VnReview
Hà Nội

Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh khi ngủ, tránh nguy cơ đột tử?

Hội chứng đột tử ở trẻ em là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 1 năm tuổi. Hàng năm có hàng ngàn trẻ sơ sinh bị đột tử khi ngủ do môi trường ngủ không an toàn. Dù sự xuất hiện hội chứng này ở trẻ vẫn không thể biết trước, cha mẹ cần nhận thức về hội chứng này để phòng tránh cho con.

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh là gì?

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS - sudden infant death syndrome) không phải là một căn bệnh hay một bệnh lý thông thường. Đúng hơn, đó là chẩn đoán được đưa ra khi trẻ dưới 1 tuổi tử vong đột ngột mà không thể tìm ra nguyên nhân chính xác ngay lập tức. Để làm rõ nguyên do, các chuyên gia y tế phải truy tìm lại bệnh sử của cả trẻ lẫn bố mẹ, nghiên cứu kĩ nơi trẻ qua đời và khám nghiệm tử thi. Hội chứng xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo trước khiến bệnh đột tử ở trẻ sơ sinh trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với nhiều gia đình.

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng thường là vào thời điểm trẻ ngủ khoảng thời gian giữa 10 giờ tối và 10 giờ sáng. Khoảng từ 16-20% các ca tử vong do bệnh đột tử ở trẻ sơ sinh xảy ra tại nơi chăm sóc trẻ, thường gặp nhất là trong tuần đầu tiên sau sinh.

Nguyên nhân đột tử ở trẻ sơ sinh

Có một số nguyên nhân được cho ra có thể đã gây tử vong ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần lưu ý.

- Trẻ có khuyết tật nghiêm trọng ở tim, hệ hô hấp hay các cơ quan phản ứng chưa phát triển hoàn thiện.

- Đường thở bị chèn ép khi ngủ trong tư thế nằm sấp, ngủ trên giường có quá nhiều vật dụng hay giường ngủ mềm, ngủ cùng với bố mẹ cũng có thể là tác nhân gây đột tử ở trẻ.

- Những trẻ sơ sinh chết vì hội chứng SIDS có mức serotonin trong não thấp hơn so với bình thường. Serotonin giúp điều hòa nhịp thở, nhịp tim và huyết áp trong khi ngủ.

- Nấm phổi là yếu tố nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh thường gặp. Nấm phổi, mà nhiều khi bị chẩn đoán nhầm là viêm phế quản do vi khuẩn hoặc virus hay hen phế quản.

- Sinh non hoặc rất nhẹ cân. Bé càng sinh non bao nhiêu thì nguy cơ bị đột tử càng cao bấy nhiêu. Tương tự như vậy, cân nặng càng thấp thì nguy cơ mắc phải hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh càng cao hơn.

- Trẻ ra đời khi mẹ ở độ tuổi dưới 20. Những bà mẹ tuổi vị thành niên có khả năng sinh con bị đột tử cao hơn những bà mẹ lớn tuổi hơn. Những bà mẹ không được chăm sóc, theo dõi thai sản chu đáo; người mẹ có tiền sử hút thuốc lá (người ta nhận thấy số trẻ em đột tử tăng cao ở nhóm các bà mẹ hút thuốc lá trong giai đoạn có thai).

- Gia đình đông con và khoảng cách sinh con gần nhau. Nguy cơ mắc bệnh đột tử ở trẻ sơ sinh tăng theo từng bé. Ngoài ra, thời gian giữa các lần mang thai càng ngắn, nguy cơ sinh con mắc SIDS càng cao. Sinh đôi tăng gấp đôi nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (ngay cả khi các bé không sinh non hoặc thấp cân). Nếu từng có con sơ sinh bị đột tử thì nguy cơ bị đột tử ở trẻ sơ sinh đang trong bụng mẹ là gấp 5 lần.

- Trải qua những lần đe dọa mạng sống. Những bé đã phải trải qua những tình huống thập tử nhất sinh như ngừng thở và tím tái, xanh xao, ốm yếu và cần hồi sức cấp cứu có nguy cơ bị đột tử ở trẻ sơ sinh cao hơn.

- Trẻ sơ sinh là bé trai. Khoảng 30-50% bé trai có nguy cơ tử vong vì bệnh đột tử ở trẻ sơ sinh nam cao hơn so với bé gái.

Một số yếu tố khác cũng được cho là có thể liên quan đến nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh như tiếp xúc với khói thuốc (ở gia đình có người hút thuốc); nằm úp sấp khi ngủ, không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ; nhiệt độ phòng tăng hoặc giảm đột ngột; giường, chăn đệm, thú nhồi bông gây chật chội, ngột ngạt; có tình trạng thiếu máu; giai đoạn 6 tháng đầu sau sinh thì có nguy cơ cao hơn và đặc biệt là người ta cũng nhận thấy một tỷ lệ bị SIDS cao hơn ở nhóm trẻ ngủ cùng cha mẹ hoặc ngủ với các trẻ khác mà chưa lý giải được nguyên nhân.

Một vài dấu hiệu cảnh báo đột tử ở trẻ sơ sinh

Trẻ bị đột tử ở trẻ sơ sinh không có triệu chứng kèm theo hoặc dấu hiệu cảnh báo nào. Trẻ không bị đau, không khóc hoặc có bất kỳ khó chịu gì trước đột tử. Tuy vậy, trẻ có thể có vấn đề về hô hấp hoặc dạ dày nhưng không nghiêm trọng trong vài tuần trước đó. Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập.

