VnReview
Hà Nội

Tại sao chúng ta lại hay thở dài?

Mệt mỏi, buồn bã hay nhẹ nhõm … những cảm giác này đều rất khác nhau, nhưng bằng một cách nào đó, thở dài dường như lại là điểm chung cho mỗi trạng thái cảm xúc đó. Vậy tại sao cơ thể chúng ta lại phản ứng như thế?

Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng chưa có cách giải thích nào hoàn toàn xác đáng. Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một "mảnh ghép" quan trọng giúp giải quyết câu hỏi hóc búa này. Họ đã phát hiện ra các đường dẫn truyền thần kinh chịu trách nhiệm cho tần suất lặp lại của hành vi thở dài, nó độc lập với nhịp điệu thở thường xuyên của con người.

Thở dài được hiểu là một hơi thở sâu, dài gấp đôi nhịp điệu của một hơi thở thông thường. Nó được cho là có mối liên hệ đến cảm xúc của bạn. Thở dài cũng đóng vai trò giãn nở cho phổi, một hơi thở sâu theo chu kỳ sẽ thổi phồng các phế nang - các túi nhỏ trong phổi nơi oxy và carbon dioxide vào và ra khỏi máu.

Sự giãn nở đó đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho phổi được hoạt động bình thường. Jack Feldman, nhà sinh học thần kinh tại UCLA và là một trong những tác giả nghiên cứu cho biết: "Khi phế nang bị xẹp, chúng sẽ làm tổn hại đến khả năng trao đổi oxy và carbon dioxide của phổi. Cách duy nhất để khiến chúng phồng lại là thở dài, tức là một hơi thở dài và sâu gấp đôi bình thường. Nếu bạn không thở dài, phổi của bạn sẽ hỏng dần theo thời gian".

Đó có thể là lý do tại sao bộ não kích thích phản xạ thở dài khoảng chục lần mỗi giờ ở người và thường xuyên hơn ở động vật. Nhưng đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được các tế bào thần kinh nào trong não chịu trách nhiệm kích hoạt phản xạ này.

Các nhà nghiên cứu đã quyết định xem xét trung tâm hô hấp trong thân não. Họ đã phân tích gen các tế bào trong đó và phát hiện ra vài trăm tế bào sản sinh ra một trong hai chất hóa học cho phép chúng giao tiếp với "preBötzinger Complex" - một bó gồm vài nghìn tế bào thần kinh có chức năng kiểm soát tốc độ và nhịp điệu của hô hấp.

Khi các nhà nghiên cứu tiêm các hợp chất này đã được phân lập, được gọi là "Nmb" hoặc "Grp", vào não chuột, họ nhận thấy rằng những con chuột thở dài thường xuyên hơn 10 lần mỗi giờ. Khi các nhà nghiên cứu chặn peptide Nmb, những con chuột chỉ thở dài bằng một nửa so với ban đầu, và khi bị ức chế các dẫn truyền thần kinh thì những con chuột gần như ngưng thở dài hoàn toàn. Những thay đổi này không hề ảnh hưởng đến nhịp thở bình thường của chuột.

Các peptide tương tự đó cũng tồn tại ở người và các nhà nghiên cứu tin rằng chúng cũng chịu trách nhiệm điều tiết quá trình thở dài. Nếu các bác sĩ lâm sàng có thể tăng nồng độ của các hợp chất này, họ có thể làm tăng tần suất thở dài ở những bệnh nhân gặp khó khăn trong việc tự hô hấp và giảm nó ở những bệnh nhân bị lo lắng hoặc các rối loạn tâm lý khác khiến họ thở dài quá thường xuyên.

Các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã tìm ra phần lớn bí mật đằng sau bí ẩn thở dài này. Nhưng họ vẫn chưa thể kết luận về những cảm xúc tham gia vào các dẫn truyền liên quan đến thở dài. "Có thể các tế bào thần kinh trong vùng não xử lý cảm xúc kích hoạt sự giải phóng các neuropeptide thở dài – nhưng chúng tôi không chắc chắn về điều đó", Feldman nói.

Các nghiên cứu khác tập trung vào khía cạnh tâm lý của việc thở dài đã từng kết luận rằng phản xạ thở dài có thể được sử dụng để biểu đạt cảm xúc của chúng ta trong xã hội, hoặc có thể đóng vai trò như một "nút khởi động lại" cho hệ hô hấp. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục giải quyết được các khía cạnh phức tạp khác trong tương lai.

Giang Vu theo Popular Science

Chủ đề khác