VnReview
Hà Nội

Những người vừa đi bộ vừa nhắn tin điện thoại có thể gây rắc rối thế nào?

Các thí nghiệm và nghiên cứu khoa học cho thấy việc dán mắt vào màn hình điện thoại khi đi trên đường sẽ thực sự gây khó khăn cho chính bạn và những người xung quanh.

Một trong những thứ khó chịu nhất mà bất kỳ ai cũng có thể gặp trên đường là khi đang đi bộ mà phải tránh người đi đối diện đang dán mắt vào màn hình điện thoại. Lúc đầu, có vẻ như người đó sẽ đâm sầm vào bạn vì rõ ràng họ không nhìn đường. Sau đó, họ ngẩng mặt lên và bạn phải rẽ sang trái hoặc phải để tránh họ. Nhưng rồi, sự khó chịu khi cả 2 đều rẽ trái và rồi cả 2 lại cùng rẽ phải. Điều này cứ lặp đi lặp lại cho đến khi bạn nổi cáu và hét vào mặt người đó.

Có lẽ số đông chúng ta đều đã trải qua cảm giác khó chịu kể trên và các nhà khoa học gần đây cũng đã nghiên cứu về vấn đề này. Họ chỉ ra rằng một người đi bộ cứ dán mắt vào điện thoại có thể gây ra một mớ hỗn độn lớn đến mức có thể ảnh hưởng đến cả một đám đông nói chung.

Các nhà nghiên cứu của đại học Tokyo và đại học công nghệ Nagaoka đã thiết lập thí nghiệm có tên 'thí nghiệm dòng người hai chiều'. Trong đó có 2 nhóm, mỗi nhóm 27 người, một đội mũ màu vàng, một đội mũ màu đỏ và đi ngược chiều chau. Trong mỗi thử nghiệm, họ cho 3 người ở 1 trong 2 nhóm nhìn vào màn hình điện thoại và đi phía trước.

Trong thí nghiệm đối chứng không ai cầm điện thoại, nghĩa là mọi người đều tập trung nhìn vào đường đi, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy hiện tượng được mô tả là 'hình thành làn đường'. Ở đó, khi 2 nhóm gặp nhau trên làn đường, mọi người sẽ đi thẳng hàng với nhau và các hàng được sắp xếp rõ ràng. Điều này có nghĩa khi 2 nhóm gặp nhau thì họ sẽ đi theo hàng dọc, rất trật tự. Họ có xu hướng đi theo lối mà người dẫn đầu đã đi trước đó. Nó chứng minh được rằng khi không cầm điện thoại và thực sự chú ý đến con đường của mình, đám đông có xu hướng đi thẳng hàng, ngăn nắp, không lộn xộn.

Tuy nhiên, nếu 1 trong 2 nhóm có 3 người cầm điện thoại thì tất cả lại diễn ra theo chiều hướng khác. Khi đó, người đi đầu ở mỗi hàng sẽ không chú ý đường đi nữa. Họ sẽ cố gắng tránh người đối diện bằng cách rẽ trái hoặc phải. Những người ở sau sẽ đi theo người đầu tiên hoặc không nhưng chắc chắn là hàng lối sẽ không còn thẳng và ngay ngắn nữa bởi họ vẫn phải tránh người đi đầu ở phía đối diện. Lúc này, chắc chắn việc di chuyển sẽ lộn xộn hơn rất nhiều so với việc không có ai cầm điện thoại. Có thể nói, những người nhìn vào màn hình điện thoại khi đi trên đường khiến người phía sau bị chậm lại và giao thông cũng hỗn loạn hơn.

Nhà khoa học hành vi Mehdi Moussaid thuộc viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck cho rằng nghiên cứu kể trên 'đáng chú ý ở chỗ nó làm nổi bật vai trò quan trọng của một khía cạnh bị bỏ qua trước đây - sự chú ý của người đi đường với việc hình thành một khuôn mẫu tập thể'. Rõ ràng, một người dán mắt vào màn hình điện thoại sẽ gần như 'bị mù' trước sự phức tạp của đám đông. Moussaid nói: 'Ở quy mô của một cá nhân, ảnh hưởng của việc nhìn vào điện thoại khi đi đường là rất nhỏ. Tuy nhiên khi nhìn vào tập thể, hành vi này tạo ra sự xáo trộn đáng kể. Thật thú vị khi nhận thấy chỉ một vài cá nhân có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tập thể như thế nào'.

Nguyễn Dương Theo Wired

Chủ đề khác