VnReview
Hà Nội

13 thiên tai cho thấy sức tàn phá kinh hoàng của "Mẹ thiên nhiên" trong năm 2020

Dù không muốn nhưng con người vẫn sẽ phải học cách chung sống với các thiên tai hay nói cách khác là những "cơn thịnh nộ" của thiên nhiên gửi lại cho con người và muôn loài.

Trong một năm 2020 vốn đã xảy ra quá nhiều biến động liên quan đến đại dịch, nhân loại còn phải trải qua một mùa bão kỷ lục ở Đại Tây Dương và rất nhiều vụ cháy rừng và động đất nguy hiểm. Những thảm họa này là một phần trong chu kỳ địa chất của Trái Đất và một phần do tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Động đất ở vùng biển Caribe

Một trong những trận động đất lớn nhất trong năm đó là trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra ở vùng biển Caribbean vào ngày 28/1/2020. Tâm chấn của trận động đất nằm cách 122 km về phía Bắc Tây Bắc của thị trấn Lucea, Jamaica và phía nam của Cuba. Tuy không có thiệt hại về người nhưng người dân có thể cảm nhận được sự rung chuyển ở tận thành phố Miami, bang Florida, Mỹ và một số khu vực thuộc bán đảo Yucatan của Mexico.

Khu vực xảy ra trận động đất nằm ở ranh giới mảng kiến tạo giữa Bắc Mỹ và mảng Caribe. Cuối năm 2019 đến đầu năm 2020 là khoảng thời gian ranh giới mảng kiến tạo này hoạt động mạnh nhất, đặc biệt là khi Puerto Rico đã trải qua một loạt trận động đất nghiêm trọng nhất kể từ năm 1918.

Núi lửa Taal ở Philippines phun trào

Vào ngày 12/1, núi lửa Taal trên đảo Luzon của Philippines đã hồi sinh một cách bất ngờ, làm phát tán những đám mây tro bụi lên trời. Đợt phun trào tạo ra luồng hơi nước và tro bụi phun cao lên tới 14 km. Đây là lần đầu tiên núi lửa phun trào sau 40 năm.

Đám mây tro bụi trôi dạt hơn 62 km về phía bắc và người dân sống gần núi lửa đã phải sơ tán. Tờ Manila Bulletin đưa tin, vụ phun trào đã khiến 39 người chết, chủ yếu là do đột quỵ hoặc các vấn đề khác xảy ra trong các trung tâm sơ tán.

Trận động đất ở Elazığ, Thổ Nhĩ Kỳ

Tình trạng bất ổn địa chấn hồi tháng 1 tiếp tục xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24/1 khi một trận động đất mạnh 6,7 độ richter xuất hiện ở tỉnh Elazığ.

Mặc dù trận động đất này nhỏ hơn trận động đất xảy ra ở phía bắc Jamaica nhưng nó gây thiệt hại lớn hơn rất nhiều. Theo báo cáo từ các nhà chức trách cho biết, 41 người chết và hơn 1.000 người bị thương.

Số người thiệt mạng chủ yếu là do các tòa nhà sụp đổ, khiến họ bị mắc kẹt trong đống đổ nát dù các đội cứu hộ đã rất cố gắng tiếp cận. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), tâm chấn của trận động đất tương đối nông, chỉ nằm cách mặt đất khoảng 10 km. Các trận động đất nông gây ra rung chuyển lớn hơn trên bề mặt và làm tăng cường độ và mức độ thiệt hại.

Cháy rừng ở Úc

Vào đầu năm 2020, thế giới kinh hoàng chứng kiến những trận cháy rừng quét qua nước Úc, đặc biệt là các đám cháy lớn ở tiểu bang Victoria và New South Wales. Các trận cháy rừng kéo dài từ năm 2019 đến năm 2020 tại Úc đã thiêu rụi hơn 12 triệu ha rừng và giết chết ít nhất 33 người và hơn 1 tỷ động vật.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Earth's Future vào tháng 11/2020 đã đưa ra các yếu tố dẫn tới các trận cháy rừng này. Cụ thể, nguyên nhân đến từ tình trạng hạn hán kéo dài, độ ẩm bề mặt đất giảm sâu, tốc độ gió lớn, độ ẩm tương đối trong không khí thấp, sóng nhiệt và độ ẩm của các chất dễ cháy.

Trận động đất ở Oaxaca, Mexico

Vào ngày 23/6, một trận động đất mạnh đã làm rung chuyển tiểu bang Oaxaca, Mexico, khiến các tòa nhà ở xa Mexico City bị lắc lư. Trận động đất mạnh 7,4 độ richter nằm cách khoảng 9 km về phía đông nam Santa María Xadani, trên bờ biển của tiểu bang Oaxacan. Ước tính 10 người đã chết trong các tòa nhà bị sập.

