VnReview
Hà Nội

Đồng hồ ngày tận thế đứng ở mức '100 giây đến nửa đêm'

Tối 27/1, các nhà khoa học từ tổ chức phi lợi nhuận Bulletin of the Atomic Scientists (BAS) đã thông báo đồng hồ ngày tận thế (Doomsday Clock) năm 2021 dừng ở cùng thời điểm nó được đặt vào năm ngoái, đó là 'còn 100 giây đến nửa đêm'.

Đồng hồ ngày tận thế là một chiếc đồng hồ mang tính tượng trưng được BAS thành lập năm 1947. Nó được sử dụng như một biểu tượng đại diện cho khoảng thời gian tồn tại cuối cùng của thế giới thông qua phép ẩn dụ 'phút đến nửa đêm'. Nói cách khác, chiếc đồng hồ này được lập ra nhằm cảnh báo với thế giới từ các mối đe dọa như vũ khí hủy diệt hàng loạt, biến đổi khí hậu, vũ khí công nghệ cao với thông điệp là con người đang ở ngưỡng 'chỉ còn vài phút nữa là đến nửa đêm'.

Năm 1947, thời điểm đồng hồ ngày tận thế ra đời cũng là lúc đang diễn ra chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Chiếc đồng hồ khi đó chỉ 23h53 phút, tức là 7 phút đến nửa đêm. Cùng với các diễn biến chính trị, xã hội trên thế giới, thời gian của nó đã được điều chỉnh nhiều lần và mang tính tượng trưng để phản ánh các sự kiện quốc tế nguy hiểm với con người.

Đến năm 1991, khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô sụp đổ và hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược được ký kết, thời gian đến nửa đêm được các nhà khoa học kéo dài thành 17 phút, khung thời gian lâu nhất đến nay.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, thế giới trải qua nhiều biến động và đồng hồ ngày tận thế đã nhiều lần tiến gần đến mốc 'nửa đêm'. Năm 2018, kim đồng hồ đứng ở vị trí 2 phút đến nửa đêm. Năm 2019, vị trí kim đồng hồ được giữ nguyên nhưng đến năm 2020 thì nó được chỉnh thành còn 100 giây đến nửa đêm. Đây là mốc thời gian ngắn nhất trong lịch sử của đồng hồ ngày tận thế.

Năm nay, trong thông báo mới nhất các nhà khoa học đã giữ nguyên vị trí của kim đồng hồ so với năm ngoái là 100 giây đến nửa đêm. Rachel Bronson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành BAS phát biểu: 'Covid-19 là cái tên mới nhất trong danh sách những thách thức mà nhân loại phải đối mặt. Mặc dù chúng ta đã có những nỗ lực để kiểm soát đại dịch nhưng nó vẫn lây lan nhanh chóng và khiến nhiều người tử vong. Điều này chứng tỏ nhiều quốc gia không đủ trang bị để đối phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu'.

Susan Solomon, giáo sư nghiên cứu môi trường tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nói thêm về một hiểm họa với con người: 'Lượng khí thải carbon toàn cầu - nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu do con người gây ra tạm thời giảm khoảng 17% do đại dịch. Tuy nhiên, nó sẽ tăng lên sau đại dịch. Trong mọi trường hợp, việc giảm khí thải do đại dịch không phải là một kế hoạch bền vững cho tương lai'.

Một nguyên nhân khác hiến đồng hồ ngày tận thế vẫn được giữ nguyên ở mốc 100 giây trước nửa đêm là do mối lo lớn nhất với con người - vũ khí hạt nhân vẫn chưa được giải quyết. Ông Steve Fetter, giáo sư tại Đại học Maryland nói: 'Việc hiện đại hóa và mở rộng kho vũ khí hạt nhân ở nhiều quốc gia kết hợp với việc thiếu các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm thiểu rủi ro hạt nhân đã làm tăng khả năng xảy ra thảm họa'.

Nguyễn Dương theo Livescience

Chủ đề khác