VnReview
Hà Nội

Trái Đất có thể chỉ còn "sống" được 1 tỷ năm nữa

Trong một nghiên cứu vừa được công bố mới đây, nhóm các nhà khoa học hợp tác cùng NASA dự đoán, Trái Đất chỉ có thể tồn tại thêm khoảng 1 tỷ năm tới trước khi Mặt Trời đốt cháy hết oxy trên hành tinh xanh.

Một nhóm các nhà khoa học hợp tác cùng NASA cuối cùng đã tìm ra thời điểm Mặt trời sẽ đốt cháy tất cả oxy trên hành tinh của chúng ta, dẫn tới tiêu diệt tất cả sự sống trên Trái Đất. Theo tính toán của họ, sự kiện tuyệt chủng này sẽ xảy ra sau khoảng 1.000.002.021 năm nữa.

Nhóm nghiên cứu mô tả khoảnh khắc cuối cùng trước khi Trái đất mất khả năng hỗ trợ sự sống như sau: "Chúng tôi thấy rằng quá trình khử oxy trong tương lai là hệ quả tất yếu của việc gia tăng bức xạ nhiệt từ Mặt Trời. Thời gian chính xác của quá trình này sẽ được điều chỉnh bởi dòng oxy hóa khử thay đổi giữa lớp phủ địa chất và hệ thống đại dương – khí quyển và lớp vỏ Trái Đất".

Đặc trưng của bầu khí quyển sau quá trình khử oxy quy mô lớn sẽ được bao phủ bởi khí mê-tan tăng cao, nồng độ CO2 thấp và không còn tầng ozon. Khi đó Trái Đất có thể là một thế giới các dạng sống "yếm khí".

Bầu khí quyển chứa oxy của Trái Đất là điều kiện hoàn hảo để tạo ra sự sống. Nhưng nghiên cứu này cho thấy, bầu khí quyển giàu oxy của Trái Đất với tỷ lệ khoảng 20-30% không phải là vĩnh viễn. Oxy là đặc điểm sinh học quan trọng nhất trên cơ thể sống và là dấu hiệu để loài người đi tìm kiếm sự sống ở các hành tinh xa xôi ngoài vũ trụ. Nếu có được góc nhìn tổng quát về các đặc điểm sinh học của muôn loài trong một thế giới thiếu oxy, chúng ta sẽ có cơ sở dữ liệu quan trọng để tìm kiếm thêm các hành tinh khác có chứa sự sống ở ngoài kia.

Nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận này sau khi lập mô hình và chạy mô phỏng dựa vào thuật toán hàng trăm ngàn lần. Theo thông cáo báo chí từ Đại học Tohoku, một trong những đối tác dự án của NASA: "Bởi vì mô hình hóa quá trình tiến hóa của Trái đất trong tương lai về bản chất có những bất ổn trong các diễn biến địa chất và sinh học, một phương pháp ngẫu nhiên đã được áp dụng giúp các nhà nghiên cứu có được đánh giá xác suất về tuổi thọ của bầu khí quyển có oxy".

Chúng ta còn đủ thời gian để đối phó không?

Kazumi Ozaki, trợ lý giáo sư tại Đại học Tohoku, Nhật Bản đã chạy mô hình hơn 400 ngàn lần với các tham số mô hình khác nhau và nhận thấy rằng bầu khí quyển giàu oxy của Trái đất có thể sẽ tồn tại trong một tỷ năm nữa trước khi quá trình khử oxy nhanh chóng làm cho bầu khí quyển trở về thời kỳ sơ khai của Trái Đất trước khi sự kiện oxy hóa lớn (Great Oxidation Event) diễn ra cách khoảng 2,5 tỷ năm trước.

Điều này dường như đi ngược lại với sự thay đổi khí hậu do con người gây ra. Chúng ta có thể dự đoán tương đối về thời điểm Mặt trời hủy diệt hành tinh của chúng ta. Nhưng cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay phần lớn là phi tự nhiên và rõ ràng rất khó để đoán và so sánh với dữ liệu cách đây 2,5 tỷ năm của Trái Đất, trước khi con người xuất hiện.

Tin xấu là hành tinh của chúng ta có thể sẽ rơi vào trạng thái không thể ở được trong một thời gian dài trước khi Mặt Trời trời bóp nghẹt toàn bộ hệthực vật trên Trái đất và sau đó đốt cháy bầu khí quyển của chúng ta.

Nhưng tin tốt là nếu chúng ta đủ thông minh để giải quyết các vấn đề hiện tại, chúng ta vẫn còn đủ thời gian để bảo vệ Trái Đất hoặc tìm kiếm sự sống trên một hành tinh khác.

Trước đây, các nhà khoa học cho rằng, sinh quyển Trái Đất sẽ tuyệt chủng trong khoảng 2 tỷ năm tới do tình trạng quá nóng và khan hiếm CO2, dẫn tới thực vật không thể quang hợp và sản sinh O2 cần thiết cho con người. Mặc dù vậy vẫn chưa rõ chính xác khi nào và làm thế nào điều đó xảy ra.

Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Nature Geoscience mới đây.

Tiến Thanh

Chủ đề khác