Trận động đất xảy ra khi mảng kiến tạo Cocos hạ thấp và nằm lệch bên dưới mảng Bắc Mỹ. Sự chuyển động của hai mảng này tạo ra sự đứt gãy ngược, xảy ra ở nơi vỏ Trái đất đang bị nén. Khi các mảng kiến tạo bị trượt lên nhau, lẽ dĩ nhiên đã gây ra trận động đất ở Oaxaca. Khu vực hút chìm này cũng làm cho bờ biển phía nam Mexico nói chung thường xảy ra các hoạt động địa chấn. Theo USGS, khu vực này đã chứng kiến ​​ít nhất 4 trận động đất từ ​​8 độ richter trở lên trong thế kỷ qua.

Trận động đất ở Alaska, Mỹ

Trận động đất mạnh nhất trong năm 2020 là trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra ngoài khơi Alaska vào ngày 22/7. Trận động đất xảy ra trên một điểm đứt gãy chờm, nơi một đoạn đáy biển trượt lên một đoạn khác. Cụ thể vùng ngoài khơi Alaska là một vùng hút chìm khác, nơi mảng kiến tạo Thái Bình Dương trượt xuống dưới mảng Bắc Mỹ.

May mắn thay, bán đảo Alaska có dân cư thưa thớt nên không có ai thiệt mạng trong trận động đất. Mặc dù đã có cảnh báo sóng thần được đưa ra nhưng không có đợt sóng nào xuất hiện dù người dân địa phương đã được sơ tán.

Trận cháy rừng August Complex ở California, Mỹ

Cũng giống như Úc, nhiều tiểu bang ở Mỹ đã phải trải qua một mùa hè khủng khiếp. Bắc Mỹ đã chứng kiến những trận cháy rừng dữ dội bùng phát khi mùa hè bắt đầu tới Bắc bán cầu. Bang California bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng với hơn 1,65 triệu ha rừng bị thiêu rụi và 10.488 công trình kiến ​​trúc bị phá hủy và 33 người chết.

Đám cháy lớn nhất trong lịch sử được ghi lại ở California là August Complex. Nó đã thiêu rụi hơn 400.000 ha rừng ở các quận Mendocino, Humboldt, Trinity, Tehama, Glenn, Lake và Colusa. Phải mất 3 tháng để dập tắt hoàn toàn ngọn lửa kể từ khi những trận cháy đầu tiên xuất hiện vào ngày 16 và 17/8.

Trận cháy rừng kỷ lục Cameron Peak ở tiểu bang Colorado, Mỹ

Khi California còn đang quay cuồng với August Complex và các vụ cháy khác, một vụ cháy rừng quy mô lớn cũng xảy ra ở Colorado và thiết lập lên một kỷ lục mới. Trận cháy rừng có tên Cameron Peak bắt đầu từ ngày 13/8 đã thiêu rụi 84.544 ha rừng và trở thành trận cháy rừng lớn nhất trong lịch sử Colorado và là trận cháy rừng đầu tiên ở bang này thiêu rụi hơn 80.000 ha rừng.

Đám cháy đã phá kỷ lục chỉ được thiết lập một tháng trước đó, khi đám cháy Pine Gulch gần Grand Junction bùng lên đã thiệu rụi 56.254 ha. Đám cháy Pine Gulch sau đó bị đánh bật xuống vị trí thứ ba sau đám cháy East Troublesome bùng phát vào ngày 14/10.

Điều đó có nghĩa là ba đám cháy lớn nhất trong lịch sử tiểu bang Colorado đều xảy ra trong năm 2020. Các trận cháy rừng này đều có nguyên nhân chủ yếu do hạn hán, nắng nóng và các yếu tố gây cháy vô cùng dồi dào.

Trận động đất khủng khiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ

Vào lúc 2 giờ 51 phút chiều, giờ địa phương ngày 30/10, một trận động đất mạnh 7 độ richter đã làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ, khiến 117 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Ngoài ra còn có 2 người chết ở Hy Lạp.

Tâm chấn của trận động đất nằm ở Biển Aegean và nó đã gây ra một cơn sóng thần nhỏ làm ngập lụt các đường phố ở quận Seferihisar của Izmir. Ít nhất một người đã chết đuối. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp tử vong là do các tòa nhà bị sập.

Theo USGS, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong khu vực địa chấn phức tạp, có sự tương tác giữa Châu Phi, mảng Á-Âu và khối Anatolian. Đã có 29 trận động đất mạnh hơn 6 độ richter xảy ra ở khu vực này trong suốt 100 năm qua.

Bão nhiệt đới Eta

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), mùa bão năm 2020 đã chứng kiến số lượng bão khổng lồ, lên tới 30 cơn bão được đặt tên và 13 trong số đó đã trở thành cuồng phong.

