VnReview
Hà Nội

Các nhà khoa học chế tạo thành công hình xăm phát sáng bằng công nghệ OLED

Nhiều người chọn xăm hình với mong muốn thể hiện cá tính của bản thân. Hiểu được điều đó, một nhóm các nhà khoa học ở châu Âu đã tạo ra một phát minh mới được gọi là hình xăm phát sáng đầu tiên bằng công nghệ OLED trên thế giới. Ngoài việc giúp bạn trông ngầu hơn, nó cũng có khả năng cảnh báo trước những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe.

Hình xăm có rất nhiều ý nghĩa, từ tên của người yêu cũ cho đến những câu ca dao tục ngữ, hay một biểu tượng, hình vẽ nào đó. Ngoài ra, hình xăm còn được sử dụng như một công cụ y tế. Ví dụ như các bệnh nhân ung thư đang sử dụng phương pháp xạ trị sẽ được xăm những chấm nhỏ để đánh dấu vị trí khu vực cần can thiệp trong suốt quá trình điều trị.

Ảnh:;Barsotti – Viện Công nghệ Ý

Ý tưởng làm tăng tính nghệ thuật của hình xăm trên da người bằng cách khiến nó phát sáng không phải là mới, nhưng trước đây chủ yếu là sử dụng công nghệ cấy ghép phá khóa sinh học (biohacking) như cấy đèn LED dưới da. Dù vậy, thành quả tạo ra không có quá nhiều khả năng ứng dụng ngoài việc khiến người khác chú ý hoặc tò mò. Công nghệ hình xăm phát sáng mới dễ thực hiện hơn, nhiều khả năng ứng dụng hơn và nó cũng mang tính tạm thời vì không cần phẫu thuật để loại bỏ hình xăm.

Trong báo cáo được đăng tải tên tạp chí Advanced Electronic Materials với tên "Hình xăm bằng đi-ốt phát quang hữu cơ siêu mỏng, siêu thoải mái và không cần cấy", các nhà khoa học đến từ Đại học London tại Anh và Viện Công nghệ của Ý đã mô tả chi tiết cách tiếp cận của dự án đối với hình xăm sử dụng cùng công nghệ đi-ốt phát quang hữu cơ có trên điện thoại iPhone, hay các dòng điện thoại cảm ứng màn hình gập mới nhất. Màn hình OLED có độ linh hoạt cao đóng vai trò quan trọng trong ứng dụng vào hình xăm vì da người mềm dẻo và gấp nếp khi cơ thể vận động.

Ảnh: Barsotti – Viện Công nghệ Ý

Các thiết bị điện tử tạo nên hình xăm phát sáng gồm một tấm polyme quang điện siêu mỏng, tấm này có khả năng phát sáng khi kết nối nguồn điện. Theo các nhà nghiên cứu, tấm polyme này chỉ dày 2,3 micro-mét, khoảng 1/3 đường kính của hồng cầu. Tấm polyme sẽ được kẹp giữa một cặp điện cực và đặt trên một lớp cách nhiệt, lớp này được dính với lớp hình xăm tạm thời qua một quy trình in có chi phí không quá đắt. Hình xăm có thể dễ dàng dính lên da bằng phương pháp xăm ướt tương tự các loại hình xăm dành cho trẻ em được bày bán ở tiệm tạp hóa. Và hình xăm này cũng dễ dàng xóa đi bằng xà phòng và nước.

Hiện tại, hình xăm bằng công nghệ OLED chỉ có thể phát ra ánh sáng màu xanh lá, nhưng khi ứng dụng hệ màu RGB trên các loại màn hình OLED, thì hình xăm có thể phát ra bất kỳ màu sắc nào. Tuy khả năng ứng dụng của hình xăm phát sáng không quá nhiều nhưng việc phát triển loại hình nghệ thuật này theo một hướng mới sẽ giúp phát huy nhiều tiềm năng của nó hơn nữa trên lĩnh vực y tế. Ví dụ như khi kết hợp với các thiết bị đeo công nghệ khác, hình xăm phát sáng có thể nhấp nháy khi vận động viên cần bổ sung nước chẳng hạn, hoặc khi ứng dụng lên vỏ hộp đựng thực phẩm, hình xăm sẽ đổi màu khi quá hạn sử dụng…

Tuy nhiên, hiện tại bạn chưa thể tìm thấy công nghệ này ở các cơ sở xăm hình. Đến nay, các nhà nghiên cứu chỉ mới áp dụng thành công lên các loại bề mặt như thủy tinh, chai nhựa, giấy và thậm chí là vỏ cam. Tuy nhiên, da người sẽ là một thách thức lớn hơn rất nhiều vì cường độ vận động của con người rất lớn. Ngoài ra, tấm polyme OLED xuống cấp rất nhanh khi tiếp xúc với không khí, do đó nó cần thêm một lớp bọc bên ngoài để bảo vệ. Ngoài ra, có một vấn đề khá lớn khác là nguồn năng lượng, các nhà nghiên cứu đang tìm cách sử dụng siêu tụ điện hoặc pin siêu nhỏ làm nguồn cấp năng lượng cho hình xăm. Các thử nghiệm hiện tại trong phòng thí nghiệm vẫn đang cấp nguồn cho hình xăm bằng dây nối với nguồn điện ngoài, và tất nhiên chẳng ai muốn cắm một sợi cáp USB vào hình xăm trên tay đâu nhỉ?

Minh Bảo (Tham Gizmodo)

Chủ đề khác