VnReview
Hà Nội

2020 “tiệm cận” năm nóng nhất trong lịch sử khí tượng, bất chấp hiện tượng La Niña

Năm 2020 là một trong hai năm nóng nhất từng được ghi nhận, chỉ sau năm 2016. Có lẽ đã đến lúc thế giới cần tham vọng nhiều hơn nữa với các mục tiêu phát thải khí nhà kính của mình.

Dữ liệu tổng hợp về khí hậu trong năm 2020 đã chỉ ra, năm vừa qua là năm ấm nhất chỉ sau năm 2016. Đáng lo ngại, kỷ lục nhiệt độ năm 2020 xuất hiện bất chấp hiện tượng La Niña hoạt động mạnh lên. Trong khi đó kỷ lục nhiệt độ năm 2016 xuất hiện sau một đợt El Niño.

Dữ liệu được lấy từ chương trình Copernicus của Liên minh Châu Âu, bao gồm Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) và Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus (CAMS). Bộ dữ liệu C3S cho thấy nhiệt độ không khí bề mặt toàn cầu trung bình trong năm 2020 đã ấm hơn khoảng 1,25°C so với đường cơ sở từ năm 1850 đến năm 1900 và ấm hơn 0,6°C so với giai đoạn tham chiếu 1981-2010.

Nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu hàng năm thời kỳ tiền công nghiệp, giai đoạn 1981-2010 và giai đoạn từ 2010 đến 2020

Sự thay đổi này khiến năm 2020 trở thành năm ấm nhất được ghi nhận ở Châu Âu, nơi nhiệt độ tăng lên 1,6°C so với mức trung bình từ 1981 đến 2010 và cao hơn 0,4°C so với kỷ lục trước đó là năm 2019. Nhưng tình trạng nhiệt độ tăng một cách đột biến lại xảy ra ở khu vực Bắc Cực. Tại đây, một đợt nắng nóng chưa từng có đã đẩy nhiệt độ tăng hơn 6°C so với mức trung bình từ năm 1981 đến 2010.

Sự khác biệt về nhiệt độ năm 2020 và giai đoạn 1981-2010

Theo Copernicus và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), khoảng thời gian 6 năm ấm nhất từng được ghi nhận là 6 năm gần đây và 20 năm nóng kỷ lục đều xảy ra trong suốt 21 năm qua. Thập kỷ 2011-2020 cũng là thập kỷ ấm nhất được ghi nhận và tiếp tục xu hướng tăng rõ rệt kể từ những năm 1980.

2020 là một năm của thảm họa thiên nhiên và do tác động của biến đổi khí hậu

Xét về mọi mặt, 2020 là một năm kỷ lục về các thảm họa liên quan đến khí hậu. Tác động của cái nóng kỷ lục trên toàn cầu. Các trận cháy rừng lịch sử đã thiêu rụi nhiều cánh rừng ở California, Colorado, Úc và rừng nhiệt đới ở Amazon. Năm ngoái, nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận vào tháng 8 khi một đợt nắng nóng ở California đã đẩy nhiệt độ tại Thung lũng Chết trên sa mạc Mojave lên tới 54,4°C.

Đặc biệt, mùa bão Đại Tây Dương cũng ghi nhận con số kỷ lục lên tới 30 cơn bão được đặt tên. Chưa kể còn nhiều trận bão nhiệt đới liên tục tấn công các quốc gia Châu Á khác, đơn cử như việc có hàng chục cơn bão dồn dập đổ bộ vào Việt Nam trong khoảng thời gian cuối năm 2020.

Bầy châu chấu phá hoại mùa màng đã xâm chiếm tới Đông Phi và tàn phá nơi vốn dĩ đã bất ổn vì thiếu lương thực.

Bắc Cực và bắc Siberia cũng đang tiếp tục ấm lên nhanh chóng so với toàn bộ hành tinh. Nhiệt độ ở các khu vực này trung bình đã cao hơn 6 độ C so với mức trung bình 30 năm qua. Cụ thể mức nhiệt độ kỷ lục 38 độ C đã được ghi nhận ở miền bắc nước Nga vào tháng 6/2020. Đó là chưa kể mức độ sụt giảm băng kỷ lục tại đây chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhưng điều làm cho năm 2020 đặc biệt đáng lo ngại, đó là các khu vực ở Nam bán cầu có nhiệt độ thấp hơn trung bình do hiện tượng La Niña, một kiểu thời tiết gây ra tình trạng mưa nhiều hơn. Đây rõ ràng là điều không hề tốt đối với những năm tới khi hiện tượng El Niño quay trở lại.

