VnReview
Hà Nội

Tại sao ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ?

Nguyên nhân không chỉ xuất phát từ việc hút thuốc và sử dụng các biện pháp tránh thai.

Điều cuối cùng Cara Zizzo nhớ được trước khi tỉnh dậy trong bệnh viện là cô đang cố cắm chìa vào ổ khoá khoang hành lý của xe ô tô. Cô đang đi mua sắm với một người bạn và muốn sắp xếp gọn gàng các túi đồ vào xe, nhưng nhận thấy hình như chìa khoá đã bị gãy. Chỉ vài giây sau đó, cô đã nằm trên một chiếc băng ca trong khi các bác sĩ thử phản xạ của cô bằng một cây cán bột.

"Họ nói rằng tôi bị đột quỵ, nhưng tôi không tin điều đó" -;cô nhớ lại. "Tôi mới 28 tuổi. Làm gì có ai bị đột quỵ ở tuổi 28. Đó là điều không thể".

Đó là chuyện 3 năm trước, và Zizzo hiện vẫn gặp một số ảnh hưởng từ lần đột quỵ đó. Cô đôi lúc không thể nhớ được những từ sử dụng thường ngày - như "cái chạn" hay "cây bút" - và phải miêu tả chúng cho người khác biết, như "thứ mà  bạn dùng để viết ấy".

Điều cô luôn nhớ là phải uống thuốc cholesterol mỗi ngày để ngăn cơn đột quỵ tiếp theo xảy ra. Các bác sỹ cho rằng sự việc xảy ra với cô có liên quan đến một lỗ nhỏ trong tim cô, vốn đã hiện diện từ khi sinh ra nhưng cô không hề hay biết. Nếu chỉ một mình nó, thì điều đó không có gì nguy hiểm, nhưng cô còn có nồng độ cholesterol cao - điều cô không biết cho đến khi bị đột quỵ - và đó có lẽ là nguyên nhân gây ra 3 cục máu đông ở chân cô, sau đó di chuyển lên tim và rồi lên não cô.

"Trước khi vụ việc xảy ra, tôi không hề biết về chỉ số cholesterol của mình, và thành thật mà nói, tôi nghĩ mình còn quá trẻ để lo lắng về nó" - Zizzo nói. "Tôi không hút thuốc, và biện pháp tránh thai tôi sử dụng cũng không bao gồm hormones, do đó tôi nghĩ tôi không có nguy cơ bị đột quỵ. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc xét nghiệm những thứ như cholesterol và theo dõi huyết áp"

Hầu hết người trẻ, như Zizzo, không biết đến những chỉ số có thể khiến họ gặp nguy cơ đột quỵ cao

Đó là bởi hầu hết người trẻ bỏ qua nhiều bài xét nghiệm lâm sàng, tin rằng họ không cần thực hiện chúng cho đến khi lớn tuổi hơn một chút, như các bài xét nghiệm cholesterol, huyết áp, và lượng đường trong máu. Nhưng những bài xét nghiệm đó có thể giúp bác sỹ biết về nguy cơ đột quỵ - theo nhà thần kinh học Diana Greene-Chandos, giám đốc khoa chăm sóc chấn thương thần kinh tại Trung tâm Y khoa Wexner thuộc Đại học bang Ohio.

"So với 20 năm trước, những vụ đột quỵ đang tăng lên trong số người trẻ đến mức độ đáng báo động" - bà nói. Một nghiên cứu gần đây trên tờ JAMA Neurology cho thấy tỉ lệ nhập viện vì đột quỵ do thiếu máu cục bộ đang tăng lên ở cả nam và nữ giới dưới 45 tuổi. Ở nữ giới tuổi từ 18 - 34, tỉ lệ nhập viện vì đột quỵ do thiếu máu cục bộ nghiêm trọng tăng 31,8% (từ mức 4,4/10.000 trường hợp nhập viện trong năm 2003-2004 lên 5,8/10.000 trong năm 2011-2012), trong khi tỉ lệ này ở nữ giới từ 35-44 tuổi tăng 30% (từ 27,5/10.000 lên 35,8/10.000)

Một yếu tố dẫn đến tình trạng này ở nữ giới có thể là do sử dụng các biện pháp tránh thai. Các phương pháp kiểm soát sinh sản bằng hormone có mối liên hệ với sự tăng nhẹ về nguy cơ xuất hiện cục máu đông - và cục máu đông là nguyên nhân dẫn đến 87% số ca đột quỵ - dù rằng nguy cơ xuất hiện cục máu đông thuần tuý vì sử dụng biện pháp tránh thai là khá thấp. Một số nhà thần kinh học nói rằng các biện pháp kiểm soát sinh sản không phải là nguyên nhân trực tiếp, mà hút thuốc là cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ, dù nó vẫn không phải là lý do chính khiến số ca đột quỵ tăng cao.

