VnReview
Hà Nội

Quên 5G đi! Mỹ và Trung Quốc đang giành thế thống trị mạng 6G

Tính đến thời điểm hiện tại, mạng 5G vẫn chưa phủ sóng toàn cầu và những lợi ích nó mang lại cũng chưa được khai thác tối đa. Nhưng cuộc chạy đua địa chính trị cho thế hệ mạng di động kế tiếp, 6G, đang dần nóng lên.

Nhiều công ty và chính phủ các nước sẽ tranh nhau trở thành người đầu tiên phát triển và được cấp bằng sáng chế mạng 6G. Khi đó họ sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua cách mạng công nghệ kế tiếp. Mặc dù vẫn còn rất lâu 6G mới được thương mại hóa, các chuyên gia kỳ vọng nó sẽ cho tốc độ nhanh gấp 100 lần so với tốc độ tối đa mà 5G hiện có.

Với 6G, nhân loại có thể phát minh ra những công nghệ vốn chỉ xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, từ trình chiếu hình ảnh 3D theo thời gian thực, hay còn được gọi là Hologram, đến taxi bay và cơ thể người được kết nối Internet.

Tranh chấp về mạng 6G đã ngày càng tăng ngay cả khi nó chỉ mới là một đề xuất lý thuyết, cộng thêm sức mạnh chính trị giữa các nước càng thúc đẩy cạnh tranh công nghệ, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Peter Vetter, người đứng đầu mảng bộ phận truy cập và thiết bị mạng tại Bell Labs, chi nhánh nghiên cứu trực thuộc Nokia Oyj cho biết: "Nỗ lực dẫn đầu quan trọng đến mức khiến 6G trở thành một cuộc chạy đua vũ trang. Chính phủ các nước sẽ cần một đội quân nghiên cứu 6G duy trì khả năng cạnh tranh".

Dưới thời ông Trump, các công ty công nghệ Trung Quốc đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Song điều đó không ngăn nước này vươn lên, trở thành cường quốc dẫn đầu về 5G. Nhờ lợi thế về giá, Huawei đã vượt qua các đối thủ toàn cầu để thu về lượng lớn hợp đồng xây dựng hạ tầng 5G tại nhiều quốc gia, bất chấp những nỗ lực ngăn cản của Mỹ.

Sự phát triển của 6G có thể mang đến cơ hội cho Mỹ giành lại vị thế đã mất trong lĩnh vực truyền phát Internet không dây.; Vikrant Gandhi, lãnh đạo cấp cao thuộc mảng công nghệ thông tin và truyền thông của công ty tư vấn Frost & Sullivan (Mỹ) cho biết: "Không như 5G, Bắc Mỹ sẽ không để cơ hội cho bất kỳ bên nào khác muốn dẫn đầu công nghệ vươn lên trong thời điểm này. Có khả năng cuộc cạnh tranh giành vị trí đi đầu về 6G sẽ khốc liệt hơn so với 5G".

Nhiều khả năng 6G đã là ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của các nhà hoạch định kế hoạch ở cả Washington lẫn Bắc Kinh. Vào đầu năm 2019, cựu Tổng thống Trump đã đăng trên Twitter rằng ông muốn có 6G "càng sớm càng tốt".

Tuy nhiên hiện tại, Trung Quốc đã đi trước một bước khi cho phóng một vệ tinh vào tháng 11 để kiểm tra khả năng truyền 6G trong không khí. Đồng thời, Huawei đã có cho mình một trung tâm nghiên cứu 6G ở Canada, theo báo cáo của truyền thông địa phương. Hãng sản xuất thiết bị viễn thông ZTE cũng đã hợp tác với nhà mạng China Unicom Hong Kong để phát triển công nghệ này.

Sau lệnh cấm tiếp công nghệ do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra, cường quốc phương Tây cho thấy họ có khả năng gây bất lợi nghiêm trọng cho các công ty Trung Quốc. Đơn cử như ZTE, công ty này gần như sụp đổ sau khi bị cấm mua công nghệ của Mỹ trong vòng 3 tháng. Những động thái tương tự từ Mỹ có thể gây trở ngại tham vọng làm chủ 6G của Huawei.

Sự khác nhau giữ sóng 5G và 6G

Chính quyền Washington đã có những bước đi đầu tiên trong cuộc chiến 6G.  Tháng 10 năm ngoái, Liên minh các giải pháp công nghiệp viễn thông (ATIS), một tổ chức thương mại Bắc Mỹ đã thành lập liên minh Next G Alliance với mục đích "nâng cao vị trí lãnh đạo của Bắc Mỹ trong công cuộc phát triển mạng 6G".