Nếu trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc có bất kỳ vấn đề nào về hô hấp, trẻ phải được theo dõi ở bệnh viện để dự phòng nguy cơ đột tử. Dù vậy, trẻ vẫn có thể đột tử ở trẻ sơ sinh khi ngủ bất cứ lúc nào, kể cả đang khỏe mạnh. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất.

Một số cách thức để cha mẹ giữ an toàn cho con khi ngủ.

Hướng dẫn từ Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) về cách cha mẹ có thể tạo môi trường ngủ an toàn cho con của họ dưới đây cũng nên được chia sẻ với bất kỳ ai chăm sóc trẻ sơ sinh, bao gồm ông bà, gia đình, bạn bè, người giữ trẻ và nhân viên trung tâm chăm sóc trẻ em.

Lưu ý: Những khuyến nghị này dành cho trẻ sơ sinh khỏe mạnh dưới 1 tuổi. Một số rất nhỏ trẻ sơ sinh mắc một số bệnh lý nhất định có thể phải nằm sấp khi ngủ. Bác sĩ của con bạn có thể cho bạn biết điều gì là tốt nhất cho con bạn.

- Cho trẻ nằm ngửa khi ngủ. Có nhiều bằng chứng xác đáng cho thấy là nằm ngửa khi ngủ làm giảm tỷ lệ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Một số phụ huynh có thể quan tâm đến vấn đề đầu của trẻ bị méo khi mà trẻ nhỏ nằm ngửa quá lâu làm hộp sọ phía sau đầu bị dẹt. Vì vậy, bạn cần thay đổi thường xuyên tư thế của bé và cho bé nằm ngửa nhiều hơn khi thức.

- Nên cho trẻ nằm đầu cao; giữ cho phòng thoáng mát, thông khí bằng quạt gió; không nên trùm chăn kín đầu trẻ. Không để trẻ trong phòng quá nóng. Hãy giữ cho phòng ở nhiệt độ mà một người lớn mặc một chiếc áo sơ mi ngắn tay cảm thấy thoải mái. Nếu trẻ ngủ trong môi trường quá nóng thì trẻ có thể ngủ sâu hơn, nên khó đánh thức.

- Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ, tốt nhất là bằng sữa mẹ. Một số bằng chứng cho thấy bú sữa mẹ có thể giúp làm giảm tỷ lệ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Lý do giải thích cho điều này chưa rõ, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng sữa mẹ có thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bị nhiễm trùng do đó làm giảm nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

- Đặc biệt chú ý chăm sóc các trẻ sơ sinh thiếu cân, non tháng; trẻ có mẹ ở tuổi vị thành niên, mẹ nghiện rượu, nghiện thuốc lá hoặc lạm dụng các chất ma túy khác; trẻ ở gia đình có người mắc các hội chứng gây rối loạn nhịp tim bẩm sinh...

- Đặt trẻ nằm trên những tấm đệm cứng, không bao giờ đặt trẻ trên một cái gối, một cái nệm nước, chăn làm từ da cừu, đi-văng, ghế, hoặc bề mặt mềm khác. Tránh sử dụng chăn có nhiều lông hoặc quá lớn so với trẻ.

- Đối với trẻ 6 tháng tuổi, trẻ nên ngủ trong nôi, đặt chung trong phòng với bố mẹ thay vì nằm chung giường. Khi trẻ được mẹ bế cho bú hoặc dỗ dành trẻ thì cha mẹ nên cho trẻ trở lại cũi hoặc nôi sau khi bé đã ngủ say. Giữ nôi em bé gần giường của bạn và trong tầm mắt để bạn có thể dễ dàng theo dõi con hoặc cho con bú.

- Không được để chăn, đồ chơi nhồi bông, hoặc gối gần em bé. Cất các đồ vật mềm, bộ đồ giường lỏng lẻo hoặc bất kỳ đồ vật nào có thể làm tăng nguy cơ mắc kẹt, ngạt thở hoặc siết cổ ra khỏi cũi.

- Không sử dụng miếng đệm phụ trong cũi. Miếng đệm phụ có thể làm trẻ bị nghẹt thở.

- Không hút thuốc lá, uống rượu hoặc sử dụng ma túy trong khi mang thai và không để em bé tiếp tục tiếp xúc với khói thuốc lá, giữ bé tránh xa những người hút thuốc và những nơi có người hút thuốc. Trẻ sơ sinh của những bà mẹ hút thuốc trong khi mang thai có nguy cơ tử vong vì hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh cao hơn các bà mẹ không hút thuốc lá gấp ba lần, việc tiếp xúc với khói thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ trẻ bị bệnh đột tử ở trẻ sơ sinh. Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương trước khi sinh và tiếp tục ảnh hưởng sau khi sinh, làm tăng nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ.

- Bà mẹ mang thai cần được chăm sóc thai nghén sớm và thường xuyên.

- Nếu trẻ bị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản mạn tính, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ về vấn đề cho trẻ ăn và tư thế khi ngủ.

- Cho trẻ ngậm núm vú giả khi ngủ cho đến khi trẻ được 1 tuổi. Nếu trẻ không muốn ngậm núm vú thì không ép trẻ. Núm vú giả làm giảm nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Nếu bạn đang cho con bú, hãy cố gắng chờ đợi cho đến sau khi em bé được 1 tháng tuổi để việc bú sữa mẹ được hình thành.

- Nếu em bé của bạn ngủ gật trên ghế ô tô, xe đẩy, xích đu, địu cho trẻ sơ sinh, thì nên đưa bé đến chỗ ngủ chắc chắn càng sớm càng tốt.

- Hãy thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho em bé. Thực hiện đầy đủ các lịch thăm khám sau sinh của trẻ, cũng như đảm bảo tiêm phòng đầy đủ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chủng ngừa có thể giảm 50% nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Mai Mai

Chủ đề khác