Thay vào đó, lý do chính nhiều khả năng là bởi sự gia tăng của các yếu tố phổ biến dẫn đến đột quỵ, như cao huyết áp, rối loạn lipid, tiểu đường, hút thuốc lá, và béo phì. Nghiên cứu trên tờ JAMA Neurology phát hiện ra rằng mức tăng của từng yếu tố có sự khác biệt, nhưng chúng đều có xu hướng tăng cao. Rối loạn lipid - còn được biết đến là tình trạng cholesterol cao - tăng nhiều nhất, từ 12% lên 21%. Và nữ giới dưới 45 tuổi có tỉ lệ gặp phải từ 3 - 5 yếu tố dẫn đến đột quỵ cao gấp đôi so với nhóm tuổi khác.

"Rõ ràng, có điều gì đó nghiêm trọng đang diễn ra với tình trạng đột quỵ và người trẻ tuổi" - tiến sỹ Greene-Chandos nói. "Khi bạn nói chuyện với các nhà thần kinh học và các bác sỹ cấp cứu, họ sẽ nói với bạn rằng đây là một vấn đề đang ngày một nghiêm trọng, đặc biệt khi mà nhiều người vẫn nghĩ đột quỵ là điều không thường xảy ra với người dưới 45 tuổi".

Mỉa mai thay, nguy cơ đột quỵ thực ra đang giảm dần đối với người cao tuổi - theo Koto Ishida, giám đốc Trung tâm Đột quỵ của NYU Langone. Theo nghiên cứu trên tờ JAMA Neurology, tỉ lệ nhập viện vì đột quỵ ở nữ giới tuổi từ 55-64 thực ra đã giảm 2,2% (từ 173,4/10.000 ca xuống còn 169,4/10.000 ca). Đó là bởi cũng những yếu tố dẫn đến nguy cơ vốn đang tăng mạnh ở người trẻ - những thứ như cholesterol và huyết áp - lại thường được kiểm soát tốt ở những người trên 50 tuổi, tiến sỹ Ishida nói.

"Người lớn tuổi hơn thường gặp những vấn đề đó, nên họ kiểm tra kỹ càng" - bà nói. "Nhưng những người ở tuổi đôi mươi thường không nghĩ về những thứ như huyết áp trừ khi họ gặp vấn đề gì đó. Họ sẽ chỉ đến bác sỹ khi bị ốm, và nếu không bị ốm, họ sẽ không kiểm tra"

Vấn đề càng trầm trọng hơn khi những dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ thường khác nhau

Có một từ viết tắt dùng để phát hiện đột quỵ mà mọi người nên biết trong tình huống khẩn cấp, và nó thực sự hữu dụng với bất kỳ ai nếu họ nghĩ đang gặp một cơn đột quỵ: FAST. Trong đó, F là "facial drooping" (mặt chùng xuống), A là "arm weakness" (tay bị yếu đi), S là "speech difficulties" (gặp khó khăn trong việc nói), và T là "time to call emergency" (đến lúc gọi cấp cứu rồi).

Thông thường, khi cơn đột quỵ xảy ra trong não, một bên cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, khiến khuôn mặt phía bên đó của một người bị chùng xuống, và sau đó là khiến cánh tay phía bên đó của họ khó có thể đưa lên được. Nói lắp hay nói lảm nhảm cũng là triệu chứng phổ biến, bởi cơn đột quỵ có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng phát âm.

Tại thời điểm đó, thời gian là thứ rất quý giá, bởi thuốc chống đột quỵ phải được sử dụng trong vòng 4 giờ sau khi xảy ra đột quỵ mới có thể hạn chế được hậu quả bị tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong.

