VnReview
Hà Nội

Brazil: vắc xin Covid-19 của Trung Quốc chỉ hiệu quả 50%, thấp hơn nhiều so với quảng cáo

Các nhà nghiên cứu tại Brazil cho biết kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Covid-19 có tên CoronaVac của công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) chỉ cho thấy hiệu quả khoảng 50,4%, thấp hơn nhiều so với quảng cáo.

Trong một cuộc họp báo, các quan chức y tế Brazil và một số nhà nghiên cứu của viện Butantan - một trung tâm y sinh ở Sao Paolo cho biết vắc xin Covid-19 có tên CoronaVac của công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) chỉ có hiệu quả 50,4%. Hơn 12.000 người ở Brazil đã tham gia thử nghiệm vắc xin CoronaVac và nhiều người rất bất ngờ trước thông tin về hiệu quả của loại vắc xin này.

Cách đây chưa đến 1 tuần, cũng chính viện Butantan cho biết vắc xin Covid-19 của Trung Quốc có hiệu quả khoảng 78%. Tuy nhiên, đơn vị này thời điểm đó không công bố dữ liệu chi tiết. Lý giải về sự khác biệt của các con số, ông Ricardo Palacios, giám đốc y khoa thuộc bộ phận nghiên cứu lâm sàng Viện Butantan cho biết các nhà nghiên cứu đã tính toán và thêm những tình nguyện viên bị nhiễm Covid-19 với triệu trứng 'rất nhẹ' vào thống kê.

Ông Ricardo Palacios nói:;'Trước đây, các nhà sản xuất vắc xin không tính toán đến những người bị đau đầu nhẹ. Tuy nhiên, hiện giờ các trường hợp này vẫn được tính vào số liệu thống kê'. Phóng viên của tờ Sixth Tone (Trung Quốc) đã liên hệ với Sinovac để hỏi về vấn đề kể trên nhưng không được trả lời.

Những con số mới nhất do viện Butantan công bố khiến nhiều người đã tiêm vắc xin Covid-19 của Sinovac Biotech rơi vào trạng thái lo lắng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì rất nhiều loại vắc xin Covid-19 hiện nay không thể ngăn một người nhiễm virus. Nó có hiệu quả tốt nhất là giúp người bệnh không phát triệu chứng hoặc nếu có thì chỉ ở mức nhẹ chứ không phải nhập viện. Các nhà nghiên cứu của Brazil cho biết điều quan trọng nhất là vắc xin CoronaVac làm giảm cường độ của bệnh và nó thành công 100% trong việc ngăn chặn các trường hợp bệnh nặng.

Lấy ví dụ với vắc xin Pfizer-BioNTech đang được sử dụng tại châu Âu và Mỹ hiện nay thì hãng sản xuất cũng tuyên bố nó có hiệu quả phòng bệnh trên 95%. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ thì trong số 44.000 tình nguyện viên thử nghiệm có rất nhiều người có biểu hiện triệu chứng nhưng không được xét nghiệm. Nếu những người có triệu chứng này thực sự dương tính với virus SARS-CoV-2 thì hiệu quả của vắc xin chỉ khoảng dưới 30%.

Ông Wang Jun - một chuyên gia về vắc xin cúm tại Đại học Arizona của Mỹ trả lời Sixth Tone cho biết: 'Nếu kết quả cuối cùng về hiệu quả của CoronaVac chỉ trên 50% thì điều này cũng không có nghĩa là nó vô dụng. Thành thật mà nói, điều quan trọng nhất của vắc xin không phải hiệu quả mà sự an toàn của nó. Ngay cả khi một loại vắc xin chỉ hiệu quả 20% thì vẫn là tốt hơn không có, miễn là nó an toàn'.

Cho đến hiện tại, chưa có một trường hợp nào gặp phản ứng phụ nghiêm trọng với CoronaVac được báo cáo. Trong một cuộc họp báo mới đây, ông Yin Weidong - Giám đốc điều hành của SinoVac cho biết dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng thì CoronaVac hiệu quả và an toàn trên toàn cầu.

Nguyễn Dương (Tham khảo Sixth Tone)

Chủ đề khác