VnReview
Hà Nội

Đi chân trần có an toàn và tốt cho sức khỏe không?

Các nhà khoa học cho rằng việc đi chân trần sẽ thực sự tốt cho sức khỏe và có thể tăng cường sức mạnh cho đôi chân nhưng nó không phải là không có rủi ro.

Không chỉ đôi giày cao gót với mũi nhọn mà kể cả những đôi giày tập thể dục - thứ được bán cho hoạt động thể chất cũng có thể khiến đôi chân của bạn khó chịu. Các chuyên gia cho rằng giày nói chung có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng, ổn định và sức mạnh của bàn chân. Miếng đệm của giày có thể trở thành một loại nạng, khiến bàn chân của bạn trở nên nhạy cảm hơn và mắt cá chân yếu đi.

Cũng vì điều này mà nhiều người thường cho rằng nên bỏ giày và đi chân trần để đôi bàn chân được khỏe mạnh. Tuy nhiên, hãy biết rằng đi chân trần không thực sự là một lựa chọn tốt nhất (ít nhất là không phải tốt cho tất cả mọi người). Thực hiện một lối sống không đi giày có thể tăng cường sức mạnh cho đôi chân nhưng nó không phải là không có rủi ro.

Tại sao nên dành nhiều thời gian hơn để đi chân trần

Khoa học đã chỉ ra rằng, dành thời gian để đi chân trần rất tốt cho đôi chân của bạn. Tiến sĩ Paul Langer, bác sĩ chuyên khoa khớp ở Twin Cities Orthopedics (Mỹ) cho biết: 'Đi chân trần cho phép bàn chân được duỗi ra tự nhiên hơn và buộc các cơ, khớp hoạt động nhiều hơn. Điều này sẽ giúp cho bàn chân khỏe mạnh, các ngón chân thẳng hàng, đẹp đẽ...'.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng hình thái bàn chân ở các nền văn hóa đi chân trần khác biệt so với các nền văn hóa đi giày. Một số chuyên gia còn cho rằng giày là 'bộ lọc' vì chúng lọc tín hiệu đầu vào của các giác quan từ bàn chân đến não.

Mặc dù tiến sĩ Langer cho biết ông chưa thấy bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh sự thay đổi lâu dài trong nhận thức do đi giày dép nhưng 'chắc chắn càng nhiều đồ giữa chân và mặt đất thì càng có ít cảm giác ở bàn chân, điều này làm thay đổi nhận thức'.

Nói cách khác, việc đi chân trần giúp gửi thông điệp mạnh mẽ hơn từ chân đến não, giúp cải thiện sự cân bằng và nhanh nhẹn theo thời gian.

Đồng thời, nếu bạn đi chân trần đủ lâu thì bàn chân sẽ tích tụ các vết chai sạn để bảo vệ những bước đi của bạn một cách tự nhiên. Điều này chẳng khác mấy so với việc đu giày.

Đi chân trần tập thể dục có an toàn không?

Câu trả lời là có nhưng không phải là không có rủi ro. Một số rủi ro phổ biến khi đi chân trần để tập thể dục bao gồm:

- Các ngón chân hoặc bàn chân có thể bị rách.

- Bàn chân có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm khi dẫm lên thứ gì đó sắc bén hoặc quá cứng.

Ngoài ra, nếu là người mới bắt đầu đi chân trần khi tập thể dục, bạn có thể phải đối mặt với rủi ro về sự thiếu cân bằng của cơ thể. Điều này bởi đôi chân đã quen với sự hỗ trợ của giày và khi chuyển sang không đi giày thì bạn có nguy cơ bị ngã hoặc trẹo mắt cá chân nhiều hơn.

Tập thể dục có an toàn không còn phụ thuộc vào loại bài tập và nơi bạn thực hiện. Ví dụ: nếu sống ở các thành phố lớn, khi tập thể dục tại các con phố bẩn thỉu, nhiều đồ quá cứng hoặc quá nhọn mà đi chân trần thì hậu quá khó lường. Ngược lại, khi đi chân trần mà tập thể dục ở bãi biển đầy cát thì là điều tốt. Tương tự như vậy, tập thể dục bằng chân trần phòng phòng gym là trải nghiệm khá khó chịu nhưng tập với tạ tại nhà mà không đi giày hoặc đồ bảo vệ chân thì là điều tốt.

Nếu muốn đi chân trần tập thể dục nhưng lo ngại những lý do kể trên thì hãy bắt đầu với những đôi giày cơ bản nhất. Những đôi giày ít hỗ trợ cho chân, rất mỏng cũng có thể giúp chúng ta đạt được sức mạnh của bàn chân.

Cách bắt đầu tập thể dục bằng chân trần

Tiến sĩ Langer cảnh báo không nên chuyển từ việc đi giày sang chân trần khi tập thể dục ngay lập tức. Nếu muốn bắt đầu tập luyện, hãy thử những điều đơn giản nhất trước đã. Bạn có thể đi bộ quanh nhà và sân bằng chân trần để rèn luyện đôi chân có cảm giác đi trên các bề mặt khác nhau. Trong lúc đó, hãy để ý kỹ những đồ vật có thể làm tổn thương đôi bàn chân của bạn.

Sau đó, hãy tập yoga và rèn luyện sức bền của cơ thể. Các bài tập này sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ có đồ vật nào đó rơi xuống chân của bạn.

Cuối cùng, sau khi đã quen cảm giác thì bạn mới có thể tự nỗ lực để đi bộ bằng chân trần ngoài trời. Đồng thời, nâng tạ khi đi chân trần cũng là trải nghiệm khá an toàn, miễn là phải đảm bảo chân tránh xa tạ.

Những rủi ro tiềm ẩm với lối sống đi chân trần

Mặc dù đi chân trần là có lợi cho sức khỏe nhưng lối sống này không phải là không có rủi ro. Giẫm phải những vật sắc nhọn là rủi ro lớn nhất khi chuyển từ việc đi giày sang đi chân trần một cách quá nhanh và cơ thể chưa thể thích ứng kịp.

Tiến sĩ Langer nói: 'Cũng như việc không thể từ ít vận động sang chạy năm ngày một tuần với cường độ cao, bạn không nên đi giày có đệm sang đi chân trần và tập thể dục ngay lập tức. Thay vào đó, hãy xây dựng kịch bản và để cơ thể thoải mái thích nghi với lối sống mới'.

Trong giai đoạn thích ứng của việc chuyển từ đi giày sang chân trần, bạn có thể bị đau nhức nghiêm trọng ở gót chân, mắt cá chân, bắp chân, đầu gối và thậm chí cả hông. Trong trường hợp xấu nhất, bạn có thể thực sự khiến dáng đi của mình trông thật tồi tệ nếu chuyển từ đi giày sang chân trần quá nhanh.

Nguyễn Dương (Theo Cnet)

Chủ đề khác