VnReview
Hà Nội

Vắc-xin thế hệ mới có thể hít thay vì những mũi chích khiến trẻ sợ hãi

Các loại vắc-xin trong tương lai có thể chuyển sang hình thức hít thở sâu thay vì phương pháp tiêm như thông thường.

Nghiên cứu được công bố hôm 11/11, được chứng minh trên chuột và động vật linh trưởng cho thấy rằng vắc xin này có thể hấp thụ an toàn qua phổi vào máu để thực hiện nhiệm vụ "huấn luyện" hệ thống miễn dịch của chúng ta. Các tác giả hy vọng rằng một ngày nào đó công trình của họ cũng có thể được sử dụng để phát triển các liệu pháp hít thở mới hỗ trợ cho bệnh hen suyễn và các tình trạng hô hấp khác.

Phương pháp mới được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Rutgers ở New Jersey. Nó hoạt động bằng cách sử dụng thể thực khuẩn: một tập hợp các loài virus chuyên ký sinh vi khuẩn. Vì các thực khuẩn thể chỉ săn các vi khuẩn đồng loại của chúng, nên chúng vốn dĩ không gây hại cho con người. Trên thực tế, thực khuẩn thể đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ nhằm thay thế cho kháng sinh vì khả năng tiêu diệt vi khuẩn của chúng, cuộc khủng hoảng kháng thuốc kháng sinh gần đây đã dẫn đến sự quan tâm đối với liệu pháp điều trị bằng thể thực khuẩn.

Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm hiểu xem liệu các thể thực khuẩn có thể chuyển thành các loại vắc xin mới hay không. Các thể thực khuẩn có thể được sửa đổi để lộ các phân tử protein cụ thể trên bề mặt của chúng, trong khi các quy trình tạo ra các protein này có thể được lồng vào bên trong gen của chúng, mang đến sự tùy chỉnh cao. Những thực khuẩn thể này sau đó có thể xâm nhập vào tế bào người và phân phối, chẳng hạn một kháng nguyên sẽ huấn luyện hệ thống miễn dịch nhận ra mối đe dọa như là virus corona. Nhưng bởi vì thực khuẩn thể không quan tâm đến con người, nên chúng không tái tạo bên trong tế bào như nhiễm trùng hoặc gây ra các ảnh hưởng độc hại khác. Trên hết, thực khuẩn thể có thể dễ dàng sản xuất hàng loạt và rẻ, có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt và chúng không cần nhiệt độ quá lạnh để có thể hoạt động - một vấn đề vẫn luôn ảnh hưởng đến một số vắc xin, bao gồm cả vắc xin Covid-19 mRNA do Pfizer và BioNTech phát triển gần đây.

Nghiên cứu mới này được xây dựng dựa trên nghiên cứu hiện có, đang được thực hiện với vắc xin thực khuẩn thể nhưng bổ sung thêm nhiều yếu tố. Theo tác giả của nghiên cứu Wadih Arap, một nhà nghiên cứu ung thư tại Rutgers, họ đã tìm ra cách tạo ra một loại vắc-xin dựa trên thực khuẩn thể có dạng khí dung và an toàn khi hít vào. Phương pháp được thực hiện bằng cách tìm ra một phân tử cụ thể, hoặc phối tử, tương tác với một thụ thể quan trọng có trên tế bào phổi và gắn nó vào thể thực khuẩn. Đây là "chìa khóa" cho phép các thực khuẩn thể lướt qua phổi và đến mạch máu, nơi các thực khuẩn thể sẽ thực hiện nhiệm vụ miễn dịch cơ thể với bất cứ mầm mống nào mà các nhà khoa học muốn nhắm đến.

Trong các thí nghiệm với chuột và động vật linh trưởng không phải con người, vắc xin của Arap và nhóm của ông đã có thể vượt qua hàng rào giữa máu và phổi mà không tổn hại, dường như không gây ra bất kỳ thay đổi nào đối với chức năng bình thường của phổi. Khi đó, vắc-xin sẽ kích thích phản ứng miễn dịch mạnh mẽ từ cơ thể đối với các thể thực khuẩn và protein mà chúng mang theo, đó chính xác là những gì họ muốn thấy. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa nổi tiếng Med.

Các nhà khoa học đã cố gắng tạo ra vắc-xin có thể hít được trong nhiều năm nay. Chúng không chỉ thuận tiện hơn và ít đau hơn so với việc chích ngừa hoặc thậm chí xịt thứ gì đó lên mũi của bạn, chúng còn có thể tác dụng nhanh hơn nhưng lại ít tác dụng phụ hơn. Nhưng theo Arap, một hạn chế đối với sự phát triển của chúng là vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về cách phổi của chúng ta thực sự hoạt động, bao gồm chính xác cách các chất được hấp thụ qua phổi vào phần còn lại của cơ thể. Một yếu tố quan trọng trong công trình của họ là hy vọng có thể tiến gần hơn đến việc làm sáng tỏ bí ẩn này, điều này sẽ cho phép công nghệ của họ mở rộng hơn ngoài việc ứng dụng trên các loại vắc-xin thở. Cuối cùng, nó có thể được sử dụng để cung cấp thuốc điều trị bệnh hen suyễn, xơ nang và các bệnh hô hấp khác.

Arap cho biết: "Vắc xin nhắm đến phổi chỉ là một trong nhiều ứng dụng tiềm năng của việc phân phối các phối tử trong phổi. Các công thức khí dung cũng có thể liên quan đến việc đưa thuốc hoặc tác nhân phóng xạ nhiệt đến phổi".

Tất nhiên, nghiên cứu này vẫn còn ở mức sơ bộ. Nhưng nhóm nghiên cứu đang tiến hành các thử nghiệm trên các động vật to lớn hơn, cũng như điều chỉnh kỹ thuật của họ để chống lại Covid-19. Ngay cả khi công nghệ vắc xin này chưa được ứng dụng trong đại dịch hiện tại, nó vẫn có thể đóng một vai trò quan trọng trong tương lai.

Giang Vu theo Gizmodo

Chủ đề khác