VnReview
Hà Nội

Tại sao con người cần có 'địa chỉ thường trú' ở mặt trăng?

Một trong những lý do thuyết phục nhất để con người xây dựng một 'địa chỉ thường trú' trên Mặt Trăng là bởi nó sẽ là cơ sở phục vụ như một nơi tập luyện của chúng ta cho những tham vọng lớn hơn, chẳng hạn như đặt chân lên sao Hỏa trong tương lai.

Đã 5 thập kỷ trôi qua kể từ ngày con người đạt được một trong những thành tựu vĩ đại nhất lịch sử - chinh phục mặt trăng. Chương trình Apollo của Mỹ đã giúp con người có thể đi dạo mặt trăng - vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất.

Khi Neil Armstrong và Buzz Aldrin trở thành những người đầu tiên đi bộ trên mặt trăng vào năm 1969, nhiều người hy vọng rằng đó chỉ là bước khởi đầu cho những sứ mệnh không gian vĩ đại trong tương lai. Thật không may, kể từ sứ mệnh Apollo 17 vào những năm 1970, không có người nào bước lên được mặt trăng một lần nữa. Sau đó, mặt trăng thỉnh thoảng chỉ tiếp đón các tàu thám hiểu thăm dò của con người. Trong thực tế, trong những thập kỷ gần đây, các nhà du hành vũ trụ chỉ đi được vài trăm dặm vào không gian, cụ thể là đi lên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS).

Mỹ là quốc gia đầu tiên đưa được con người lên mặt trăng

Căn cứ trên mặt trăng là gì?

Gần đây, có nhiều cuộc thảo luận về các sứ mệnh của con người trên sao Hỏa và cách chúng ta có thể định cư trên 'hành tinh đỏ'. Tuy nhiên, với những thách thức về hậu cần, sẽ mất ít nhất vài thập kỷ nữa để chúng ta chinh phục được hành tinh này. Mặt trăng có vẻ là thách thức dễ dàng hơn. Đó là nơi các phi hành gia có thể sống, làm việc trong nhiều tuần, nhiều tháng nếu không muốn nói là nhiều năm tại một thời điểm.

Bạn có thể hỏi tại sao chúng ta lại nghĩ đến việc xây dựng một căn cứ hay nói cách khác là một 'địa chỉ thường trú' trên mặt trăng. Tuy nhiên, trước đó chúng ta cần hiểu rằng thực chất một trạm nghiên cứu trên vệ tinh tự nhiên của trái đất là như thế nào.

Về bản chất, đây có thể là một tiền đồn đơn giản của con người với phòng thí nghiệm lớn nơi các nhà khoa học có thể làm việc trong thời gian dài, có lẽ ít nhất là vài tháng giống như họ đang làm trên ISS.

ISS là cơ sở ngoài không gian hiện nay của con người

Tại sao chúng ta nên có căn cứ trên mặt trăng?

Một căn cứ trên mặt trăng có thể sẽ là một bãi tập và khu vực tiền đồn cho những tham vọng lớn hơn của con người, chẳng hạn như chinh phục sao Hỏa và hơn thế nữa.

Gần trái đất

Khoảng cách trung bình của Mặt trăng và Trái đất là 384.000 km. Điều này có nghĩa mặt trăng là nơi gần nhất có thể để con người xây dựng một 'địa chỉ thường trú' ngoài trái đất và phục vụ cho các sứ mệnh không gian khác.

Các sứ mệnh Apollo cho phép con người biết được rằng có thể tới mặt trăng chỉ trong thời gian là 3 ngày. Nếu muốn tới sao Hỏa, con người sẽ phải di chuyển tới vài tháng. Thời gian du hành ngắn tới mặt trăng sẽ giúp chúng ta có thể nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ giải cứu từ trái đất trong trường hợp xảy ra sự cố.