Petteri Taalas, Tổng thư ký của WMO cho biết: "Những năm ấm kỷ lục thường trùng với một đợt El Niño mạnh, ví dụ như trường hợp của năm 2016. Hiện tại chúng ta đang trải qua một đợt La Niña, chủ yếu có nhiệm vụ làm mát nhiệt độ toàn cầu. Nhưng nó vẫn chưa đủ để ngăn chặn sức nóng của năm nay. Bất chấp hiện tượng La Niña, năm nay đã cho thấy mức nhiệt tiệm cận kỷ lục trước đó vào năm 2016".

Mức nhiệt độ trung bình tăng cao trong năm 2020 dù không chịu tác động của hiện tượng El Niño như năm 2016. Có thể thấy, năm 2020 cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ của khí hậu và tác động của nó tới con người như thế nào.

8/10 năm ấm nhất từng được ghi nhận trong thập kỷ qua

Matthias Petschke, Giám đốc Không gian của Ủy ban Châu Âu cho biết: "Những sự kiện khí hậu bất thường vào năm 2020 và dữ liệu từ Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus cho chúng ta thấy rằng, chúng ta không còn nhiều thời gian để mất".

Tốc độ tăng nồng độ CO2 hàng năm tuy có phần chậm lại trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều thành phố lớn phải phong tỏa và hạn chế phương tiện giao thông, hoạt động công nghiệp. Tuy nhiên nó chỉ góp phần làm giảm khoảng 7% lượng phát thải khí nhà kính trong năm qua. Trong khi đó, nồng độ CO2 trong khí quyển thực sự đã tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 5/2020.

Tốc độ tăng hiện tại là 2,3 ppm/năm, giảm so với 2,5 ppm/năm vào năm 2019. Mặc dù vậy con số ấn tượng đó không đủ để giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.

Các bản ghi nhiệt độ cũng đi kèm với các bản ghi về nồng độ CO2 trong khí quyển. Mức CO2 trung bình toàn cầu hiện đạt 413,1 phần triệu (ppm). Đây là mức cao kỷ lục. Trước đó một đài quan sát ở Hawaii đã ghi nhận nồng độ CO2 trong khí quyển cao kỷ lục, lên tới 416,21 ppm vào tháng 5/2020.

Theo số liệu từ một báo cáo của công ty dịch vụ tài chính Munich Re, thảm họa môi trường khiến thế giới thiệt hại 210 tỷ USD vào năm 2020. Riêng Mỹ đã thiệt hại tới 95 tỷ USD trong số đó, gần gấp đôi thiệt hại vào năm 2019.

Thế giới cần phải tham vọng giảm khí thải nhiều hơn nữa

Hạn chế sự nóng lên ở mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp là mục tiêu cơ bản của thỏa thuận khí hậu Paris. Thỏa thuận này cũng yêu cầu các quốc gia trên thế giới cam kết chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Nhưng những cam kết cách đây 5 năm dường như chưa đủ mạnh mẽ. Đã đến lúc thế giới cần tham vọng hơn nữa với các mục tiêu phát thải của mình.

Băng các cực đang tan với tốc độ nhanh chưa từng thấy

Tuy nhiên trong khi nhiều quốc gia đã đưa ra các mốc thời gian gấp rút hơn để chuyển sang mức phát thải ròng bằng 0, một phân tích gần đây cho thấy, chỉ 45 bên (44 quốc gia, cộng với 27 quốc gia thành viên của EU) đáp ứng thời hạn và mục tiêu. Thoạt nghe đây là một con số lớn nhưng các quốc gia "phát thải lớn nhất" thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ lại không đưa ra bất cứ cam kết nào.

Bất chấp triển vọng toàn cầu ảm đạm, các chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ tiến tới cắt giảm 70 đến 80% lượng khí thải vào năm 2035. Nhưng để làm được điều này, các quốc gia về cơ bản phải nỗ lực "điện khí hóa" nhiều hơn nữa. Mục tiêu cuối cùng là nhanh chóng thay thế tất cả các dạng năng lượng sử dụng CO2 bằng các dạng năng lượng sạch hơn.

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Joe Biden đã công bố kế hoạch tái gia nhập hiệp định Paris vào ngày đầu tiên ông làm tổng thống. Nhưng ngoài động thái trên, Mỹ sẽ phải đưa ra cam kết tham vọng hơn nếu họ thực sự muốn đi đầu trong việc chống biến đổi khí hậu.

Thông tin chi tiết về toàn cảnh khí hậu năm 2020 sẽ được WMO và Copernicus công bố trong vài tháng tới.

Mai Huyền (Theo Vox, Newatlas)

Chủ đề khác