VnReview
Hà Nội

NASA chia sẻ video màn hạ cánh xuống bề mặt Sao Hỏa của tàu thăm dò Perseverance

Những diễn biến quan trọng trước khi con tàu thám hiểm Perseverance hạ cánh xuống bề mặt Sao Hỏa hôm 18/2 đã được NASA chia sẻ trong một đoạn video mới nhất.

NASA vừa chia sẻ một đoạn video về màn hạ cánh táo bạo của tàu thăm dò Perseverance. Hôm 18/2 vừa qua, tàu thám hiểm Perseverance;đã hạ cánh thành công xuống miệng núi lửa Jezero trên Sao Hỏa.

Màn đổ bộ thành công của tàu thăm dò là kết quả của nhiều năm lập kế hoạch và bảy tháng du hành từ Trái đất đến Hành tinh đỏ, tương đương với khoảng cách lên tới 472 triệu km và tốc độ 19 ngàn km/h. Sứ mệnh bắt đầu từ cách đây 2 năm trước của NASA được cho tiêu tốn tới 2,7 tỷ USD.

Việc hạ cánh trên một hành tinh không bao giờ là dễ dàng. Đầu tiên là phải làm sao vượt qua bầu khí quyển của hành tinh đó, sau đó giảm tốc độ. Lúc này bầu khí quyển Sao Hỏa có tác dụng giảm tốc độ rất lớn. Tiếp theo một chiếc dù siêu thanh lớn sẽ giúp làm chậm tốc độ của Perseverance cho tới khi nó tiếp đất thành công.

Al Chen, một nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA cho biết, chiếc dù chỉ mất 7/10 giây để bung ra và không có bất cứ dấu hiệu gặp trục trặc nào.

Đoạn video cũng hé lộ quy trình phóng tấm chắn nhiệt để bảo vệ con tàu trong lúc xâm nhập bầu khí quyển. Chen cho biết, một lò xo chịu trách nhiệm đẩy tấm chắn nhiệt ra ngoài dường như có chút lỏng lẻo nhưng điều này không gây nguy hiểm cho con tàu.

Chen giải thích: "Con tàu có thể xuất hiện tình trạng lắc lư qua lại dưới chiếc dù khi nó dần hạ xuống. Đó là khi hệ thống Skycrane bắt đầu hoạt động khi tàu còn cách bề mặt đất khoảng 20 mét. Sở dĩ bạn không nhìn thấy chùm khói hoặc khói bốc ra từ hệ thống tên lửa, đó là bởi hệ thống chạy bằng chất đẩy Hydrazin (N2H4), nó tạo ra nitơ và hydro, cả hai đều là khí trong".

Ở những khoảnh khắc cuối cùng của video, chúng ta có thể các dây cáp hạ thấp xuống để con tàu Perseverance có thể tiếp đất. Sau khi hạ cánh thành công, cáp giữ con tàu sẽ tách rời và rơi ra xa.

Hệ thống Skycrane sẽ tự động tách ra và bay ra xa

Vị trí của tàu thăm dò và vị trí rơi của các dung cụ hỗ trợ giúp Perseverance tiếp đất thành công

Tổng cộng có 16 tên lửa đẩy jetpack có nhiệm vụ nâng đỡ con tàu trước khi nó hạ cánh bằng hệ thống bốn dây cáp kéo có tên Sky Crane. Bằng cách đó, nó có thể hạ cánh xuống mọi địa hình khắc nghiệt.

Có một thực tế rằng, NASA không thể điều khiển quá trình hạ cánh từ xa. Mọi thứ đều được thiết lập ngay từ đầu, bởi lẽ thời gian gửi tín hiệu từ Trái đất đến sao Hỏa có độ trễ nhất định nên sẽ khiến quá trình hạ cánh lâu hơn. Thông thường sẽ mất khoảng 22 phút cho một tin nhắn khứ hồi, một độ trễ quá lớn và khiến việc xử lý các sự cố trở nên khó khăn hơn.

Đoạn phim được quay bằng hệ thống Entry Descent and Landing (EDL) giúp mang đến góc nhìn thoáng qua về trải nghiệm hạ cánh trên sao Hỏa. Theo Dave Gruel, trưởng nhóm phát triển EDL cho biết, hệ thống không thể can thiệp bằng bất kỳ cách nào vào tàu vũ trụ và máy dò. Nhưng rất may, nhiệm vụ tiếp đất đã thành công 100% ngay cả khi hệ thống camera không hoạt động.

Có khoảng 30GB dữ liệu, bao gồm hơn 23.000 hình ảnh đã được thu thập trong quá trình hạ cánh. Có gần 20 camera được lắp quanh Perseverance giúp đem tới góc nhìn ở cả bên dưới mặt đất lẫn ở trên chiếc dù. Mặc dù tàu có tích hợp micrô nhưng theo Gruel, mic không thực sự thu được bất kỳ âm thanh nào trong lúc hạ cánh.

Cấu tạo của các bộ phận giúp tàu thăm dò Perseverance hạ cánh thành công

Nhiệm vụ đầu tiên của Perseverance là tìm kiếm dấu hiệu sự sống của vi sinh vật. Ngoài ra, nó có thể thực hiện một số chuyến bay thử nghiệm thông qua trực thăng tự lái Ingenuity được tích hợp bên trong thân tàu.

Ingenuity dự kiến sẽ thực hiện các chuyến bay trên không trung trong vài tháng tới để chụp ảnh và quay video bề mặt Sao Hỏa từ khoảng cách gần nhất. Giới khoa học mong đợi có thể tìm thấy các hình dạng sinh học trong các mẫu trầm tích cổ đại ghi nhận được trên Sao Hỏa.

Kết quả thu được từ Perseverance và Ingenuity hứa hẹn sẽ cung cấp những thông tin quan trọng, phục vụ các sứ mệnh tiếp theo của NASA. Trong tương lai, NASA có kế hoạch đưa các mẫu vật thu thập được từ Perseverance về Trái Đất để phân tích sâu hơn vào cuối thập kỷ này.

Jessica Samuels, người quản lý sứ mệnh Perseverance cho biết nhóm Mars 2020 đang bắt đầu triển khai kế hoạch thăm dò Sao Hỏa. Cho đến nay, nhóm đã gửi 5.000 lệnh và các hướng dẫn đến phương tiện. Quan trọng là ăng-ten của máy dò đã bắt đầu vận hành và cho phép nhóm gửi nhiều hướng dẫn hơn.

Hiện tại những hình ảnh ban đầu về Sao Hỏa đang được Perseverance liên tục gửi về Trái Đất. Bạn có thể xem các bức ảnh chụp từ Perseverance gửi về tại đây.

Toàn bộ diễn biến hạ cánh của tàu thăm dò Perseverance

Mô phỏng sứ mệnh của Perseverance 

Tiến Thanh (Tổng hợp)

Chủ đề khác