VnReview
Hà Nội

Tìm ra 'siêu trái đất' cổ xưa nhất, có tuổi thọ gấp đôi mặt trời của chúng ta

Mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra một 'siêu trái đất' đã tồn tại được khoảng 10 tỷ năm. Phát hiện này chứng minh rằng một hành tinh có thể 'sống' được rất lâu, miễn là gặp điều kiện phù hợp.

Cách trái đất khoảng 280 năm ánh sáng có một ngôi sao già và là một trong những hệ sao đầu tiên được hình thành trong vũ trụ. Quay quanh ngôi sao này là một hành tinh rất đặc biệt, đã được các nhà khoa học đặt tên là TOI-561b. Hành tinh này được gọi là 'siêu trái đất' bởi nó ngoài ngoài Hệ mặt trời, có bề mặt đất đá, khí quyển mỏng và kích thước gấp khoảng 1,45 lần trái đất của chúng ta.

TOI-561b nằm rất gần sao chủ và chu kỳ quỹ đạo chỉ khoảng hơn 10,5 giờ. Cũng vì điều này mà 'siêu trái đất' mới được phát hiện không thể có đủ điều kiện cho con người sinh sống. Nhiệt độ trên bề mặt của nó là khoảng 1.726 độ C. Tuy nhiên, điều khiến các nhà khoa học quan tâm là tuổi thọ của hành tinh này.

'Siêu trái đất' 10 tỷ năm tuổi vừa được phát hiện

Theo các nghiên cứu, TOI-561b đã tồn tại được 10 tỷ năm. Con số này thực sự ấn tượng bởi vũ trụ mới hình thành cách đây 14 tỷ năm còn mặt trời của chúng ta mới xuất hiện được khoảng 4,5 tỷ năm. Điều này có nghĩa TOI-561b có tuổi thọ đến hiện tại là gấp đôi mặt trời. Đây chính là hành tinh đá lâu đời nhất từng được phát hiện.

Theo nhà thiên văn Lauren Weiss đến từ Đại học Hawaii thì 'siêu trái đất' vừa được phát hiện là một trong những hành tinh đầu tiên ra đời trong vũ trụ. Các nhà nghiên cứu cho rằng dạng hành tinh này rất phổ biến trong vũ trụ sơ khai nhưng đến nay nhiều thế giới như vậy đã bị tiêu diệt. Hành tinh này có mật độ vật chất bên trong thấp và có khá ít các nguyên tố nặng như sắt hay magie.

TOI-561b được xác định bởi kính viễn vọng không gian săn hành tinh của NASA có tên TESS. Ngoài 'siêu trái đất' này, các nhà khoa học cũng phát hiện ra 2 hành tinh khác cũng quay quanh sao chủ của TOI-561b là TOI-561c và TOI-561d. Trong đó, TOI-561d nằm ở ngoài cùng, có kích thước gấp khoảng 2,3 lần trái đất với chu kỳ quỹ đạo là 16,3 ngày. TOI-561c, có kích thước gấp 2,9 lần trái đất và chu kỳ quỹ đạo là 10,8 ngày.

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng TOI-561b có khối lượng gấp khoảng 3 lần khối lượng trái đất. Mật độ vật chất trên 'siêu trái đất' này là khoảng 5g trên 1 cm3. Nhà thiên văn học Stephen Kane của Đại học California cho rằng mật độ vật chất thấp như vậy càng chứng tỏ rằng hành tinh này đã tồn tại được rất lâu.

Nguyễn Dương theo Sciencealert

Chủ đề khác