Thành viên của liên minh gồm nhiều gã khổng lồ công nghệ như Apple, AT&T, Qualcomm, Google và Samsung. Tất nhiên, trong đó không có sự góp mặt của Huawei. Với các thành viên tham gia, liên minh đã phản ánh cách thế giới chia thành các phe đối lập do sự cạnh tranh của 5G.

Dẫn đầu là Mỹ, vốn xác định Huawei có nguy cơ gián điệp cho chính phủ Trung Quốc, các quốc gia như Nhật, Úc, Anh và Thụy Điển đã loại bỏ Huawei khỏi các dự án hạ tầng 5G của họ. Tuy nhiên, tại một số nước như Nga, Philippines, Thái Lan và khu vực châu Phi, Trung Đông, Huawei lại được chào đón nhờ lợi thế giá thành phải chăng.

Tháng 12, liên minh châu Âu EU cũng công bố một dự án mạng không dây 6G do Nokia dẫn dắt. Hậu thuẫn theo sau là các công ty như Ericsson AB, Telefonic SA và một số trường đại học hàng đầu.

Những công ty Trung Quốc như Huawei sẽ khó lòng lấy được lòng tin của chính phủ các nước trong việc phát triển mạng 6G. Một số quốc gia dân chủ đang tỏ ra lo ngại về cách mà các chế độ độc tài sử dụng 5G, với dự đoán 6G có thể bị ứng dụng vào các công nghệ như giám sát người dân bằng máy bay không người lái.

Tại Trung Quốc, camera giám sát, AI, nhận diện khuôn mặt và sinh trắc học như mẫu giọng nói, DNA được phủ sóng khắp nơi với mục đích theo dõi và kiểm soát công dân. Phần lớn các công nghệ này hoạt động được đều nhờ vào 5G.

Mặc dù được thương mại hóa rộng rãi vào năm 2019, nhiều quốc gia vẫn đang bước đầu triển khai mạng, phát triển các ứng dụng để thu hút doanh nghiệp và thu về lợi nhuận. Tương tự vậy, 6G sẽ chưa cho thấy nhiều tiềm năng trong tương lai, ít nhất là 15 năm tới, Gandhi cho biết. Ước tính hiện nay, chỉ 100 nhà mạng toàn cầu là có hạ tầng và phủ sóng 5G ở một số khu vực hạn chế.

Tốc độ và độ trễ của các thế hệ mạng di động

Mặt khác, các nhà nghiên cứu đã ấp ủ tầm nhìn tham vọng về những gì 6G có thể cung cấp. Với tốc độ lên đến 1 TB/s, 6G không chỉ nhanh hơn mà còn không xuất hiện độ trễ, chỉ ở mức 0,1 mili giây so với 1 mili của 5G trên lý thuyết.

Để đạt được tốc độ và độ trễ nói trên, giới nghiên cứu đang tập trung phân tích sóng terahertz ở tần số siêu cao. Tuy nhiên hiện nay, chưa có con chip nào có khả năng truyền được nhiều dữ liệu như vậy trong vòng 1 giây.

Vẫn còn quá sớm để có thể nói được rằng 6G sẽ thành hiện thực và từng bước thay đổi thế giới. Về lý thuyết, 6G sẽ kết nối mọi thứ xung quanh ta, không chỉ con người có thể giao tiếp với những thứ đơn giản như đồ nội thất, quần áo mà các tiện ích đó cũng có thể tự giao tiếp với nhau.

Song, sẽ có rất nhiều trở ngại về công nghệ lẫn khoa học. Các nhà khoa học phải giải quyết câu hỏi làm sao để sóng Internet di chuyển trong khoảng cách cực ngắn lại có thể dễ dàng xuyên qua hơi nước hay thậm chí là một tờ giấy.

Tín hiệu mạng sẽ phải rất dày đặc, cùng với các trạm phát sóng được đặt không chỉ trên đường mà còn ở trong từng tòa nhà hoặc thậm chí là từng thiết bị mọi người sử dụng để truyền phát tín hiệu. Điều này dẫn đến bài toán sức khỏe, quyền riêng tư và thiết kế hạ tầng đô thị khi 6G phát triển.

"Những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là những sáng kiến phức tạp trong tương lai nên được phát triển cẩn thận. Chúng tôi tin rằng các quốc gia và công ty không thể bắt đầu sớm. Vì vậy, đó là lý do vì sao các tổ chức như Next G Alliance ra đời để tạo đà phát triển", Gandhi cho biết.

Ngọc Diệp (Theo SCMP)

Chủ đề khác