VnReview
Hà Nội

Phóng thành công Chang'e 5, Trung Quốc sắp xúc đất đá Mặt Trăng đưa về Trái đất

Như vậy là Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ Chang'e 5, đây sẽ là con tàu đem theo hy vọng giúp nước này sớm trở thành quốc gia thứ 3 sau Mỹ và Liên Xô lấy được mẫu vật từ Mặt Trăng sau hơn 40 năm.

Theo kế hoạch, Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ không người lái lên Mặt Trăng vào rạng sáng ngày thứ Ba (24/11).

Bốn mô-đun cấu thành của tàu vũ trụ Chang'e 5 đã được phóng lên vào lúc 4 giờ 30 phút rạng sáng ngày 24/11 nhờ lực đẩy của tên lửa khổng lồ Trường Chinh 5Y từ trung tâm phóng Wenchang, dọc theo bờ biển phía nam đảo Hải Nam.

Vài phút sau khi cất cánh, tàu vũ trụ đã tách khỏi giai đoạn thứ nhất và thứ hai của tên lửa và trượt vào quỹ đạo chuyển giữa Trái đất và Mặt trăng. Khoảng 1 giờ sau, Chang'e 5 đã mở các tấm pin Mặt trời để tự cung cấp nguồn điện độc lập. Tàu sẽ mất 3 ngày để tới được Mặt Trăng.

Chang'e 5 có tổng cộng 4 mô-đun gồm một tàu quỹ đạo Mặt Trăng, một tàu lấy mẫu và đem về Trái Đất, một đổ bộ mang theo các dụng cụ chuyên dụng để thu thập mẫu vật và tàu nhỏ cuối cùng để chứa các mẫu vật thu thập được và mang về Trái Đất an toàn. Tàu đổ bộ sẽ đào lấy các mẫu vật bằng máy khoan và cánh tay robot, sau đó chuyển chúng vào khoang riêng biệt và chuyển chúng trở lại Trái Đất.

Con tàu nặng 3,7 tấn này có nhiệm vụ xúc đất và đá trên Mặt trăng và đưa chúng trở lại Trái đất. Nhiệm vụ quan trọng của nó là khoan 2 mét dưới bề mặt Mặt trăng và xúc khoảng 2kg đá và các mảnh vỡ để mang chúng về Trái đất.

Các mẫu này rất quan trọng vì chúng có thể giúp các nhà khoa học hiểu được hoạt động của núi lửa trên Mặt trăng và thời điểm núi lửa hoạt động lần cuối. Đá và đất ở Mặt trăng có thể xác nhận được thời điểm núi lửa hoạt động cách đây bao nhiêu lâu. Xiao Long, nhà địa chất hành tinh tại Đại học khoa học địa chất Trung Quốc ở Vũ Hán chia sẻ với tờ Nature: "Nếu đó là sự thật, chúng ta sẽ sớm viết lại lịch sử của Mặt Trăng".

NASA cho biết mẫu vật này sẽ được đưa trở lại Trái Đất và rơi xuống đồng cỏ Siziwang Banner thuộc khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc vào khoảng 16/12.

Sứ mệnh có tên Chang'e-5, được đặt theo tên nữ thần Mặt Trăng của Trung Quốc là sứ mệnh táo bạo nhất của Cơ quan quản lý không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA). Vào tháng 1/2019, Trung Quốc đã hạ cánh thành công một tàu vũ trụ ở phía xa của mặt trăng, điều chưa từng thực hiện được trước đây. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ là quốc gia thứ ba từng lấy được mẫu từ mặt trăng sau hơn 40 năm qua, trước đó là Mỹ và Liên Xô trong những năm 1960 và 1970.

Thời gian của tàu đổ bộ Chang'e 5 lên Mặt trăng dự kiến ​​sẽ khá ngắn. Nó chỉ có thể hoạt động khoảng 14 ngày vì nó thiếu các lớp bảo vệ để chịu được những đêm băng giá trên Mặt trăng.

Joan Johnson-Freese, một chuyên gia về không gian tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ cho biết, sự phức tạp về kỹ thuật của Chang'e 5, khiến nó trở nên "đáng chú ý theo nhiều cách".

Bà chia sẻ: "Trung Quốc đang cho thấy nước này có khả năng phát triển và thực hiện thành công các chương trình công nghệ cao bền vững, quan trọng đối với ảnh hưởng trong khu vực và các mối quan hệ đối tác toàn cầu tiềm năng".

Jonathan McDowell, một nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết, các quốc gia khác có kế hoạch lấy mẫu vật từ các tiểu hành tinh hoặc thậm chí sao Hỏa có thể xem xét kinh nghiệm của Trung Quốc. Ông cũng bày tỏ lạc quan Trung Quốc có thể hoàn thành sứ mệnh này thành công.

Sứ mệnh này là một trong những sứ mệnh táo bạo nhất của Trung Quốc kể từ lần đầu tiên đưa người lên vũ trụ vào năm 2003, trở thành quốc gia thứ ba làm được như vậy sau Mỹ và Liên Xô cũ.

Chương trình thăm dò Mặt Trăng của Trung Quốc bắt đầu với các sứ mệnh Chang'e 1 và 2, cả hai được tung lên quỹ đạo Mặt Trăng vào năm 2007 và 2010. Sau đó là tàu đổ bộ Mặt trăng Chang'e 3 vào năm 2013 và tàu đổ bộ Chang'e 4, hạ cánh ở phía xa của mặt trăng vào năm 2019.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Pei Zhaoyu, người phát ngôn của sứ mệnh và Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật không gian và khám phá Mặt trăng thuộc Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc cho biết, Chang'e 5 và các sứ mệnh trên Mặt Trăng trong tương lai sẽ giúp "cung cấp hỗ trợ kỹ thuật tốt hơn cho các hoạt động khoa học và thăm dò trong tương lai".

Pei cho rằng: "Nhu cầu khoa học và các điều kiện kinh tế, kỹ thuật sẽ quyết định liệu Trung Quốc có muốn thực hiện sứ mệnh đưa phi hành đoàn lên Mặt trăng hay không. Tôi nghĩ rằng các hoạt động thám hiểm trên Mặt Trăng trong tương lai rất có thể sẽ kết hợp giữa người và máy".

Trung Quốc đang không ngừng đầu tư mạnh cho cuộc chạy đua vũ trụ và tới nay, nước này đã đạt được khá nhiều thành tựu lớn, bao gồm tự xây dựng một trạm vũ trụ thử nghiệm, thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian.

Vào tháng 7, Trung Quốc đã trở thành một trong ba quốc gia thực hiện sứ mệnh lên Sao Hỏa. Cụ thể Trung Quốc đã phóng tàu thám hiểm Tianwen 1 lên vũ trụ để tìm kiếm dấu hiệu của nước trên Sao Hỏa. Con tàu dự kiến sẽ tiếp cận Sao Hỏa vào tháng 2 tới.

Trong bối cảnh tự chủ không gian, Trung Quốc đã tự huy động nguồn lực nhằm thực hiện hóa mục tiêu xây dựng trạm không gian của riêng mình hay tạo ra hệ thống định vị Bắc Đẩu. Nước này dự kiến sẽ thực hiện sứ mệnh đưa các phi hành gia Trung Quốc lên Mặt Trăng vào khoảng năm 2030.

Toàn cảnh vụ phóng tàu vũ trụ Chang'e-5

Tiến Thanh

Chủ đề khác