Giao tiếp gần với thời gian thực

Để liên lạc với các phi hành gia, chúng ta dựa vào các tín hiệu viễn thông. Các tín hiệu này là sóng điện từ và di chuyển với tốc độ ánh sáng (khoảng 300.000 km/giây). Với khoảng cách trung bình của Mặt trăng và Trái đất là 384.000 km thì sẽ mất khoảng 1,3 giây để một tín hiệu viễn thông từ Trái đất lên đến mặt trăng và ngược lại.

Độ trễ kể trên có vẻ rất ổn so với việc nếu muốn giao tiếp với một ai đó trên sao Hỏa thì cần tới 5 phút 20 giây. Độ trễ chỉ 1-2 giây trong liên lạc từ trái đất đến mặt trăng có thể giúp chúng ta liên lạc bằng âm thanh hoặc video thường xuyên với các phi hành gia gần như với thời gian thực.

Giúp hiểu được cách cơ thể con người ứng phó với môi trường trong không gian

Nếu con người thực sự muốn chinh phục vũ trụ hoặc chí ít là tìm sự sống ngoài Trái đất thì chúng ta có thể coi Mặt trăng là bước đệm đầu tiên của mình. Lên mặt trăng và ở đó trong một thời gian dài giúp chúng ta tập được cách sống trên các hành tinh khác. Sống trên mặt trăng trong thời gian dài cũng giúp chúng ta hiểu cách cơ thể hoạt động và phản ứng trong điều kiện trọng lực thấp.

Chúng ta có thể hiểu được rõ hơn việc sống trong môi trường vũ trụ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, giấc ngủ và tâm lý như thế nào. Sống trên mặt trăng cũng là manh mối giúp con người có thể tìm cách đối phó với việc nhiệt độ giao động rất lớn giữa các thời điểm khác nhau.

Một 'địa chỉ thường trú' trên mặt trăng có thể đóng góp vai trò như một nơi tuyệt vời để quan sát thiên văn. Câu hỏi đặt ra lúc này là chúng ta có đang xem xét nghiêm túc với ý tưởng xây dựng một cơ sở nghiên cứu trên mặt trăng hay không? Câu trả lời là có! Một trong những sứ mệnh được mong đợi nhất sẽ đưa chúng ta trở lại thăm 'Chị Hằng và Chú Cuội' là 'sứ mệnh Artemis' của NASA.

Tổng quan về sứ mệnh Artemis của NASA

Sứ mệnh Artemis của NASA

Vào năm 2019, NASA đã công bố dự án mặt trăng đầy tham vọng của mình có tên Artemis. Một trong những mục tiêu dài hạn của kế hoạch này là thiết lập căn cứ của con người trên mặt trăng. NASA có kế hoạch đưa con người lên lại mặt trăng vào năm 2024. Trong đó, họ cũng có mục tiêu đưa người phụ nữ đầu tiên lên mặt trăng.

Sứ mệnh Apollo vào những năm 1960 khá ngắn ngủi nhưng đã chứng minh khả năng công nghệ mà chúng ta đã đạt được. Để rồi, đến gần đây, NASA đang có kế hoạch đưa con người ở lại mặt trăng trong vài tuần với những công nghệ tiên tiến nhất.

NASA cũng nhấn mạnh rằng một trong những mục tiêu của sứ mệnh Artemis là biến mặt trăng trở thành khu vực tổ chức cho những sứ mệnh tham vọng hơn, như chinh phụ sao Hỏa chẳng hạn.

Thực tế, Mỹ không đơn độc trong cuộc đua thiết lập 'địa chỉ thường trú' của con người trên mặt trăng. Ngay cả Trung Quốc thông qua cơ quan không gian của họ cũng đang có kế hoạch xây dựng tiền đồn trên mặt trăng trong vòng 1 thập kỷ. Tương tự như vậy, các cơ quan vũ trụ ở Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và Canada cũng có các sứ mệnh tương tự trong tương lai.

Mặt trăng đã chiếu sáng cho thế giới hàng đêm trong hàng triệu năm qua. Trong tương lai, nó sẽ sớm trở thành bệ phóng cho các sứ mệnh không gian của con người.

Nguyễn Dương Theo ScienceABC

Chủ đề khác