VnReview
Hà Nội

Tại sao nguy cơ đau tim thường tăng cao vào mùa đông?

Khi nhiệt độ giảm xuống, điều quan trọng là phải chú ý đến các dấu hiệu và triệu chứng của những cơn đau tim có thể ập đến bất thình lình.

Vào mùa đông, chúng ta thường nghe nói về tỷ lệ đau tim tăng mạnh. Vậy điều gì khiến mùa đông lại nguy hiểm đến vậy với sức khỏe tim mạch? Dưới đây là những điều bạn cần biết về nguy cơ đau tim trong mùa đông và cách nhận biết các dấu hiệu của cơn đau tim vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Những nguy cơ có thể khiến trái tim bạn gặp nguy hiểm vào mùa đông

Thời tiết lạnh có thể làm tăng huyết áp và tăng mức cholesterol trong máu, hai yếu tố chính có thể gây đau tim. Trời lạnh cũng tạo điều kiện hình thành các cục máu đông đe dọa tim mạch.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Cardiology vào năm 2018 đã tiến hành phân tích 274.000 người sống ở Thụy Điển. Kết quả cho thấy, nguy cơ đau tim cao nhất vào những ngày nhiệt độ dưới mức đóng băng. Hay như một nghiên cứu khác công bố trên PLOS One vào năm 2015 cho thấy, nguy cơ đau tim tăng lên tới 31% trong những tháng lạnh nhất năm so với những tháng nóng nhất.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, thời tiết mùa đông đặc biệt nguy hiểm cho tim của bạn nếu bạn từng có tiền sử bệnh tim, đau tim hoặc đã trên 65 tuổi. Một số thay đổi tim mạch theo mùa, thầm lặng có thể giải thích sự gia tăng của các cơn đau tim.

Khi nhiệt độ giảm xuống, các mạch máu của bạn sẽ thắt lại và lưu lượng máu tăng nhanh để giúp bạn giữ ấm. Đó là lý do tại sao huyết áp của bạn thường cao hơn vào mùa lạnh. Bên cạnh đó, mức cholesterol dường như cũng tăng cao vào thời điểm mùa đông.

Mức độ các hợp chất của hệ thống miễn dịch trong máu, giúp cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng cũng cao hơn vào mùa đông. Theo các nhà nghiên cứu từ Trường Y Icahn tại Mount Sinai, New York, những hợp chất này có thể giúp tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên, chống lại vi khuẩn, virus gây cảm lạnh hay cúm. Nhưng nó cũng làm tăng nguy cơ hình thành các mảng bám trong thành động mạch.

Không rõ liệu bạn có thể kiểm soát những thay đổi theo mùa này hay không. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết chiến lược bảo vệ tim mạch mùa đông tốt nhất là hãy "giữ ấm". Hãy nhớ mặc quần áo rộng rãi và đừng quên đội mũ, đeo găng tay.

Những biện pháp tuy đơn giản như vậy nhưng lại đặc biệt quan trọng khi bạn vận động ngoài trời, chẳng hạn như chạy bộ, chơi thể thao. Hãy thử một vài động tác thể chất nhẹ nhàng tại chỗ trước khi bắt đầu gắng sức hoặc hoạt động cường độ cao.

Ngoài ra, trong các bữa ăn và bữa tiệc ngày lễ, chúng ta hay có thói quen ăn nhiều đồ ngọt và rượu. Những loại thực phẩm này có thể góp phần làm tăng đột biến các cơn đau tim vào thời điểm nghỉ lễ cuối năm.

Quan trọng nhất hãy nhớ rằng, nguy cơ đau tim thường cao hơn vào mùa đông. Vậy nên hãy hết sức cảnh giác với những dấu hiệu thường thấy mà bạn có thể mắc phải.

Dấu hiệu của một cơn đau tim điển hình

Mặc dù những cơn đau thắt ngực đột ngột hay quỵ xuống thường được coi là biểu hiện của đau tim trong các bộ phim. Nhưng đau tim có thể xuất hiện theo nhiều cách khác nhau và không phải tất cả đều liên quan đến đau ngực.

Nếu bạn là nam giới, cơn đau ngực thông thường thực sự là triệu chứng số một của cơn đau tim, mặc dù nó không phải là triệu chứng duy nhất. Cơn đau thường kéo dài hơn vài phút hoặc tái phát. Nó thường được mô tả giống như có một con voi đang đứng trên ngực của bạn. Nhưng nó đôi khi tạo ra cảm giác khó chịu hoặc có một sức ép vô hình nào đó đè lên ngực.

Các triệu chứng khác bao gồm buồn nôn và nôn, đau phần trên cơ thể ở cánh tay, lưng, vai, cổ, hàm hoặc bụng. Bạn có thể cảm thấy khó thở và cảm giác căng đầy ở giữa ngực.

Tuy nhiên, nếu bạn là nữ, cơn đau tim có thể biểu hiện hơi khác một chút. Tiến sỹ Karol Watson kiêm đồng giám đốc của Chương trình UCLA về Tim mạch Dự phòng cho biết: "Căng tức vùng ngực thường là triệu chứng hay thấy nhất nhưng nó có thể không phải là triệu chứng nổi bật nhất".

Phụ nữ có thể đến phòng khám và mô tả các triệu chứng không giống với một cơn đau tim điển hình như mệt mỏi, khó thở, buồn nôn, chóng mặt, đổ mồ hôi trộm. Thay vào đó họ có thể gặp các triệu chứng giống như cúm, đau bụng, hàm hoặc lưng.

Ở nhiều người, triệu chứng đau tim có thể rất tinh vi. Nhiều người còn xuất hiện các triệu chứng đau tim âm thầm, tức là không có bất kỳ triệu chứng nào. Hiện tượng đau tim yên lặng (silent heart attack) được cho có thể xảy ra nhiều hơn so với những gì các nhà khoa học từng dự đoán trước đây.

Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí Circulation cho thấy, có tới 45% các cơn đau tim ở dạng yên lặng. Và nguy cơ đó có thể phát triển thành cấp tính ở những người có khả năng chịu đau cao hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn phải chú ý đến bất kỳ dấu hiệu bất thường, ngay cả khi chúng không phải là dấu hiệu điển hình của một cơn đau tim sắp ập đến.

Suzanne Steinbaum, phát ngôn viên quốc gia của Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết: "Nếu bạn trải qua một ngày bình thường như bao ngày và đột nhiên mọi hoạt động bình thường nhất đột nhiên trở nên khó khăn với bạn, bạn phải suy nghĩ ngay về trái tim mình".

Trong trường hợp bạn nghi ngờ sắp có một cơn đau tìm ập đến, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115, sau đó nhai và nuốt một viên aspirin trần 325mg hoặc 4 viên 81mg dành cho trẻ em để giúp ngăn hình thành cục máu đông trong động mạch vành của bạn.

Tốt nhất đừng nghĩ đến việc tự mình lái xe tới bệnh viện mà hãy nhờ ai đó đưa đến bệnh viện càng nhanh càng tốt để bảo toàn tính mạng.

Mai Huyền theo Consumerreports

Chủ đề khác