VnReview
Hà Nội

Bọ hung có thể là “máy dò DNA” lý tưởng để khảo sát động vật

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong ruột của những con bọ hung chứa DNA nhận dạng loài của động vật có vú, có thể sử dụng để lập danh mục đa dạng sinh học trong khu vực.

Elizabeth Hadly, một nhà sinh vật học môi trường tại Đại học Stanford, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết việc sử dụng côn trùng để lấy mẫu đa dạng sinh học là "một ý tưởng tuyệt vời".

Những nỗ lực để tìm ra đa dạng sinh học của một khu vực thông qua các mẫu DNA trong môi trường (eDNA) mới có trong vài thập kỷ. Các nhà khoa học sàng lọc bụi bẩn, đất và đặc biệt là nước để tìm các mảng da bong tróc, chất nhầy và các chất dịch cơ thể khác; sau đó, họ tiếp tục lọc ra những dấu vết của DNA có thể nhận dạng để xác định loài động vật nào sống trong khu vực.

Cho đến nay, hải dương học (khoa học nghiên cứu về đại dương) là ngành hưởng lợi nhiều nhất từ ​​kỹ thuật eDNA, còn được gọi là "mã vạch DNA" (DNA barcoding). DNA có thể tồn tại trong nước trong vài ngày, cho phép các nhà khoa học chỉ cần lọc mẫu từ một cái ao để có được ước tính sơ bộ về các loài đang tồn tại trong khu vực.

Việc lọc một lượng lớn nước để lấy DNA dễ dàng hơn nhiều so với nước bẩn hoặc đất, vì vậy việc sử dụng eDNA trên nền rắn hiếm hơn. Một số nhà khoa học đã cố gắng để lấy máu trong ruột của muỗi và đỉa để tìm DNA của vật chủ. Nhưng phạm vi hoạt động của đỉa có giới hạn và trong một số trường hợp, muỗi rất khó bẫy.

Rosie Drinkwater, một nhà sinh học phân tử tại Đại học Queen Mary, London, đã quyết định kiểm tra một loài động vật khác, chuyên ăn "vật liệu giàu DNA": bọ hung.

Phân trong ruột bọ hung được xem là nguồn cung cấp DNA giúp nhận dạng các loài trong khu vực;

Ngoại trừ châu Nam Cực, chúng ta có thể tìm thấy những con bọ hung ở mọi lục địa, chúng sống ở hầu hết các môi trường, từ sa mạc, rừng rậm cho đến các đồn điền cọ dầu, Drinkwater cho biết.

Cô và các đồng nghiệp đã đặt bẫy mồi để bắt bọ hung trong một khu rừng ở Borneo, nơi Drinkwater đã nghiên cứu về đỉa trong vài năm. Sau 24 giờ, họ đã bẫy được 24 con bọ hung có kích thước bằng ngón tay cái thuộc chi Catharsius. Các nhà nghiên cứu đã giải phẩu những con bọ này tại một địa điểm thực địa vô trùng và gửi ruột của chúng đến phân tích tại một phòng thí nghiệm ở Đại học Queen Mary.

Sau khi giải mã trình tự DNA bên trong ruột, họ so sánh nó với bộ gen của các loài động vật được biết là sống trong các khu rừng Bornean. Theo nghiên cứu, các trình tự DNA hoàn toàn khớp với lợn râu, hươu sambar, hoẵng, hươu cao cổ và nhím. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện DNA của một loài cầy hương hiếm hơn, nhưng trình tự không đủ rõ ràng để có thể khẳng định chắc chắn. Họ còn tìm thấy rất nhiều DNA của con người - phần lớn có thể đến từ những người khai thác gỗ và khai thác dầu cọ gần đó.

Tổng hợp lại, các kết quả cho thấy kỹ thuật này thực sự có thể được sử dụng trong sàng lọc eDNA ở những nơi khác.

Phân được tiêu hóa qua ruột của bọ hung tương đối nhanh, trong khoảng 48 giờ. Mặc dù cơ hội lấy được phân trong ruột bọ hung khá ngắn ngủi, nhưng nó có một mặt lợi: "Nếu phát hiện được DNA của một loài trong ruột của bọ hung, bạn có thể tương đối chắc chắn rằng con vật đó đã ở gần đây ", Drinkwater giải thích.

Drinkwater cảnh báo rằng nghiên cứu vẫn chưa được thông qua sự thẩm định của hội đồng chuyên gia, hơn nữa phương pháp này cần phải được kiểm tra kĩ hơn trong các môi trường khác nhau cũng như ở các loài bọ thuộc những chi khác. Tuy nhiên, Michael Kinnison, nhà sinh vật học và sinh vật học tiến hóa tại Đại học Maine, Orono nhận định: "Bọ hung là một bổ sung thông minh cho kho eDNA".

Drinkwater cũng bày tỏ lo ngại về số phận của những con bọ hung trong tương lai: "Giết rất nhiều bọ hung để lấy ruột của chúng… có vẻ rất tàn nhẫn và không cần thiết". Thay vào đó, cô muốn đầu tư nhiều hơn vào các kỹ thuật không cần sát sinh như lấy mẫu đất và trầm tích. Nhưng không thể phủ nhận bọ hung thật sự là một người trợ lý đắc lực mới của các nhà sinh vật học trong công cuộc khảo sát động vật.

Yen Kim (Theo Sciencemag)

Chủ đề khác