Thậm chí mùa bão năm nay đã hết sạch tên để đặt. Những cái tên từ Arthur đến Wilfred đều đã được sử dụng hết và sau đó phải chuyển sang chữ cái Hy Lạp. Trong số tất cả những cơn bão này, cơn gây chết người nhiều nhất là Bão Eta, cơn bão cấp 4 theo thang đo của Mỹ với sức gió duy trì đạt đỉnh 240 km/h.

Khoảng 150 người ở Trung Mỹ đã thiệt mạng vì cơn bão này sau khi bị vùi lấp trong các trận lở đất ở Guatemala. Cơn bão cũng gây ra thiệt hại ước tính trị giá 7,2 tỷ USD. Eta là một trong bốn cơn bão cấp 4 xuất hiện vào năm 2020. Các cơn bão khác là Bão Laura, Bão Teddy và Bão Delta.

Bão nhiệt đới Iota

Mùa bão năm 2020 xuất hiện một cơn bão đạt cấp độ 5, đó là bão Iota, có sức gió duy trì đạt 260 km/giờ.

Iota hình thành vào ngày 13/11 và nhanh chóng mạnh lên thành bão cấp 5. Bão cấp 5 có sức gió duy trì trên 252 km/giờ. Cơn bão đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng biển Caribe và Trung Mỹ, những khu vực trước đó vẫn còn quay cuồng sau hậu quả của cơn bão Eta từng đổ bộ trước đó vài tuần. Ít nhất 45 người đã chết và hàng chục người khác đã bị mất tích sau cơn bão.

Núi lửa Stromboli, Ý phun trào

Núi lửa Stromboli ở Ý là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất trên Trái đất.

Theo Đại học Bang Oregon, Mỹ, nó đã phun trào liên tục trong khoảng 2.000 năm qua. Hầu hết hoạt động của nó là các vụ nổ nhỏ ở dạng khí và các khối dung nham phun ra phía trên vành núi lửa. Tuy nhiên, đôi lúc Stromboli cũng phát ra những tiếng ầm lớn hơn. Hồi tháng 11, một vụ nổ lớn đã tung một cột tro vào bầu khí quyển và một trận tuyết lở mang theo luồng mạt vụn núi lửa gồm tro nóng và khí tràn xuống sườn núi lửa.

Núi lửa Etna, Ý phun trào

Kết thúc năm 2020 vẫn là một vụ nổ núi lửa khác. Núi Etna của Ý đã phát nổ và trào ra dòng dung nham phát sáng cả bầu trời vào ngày 14/12 vừa qua, làm gián đoạn việc di chuyển trên không tạm thời. Theo Volcano Discovery, tro bụi tiếp tục phun ra vào ngày hôm sau, khiến một chùm bụi bay lên bầu khí quyển ở độ cao 4.000 m.

Theo chương trình núi lửa toàn cầu của Viện Smithsonian, các nhà sử học và biên niên sử cổ đại đã ghi nhận tình trạng bất ổn của Etna bắt đầu từ ít nhất 1500 trước Công nguyên, mặc dù lịch sử phun trào của núi lửa đã kéo dài từ trước đó. Núi lửa có thể đã hoạt động trong khoảng 500.000 năm. Hầu hết các hoạt động phun trào của Etna không đe dọa các trung tâm dân cư xung quanh nó, nhưng nó vẫn cónhững ngoại lệ. Ví dụ vào năm 1928, thị trấn Mascali đã bị phá hủy hoàn toàn do dòng dung nham chảy xuống.

Động đất liên quan đến hoạt động của núi lửa đôi khi cũng đe dọa đến khu vực dân cư xung quanh. Ví dụ, vào tháng 12/2018, một trận động đất 4,8 độ richter đã làm rung chuyển thành phố Catania, khiến khoảng 30 người bị thương.

Trên đây chỉ là một vài điển hình trong số rất nhiều các thiên tai đã xảy ra suốt một năm qua. Nhưng nó cũng phần nào cho thấy, Trái Đất là một hành tinh đang tồn tại sự sống và liên tục thay đổi theo thời gian. Con người cũng giống như muôn loài, ngay cả khi dự đoán sớm và phòng tránh được thì rất khó có thể bảo vệ được toàn bộ sinh mạng cho tất cả mọi người trước sự nguy hiểm của thiên tai và khí hậu.

Chính vì vậy, con người cần học cách chung sống một cách hòa bình và hòa hợp với thiên nhiên để tránh không phải chịu những "cơn thịnh nộ" mà mẹ thiên nhiên trả lại cho chúng ta như trong năm 2020.

Tiến Thanh (Theo Livescience)

Chủ đề khác