrison được bầu vào năm 1840, là vị tổng thống đầu tiên qua đời khi đang tại nhiệm. Các đời tổng thống khác có kết cục tương tự bao gồm Abraham Lincoln (đắc cử năm 1860 và 1864), James A. Garfield (đắc cử năm 1880), William McKinley (đắc cử năm 1900), Warren G. Harding (đắc cử năm 1920), Franklin D. Roosevelt (đắc cử năm 1940 cũng như các năm 1932, 1936 và 1944) và John F. Kennedy (đắc cử năm 1960). Vị Tổng thống duy nhất nằm giữa giai đoạn Harrison và John F. Kennedy nhưng đứng ngoài "vòng xoáy" này là Zachary Taylor, người được bầu vào năm 1848 và qua đời năm 1850.

Vào những năm 1930, Bảo tàng Ripley's Believe It or Not tuyên bố "mô hình" này là do một lời nguyền mà Tecumseh, thủ lĩnh của bộ lạc Shawnee ám lên Harrison và các đời tổng thống Mỹ tương lai sau khi quân của Harrison đánh bại Tecumseh trong trận Tippecanoe năm 1811 (Tecumseh tử trận hai năm sau đó trong một trận chiến khác chống lại quân đội của Harrison).

Câu chuyện này có thể bắt nguồn từ những người Mỹ không phải dân bản địa và có điểm tương đồng với các "lời nguyền" khác được mô tả trong sách và phim của Hoa Kỳ về việc những người nhập cư làm xáo trộn khu chôn cất của người bản địa nơi đây.

5. Lời nguyền của Macbeth

Có rất nhiều câu chuyện mê tín dị đoan trong thế giới sân khấu. Người ta có thói quen không chúc nhau may mắn và cũng rất xui xẻo nếu nói từ "Macbeth" trong rạp trừ khi đang trình diễn vở kịch của Shakespeare. Người ta cho rằng, điều này là do tấn bi kịch đã từng xảy đến trong lịch sử của vở kịch. Trên thực tế, những câu chuyện như thế này là sự kết hợp giữa bịa đặt và những bằng chứng được chọn lọc thêm thắt.

Bí ẩn về vở kịch dường như bắt đầu với Max Beerbohm, một nhà phê bình và vẽ tranh biếm họa người Anh sinh sống vào những năm 1870, gần ba thế kỷ sau buổi biểu diễn đầu tiên của Macbeth. Beerbohm - có lẽ khó chịu vì Macbeth là một vở kịch nổi tiếng nên đã dựng lên một câu chuyện rằng diễn viên đầu tiên đóng vai Lady Macbeth đã chết ngay trước đêm khai màn của vở kịch.

Kể từ đó, chuyện hoang đường về vở kịch bị nguyền rủa bắt đầu, cho rằng nó mang lại xui xẻo cho những diễn viên nhập vai. Mặc dù đã có những tai nạn thực sự xảy ra trong lịch sử hơn 400 năm của Macbeth, nhưng nó được chú ý nhiều hơn những tai nạn trong các vở kịch khác vì thứ được cho là "lời nguyền".

6. Lời nguyền của Billy Goat lên Chicago Cubs

Một con dê trong xe đẩy ngoài sân vận động Wrigley Field vào ngày 10/4/2017 tại Chicago, Illinois. Ảnh: Scott Olson/Getty Images.

Cũng như thể loại sân khấu, thế giới thể thao cũng đầy rẫy những câu chuyện mê tín dị đoan. Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất được cho là "Lời nguyền của Billy Goat" lên đội bóng chày Chicago Cubs.

Vào năm 1945, một chủ quán rượu tên là William "Billy Goat" Sianis được cho là đã bị cấm mang chú dê cưng của mình - Murphy, vào Sân Wrigley để xem đội Chicago Cubs đấu Detroit Tigers trong trận chung kết World Series. Người ta cho rằng, Sianis đã nguyền rủa Chicago Cubs sẽ không vô địch giải này hay bất kỳ trận World Series nào khác nữa.

Trước đó, Chicago Cubs chỉ mới vô địch World Series hai lần vào các năm 1907 và 1908. Khi họ thua World Series vào năm 1945, câu chuyện lời nguyền đã thu hút nhiều sự chú ý hơn. Vào năm 2016, khi Chicago Cubs giành chiến thắng World Series đầu tiên sau hơn một thế kỷ, truyền thông Hoa Kỳ cho rằng lời nguyền đã bị phá vỡ.

Lời nguyền Billy Goat tương tự như lời nguyền Bambino, được cho là bắt đầu khi đội bóng chày chuyên nghiệp Boston Red Sox đàm phán chuyển nhượng cầu thủ Babe Ruth vào năm 1919 và câu chuyện kết thúc khi đội vô địch World Series năm 2004. Ngoài ra còn có lời nguyền của rapper Lil B đối với cầu thủ bóng rỗ chuyên nghiệp Kevin Durant trong một đoạn tweet được đăng tải năm 2011. Khi đội bóng rỗ nhà nghề Mỹ Golden State Warriors giành chiến thắng trong trận chung kết NBA năm đó, còn Durant giành được MVP, các phương tiện truyền thông đã nói đùa rằng Lil B đã dỡ bỏ lời nguyền.

Giang Vu theo History

Chủ đề khác