VnReview
Hà Nội

Tìm hiểu rùa biển để giải thích vì sao nước mắt con người lại có vị mặn

Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một chút về loài rùa biển. Nghe có vẻ không liên quan nhưng bạn hãy yên tâm, kiến thức không bao giờ là thừa cả.

Khi những chú rùa mẹ lên bờ vào buổi tối để đẻ trứng, nếu quan sát kỹ bạn sẽ có thể thấy dường như chúng đang khóc. Người ta thường cho rằng rùa mẹ khóc bởi vì chúng sẽ không bao giờ được gặp lại con mình.

Nhưng các nhà khoa học lại có một lý giải khác. Thực chất những chú rùa mẹ không hề khóc. Thay vào đó, chúng đang đào thải lượng muối thừa ra khỏi cơ thể dưới dạng những giọt nước mắt rất mặn.

Vì rùa biển sống ở môi trường nước mặn và thức ăn ưa thích của chúng là sứa (với thành phần cơ thể hầu hết là nước biển), nên chúng có rất nhiều muối trong cơ thể và nếu lượng muối quá lớn sẽ gây hại cho nội tạng. Vì thế, rùa biển cần "khóc" để đào thải lượng muối dư thừa ra khỏi cơ thể.

Nếu cơ thể chúng ta tích tụ hay ăn quá nhiều muối, thận của chúng ta sẽ đào thải chúng ra ngoài bằng nước tiểu. Nhưng dường như thận của rùa biển không được tốt như thận của chúng ta, nên nó không thể thải ra quá nhiều muối.

Vì thế, rùa biển có một tuyến muối đặc biệt ở mỗi mắt với kích thước lớn gấp đôi não của chúng. Tuyến này có chức năng tống hết lượng muối thừa ra ngoài theo nước mắt.

Cũng vì thế mà nước mắt của rùa biển rất mặn. Thực ra, cũng có một số loài động vật được phát hiện đã uống nước mắt của rùa, như bướm chẳng hạn.

Khi bạn thấy một chú rùa biển đang chảy nước mắt không có nghĩa là chúng đang buồn đâu, chúng chỉ đang tống lượng muối thừa trong cơ thể ra ngoài mà thôi (Ảnh: Wikimedia commons, CC BY)

Vậy đối với chúng ta thì sao?

Nếu đã từng nếm thử nước mắt của mình, bạn sẽ biết nước mắt của chúng ta cũng có vị mặn. Nhưng thận của chúng ta hoạt động tốt hơn rùa biển và chúng ta cũng không ăn sứa hay uống nước biển mỗi ngày. Vậy tại sao nước mắt của chúng ta vẫn có vị mặn?

Thật ra, hầu hết các loại dịch lỏng trong cơ thể chúng ta đều có một ít muối. Chính lượng muối này tạo ra điện giúp cho cơ bắp co lại hay giúp não hoạt động. Nồng độ muối trong dịch cơ thể (như nước mắt, mồ hôi, nước bọt…) cũng ngang với nồng độ muối trong máu (dưới 1%, tương đương 2 thìa cà phê muối pha với 1 lít nước).

Vì thế, nước mắt của chúng ta không mặn bằng nước mắt của rùa biển dù nếm thì cũng khá là mặn đấy.

Con người có đến 3 loại nước mắt

Ngoài ra, độ mặn còn phụ thuộc rất nhiều vào loại nước mắt đang chảy ra là gì nữa.

Chính xác, mắt của bạn, hay nói chính xác là tuyến lệ, có thể tạo ra đến 3 loại nước mắt. Chúng được gọi là nước mắt nền, nước mắt phản xạ và nước mắt cảm xúc.

- Nước mắt nền giúp duy trì độ ẩm cho mắt và ức chế hoạt động của vi khuẩn.

- Nước mắt phản xạ được tạo ra khi mắt cần dọn sạch những vật thể lạ xâm nhập như khói hay bụi chẳng hạn.

- Nước mắt cảm xúc là loại nước mắt được tạo ra khi bạn khóc vì buồn hoặc vui.

Nước mắt nền và nước mắt phản xạ có nồng độ muối cao hơn so với nước mắt cảm xúc, đây cũng là yếu tố quan trọng giúp mắt của bạn khỏe mạnh. Nước mắt cảm xúc lại chứa nhiều thành phần khác, trong đó có một loại hormone tự nhiên giúp giảm đau. Đó cũng là lý do vì sao đôi khi khóc giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Lần tới, mỗi khi lau nước mắt, bạn có thể cảm tạ ông trời đã ban cho mình hai quả thận khỏe mạnh đã giúp duy trì nồng độ muối trong cơ thể để bạn không phải khóc để sống như những chú rùa biển.

Minh Bảo (Tham khảo The Conversation)

Chủ đề khác