VnReview
Hà Nội

Tại sao chúng ta ngáy rất to khi ngủ?

Những người béo phì hoặc uống bia, rượu trước khi ngủ thường mắc chứng ngủ ngáy và đôi khi ngưng thở do tắc nghẽn khí.

Trong những khi say giấc nồng nhất, một số người vẫn ngáy to một cách kinh khủng, phá hỏng khoảng thời gian nghỉ ngơi quý giá của những ai chung phòng. Và đôi khi dù không ngáy, nhưng khi ngủ gật họ vẫn thở với âm thanh to hơn bình thường khá nhiều. Tại sao lại có hiện tượng như vậy?

Tiến sĩ Timothy Morgenthaler, một chuyên gia y học về giấc ngủ cho biết âm thanh tạo ra khi chúng ta thở, dù đang thức hay ngủ là do rung động của không khí di chuyển qua đường thở. Độ lớn của âm thanh phát ra sẽ phụ thuộc vào độ hẹp của ống thở và tốc độ không khí khi đi qua nó.

Khi hít vào, không khí nhanh chóng tràn vào đường thở trên (một phần của hệ thống hô hấp kéo dài từ miệng đến thanh quản) làm giảm áp lực trong toàn bộ đường hô hấp, còn được gọi là đường thở. Sự thay đổi áp suất này có thể làm hẹp đường thở trên và gây cản trở hô hấp. Tuy nhiên, khi chúng ta thức, phản xạ ở đường thở trên sẽ ngăn chặn tình trạng co hẹp này lại và giữ cho ống thở mở. "Bởi vì ống thở mở, dòng chảy không khí đi qua đường thở không bị hỗn loạn, không khí di chuyển mà không tạo ra nhiều âm thanh", Morgenthaler cho biết. Nhưng khi chúng ta ngủ, phản xạ sinh học không còn nhạy như thế, đường hô hấp trên có xu hướng xẹp xuống một phần và quá trình thở trở nên ồn ào hơn.

Morgenthaler cho biết thêm, khi ngủ, đặc biệt là trong giai đoạn mắt chuyển động nhanh (REM), sẽ dẫn đến giảm trương lực cơ xung quanh đường thở. Nói cách khác, các cơ hỗ trợ đường thở sẽ bị giãn ra, khiến cho ống thở co lại. Khi đường thở thu hẹp lại, không khí sẽ di chuyển với vận tốc nhanh hơn, rung động nhiều hơn và tạo ra âm thanh lớn hơn.

Hệ thống hô hấp. Ảnh: Shutterstock.

Đường thở thu hẹp cũng có nghĩa là hơi thở sẽ nhanh và nông hơn. Morgenthaler cho biết, một người hít thở trung bình khoảng 14 nhịp mỗi phút khi thức và 15 hoặc 16 nhịp mỗi phút khi ngủ. Dù cho chúng ta thở thường xuyên hơn trong khi ngủ, nhưng thực ra lại hấp thụ ít oxy hơn và thải ra ít carbon dioxide hơn vì nhu cầu thông khí của cơ thể không còn cao như khi thức.

Nếu ống thở của một người trở nên hẹp hơn rất nhiều, họ có thể bắt đầu ngáy. Đây là lúc mà đường thở sẽ thu hẹp đến độ chỉ có đường kính gần bằng ống hút của thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng McDonald. Với kích thước nhỏ như vậy, không chỉ không khí bên trong đường thở rung động mà cả các mô trong khu vực đó cũng vậy, tạo nên tiếng ngáy.

Nếu đường thở của một người dần hẹp hơn, họ có thể mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn khí. Đường thở có thể hẹp đến mức không thể thở được và người bệnh phải thức giấc giữa chừng với từng cơn thở hổn hển. Ngay cả ở những người không bị ngưng thở khi ngủ, đường thở cũng có thể thu hẹp đến bốn lần mỗi giờ. Và khi xảy ra thường xuyên hơn, nó sẽ trở thành chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn khí. Giảm cân thường là một phương pháp điều trị hiệu quả vì mỡ thừa xung quanh đường thở có thể gây cản trở hô hấp. Morgenthaler cũng khuyến nghị không nên sử dụng các thức uống có cồn gần thời gian đi ngủ vì nó gây kích thích các cơ hỗ trợ đường thở, khiến chúng bị giãn ra. Nếu các cách trên không hữu ích, người bệnh có thể cần đến sự trợ giúp từ máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) để giữ cho đường thở mở trong khi ngủ.

Giang Vu theo LiveScience

Chủ đề khác