Tuy nhiên không phải mọi cơn đột quỵ đều theo đúng quy trình FAST này. Người lớn tuổi hơn thường bị ảnh hưởng trong các mạch máu lớn hơn, khiến họ nhiều khả năng gặp phải "những triệu chứng đột quỵ nghiêm trọng" như chùng mặt hay nói lảm nhảm.

Người trẻ thì nhiều khả năng bị các cục máu đông trong các bộ phận khác của cơ thể - giống như Zizzo ở đầu bài vậy - và những cục máu đông đó sẽ đi vào những mạch máu nhỏ hơn. Tiến sỹ Greene-Chandos nói rằng sự khác biệt này thường dẫn đến những triệu chứng đột quỵ như tê người hoặc đau đầu.

"Người ta thường bỏ qua những dấu hiệu này bởi chúng ta đều có thể bị tê người khi ngủ sai tư thế, hoặc đứng ở tư thế khó, dẫn đến cảm giác tê liệt đột ngột này" - bà nói. Trong những tình huống đó, các dây thần kinh thường bị nén và khi chúng được thả lỏng ra, tình trạng tê sẽ nhanh chóng chuyển sang triệu chứng rần rần ở chân tay khi chúng bình thường trở lại.

Với cơn đột quỵ, tê người không đi kèm với đau đớn. Tiến sỹ Greene-Chandos nói thêm rằng nữ giới gặp đột quỵ có khả năng bị đau đầu cao hơn, và những người thường xuyên bị đau nửa đầu trên thực tế sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn. Kể cả những cơn nấc cụt mà không hết được cũng có thể là triệu chứng của đột quỵ.

Thường xuyên kiểm tra các chỉ số cơ thể để phòng tránh đột quỵ

Bạn có thể bị đột quỵ mà chẳng hề biết. Và điều đó có thể làm tăng nguy cơ bị lại trong tương lai.

Trước khi bị cơn đột quỵ đánh gục, Zizzo nhớ rằng có những dấu hiệu nhỏ hơn cho thấy có điều gì đó không tốt đang xảy ra - tầm nhìn của cô bị thu hẹp, và cả người như bị yếu đi. Khi đứng trong hàng chờ thanh toán, cô nhớ lại rằng mọi thứ đơn giản là có cảm giác kỳ lạ và như thể chúng đang "tắt ngúm" đi. Nhưng cô vẫn có thể giao tiếp được bình thường, khiến không ai nghi ngờ có chuyện đang xảy ra, và cô vẫn bước được đến xe hơi của mình mà không gặp chút khó khăn.

"Có khả năng bạn gặp một cơn đột quỵ nhẹ và không nhận ra điều đó" - Tiến sỹ Greene-Chandos nói. "Bạn thậm chí có thể gặp nhiều cơn đột quỵ và không thể hiện triệu chứng gì. Nhưng dần dần, những thay đổi trong não bạn có thể ảnh hưởng đáng kể đến trí nhớ và khả năng phát âm".

Bà nói thêm rằng một cơn đột quỵ xảy ra sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ những cơn tiếp theo, đặc biệt nếu những yếu tố gây ra đột quỵ không được giải quyết. Ví dụ, nếu Zizzo không kiểm soát tình trạng cholesterol cao của mình, cô nhiều khả năng sẽ đứng trước nguy cơ cao hơn bị một cơn đột quỵ khác.

Tất nheien, điều đó không nên làm bạn khiếp sợ - chỉ là cảnh báo bạn mà thôi. Tiến sỹ Greene-Chandos nói điều cần biết ở đây không phải là bạn nên chạy ngay đến trung tâm cấp cứu bất kỳ khi nào bị nấc cụt hay đau đầu, mà là biết về những triệu chứng đó, đặc biệt nếu trong cơ thể bạn đang tồn tại những yếu tố dẫn đến nguy cơ đột quỵ, như hút thuốc, gia đình có tiền sử bị đột quỵ, đang tránh thai bằng hormones, có cholesterol và/hoặc huyết áp cao, hay bị tiểu đường.

"Hãy kiểm tra sức khoẻ, kể cả khi bạn nghĩ mình còn quá trẻ và khoẻ mạnh" - tiến sỹ Greene-Chandos khuyên. "Bạn cần biết những chỉ số của mình. Và trên tất cả, đừng nghĩ đột quỵ chỉ xảy ra với người lớn tuổi. Điều đó đơn giản là không đúng".

Minh.T.T theo SELF

Chủ đề khác