VnReview
Hà Nội

Cuối cùng chúng ta có thể biết nguyên nhân sao Hỏa không có nước

Hàng tỷ năm trước, nước đã xuất hiện trên bề mặt sao Hỏa, tạo nên nhiều ao hồ nhỏ và đại dương. Các nhà khoa học còn ví von rằng sao Hỏa là một bản sao hoàn hảo của Trái Đất cổ xưa, nhưng theo thời gian, lượng nước trên sao Hỏa dần biến mất một cách bí ẩn và để lại đó là một hành tinh khô cằn toàn đất đá.

Nhiều giả thiết đặt ra rằng nước trên sao Hỏa đã bốc hơi vào không gian và quá trình đó được gọi là thất thoát khỏi bầu khí quyển. Hàng tỷ năm trước, khi ánh sáng Mặt Trời chiếu vào sao Hỏa, nước trên bề mặt hành tinh đã được làm nóng và bốc hơi.

Tuy nhiên không giống như Trái Đất, gió đã thổi hơi nước xuống 2 cực sao Hỏa, nơi bức xạ tia cực tím phát ra từ Mặt Trời làm phân tách nước thành hydro và khiến chúng bốc hơi ra ngoài không gian. Thời gian cứ thế trôi qua, sao Hỏa dần trở mất toàn bộ nước.

Song, đó chỉ là giả thiết do nhiều người đặt ra mà không có bằng chứng xác thực cụ thể. Trên thực tế, nước trên sao Hỏa vẫn được giữ lại và nằm sâu bên trong các khoáng chất ở lớp vỏ hành tinh, theo một nghiên cứu mới nhất do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tài trợ công bố.

Thông qua bề mặt hành tinh, các nhà khoa học ước tính độ sâu đại dương trên sao Hỏa từ 100 – 1.500 m. Với lượng nước khổng lồ như thế, làm thế nào để tất cả chúng đều bốc hơi lên bầu khí quyển?

"Giả thiết nước thất thoát khỏi bầu khí quyền là chưa đủ cơ sở để dự đoán về lượng nước từng tồn tại trên sao Hỏa", bà Eva Scheller dẫn đầu nghiên cứu cho biết. Mô hình thử nghiệm của bà Scheller cho rằng có khoảng 30-99% lượng nước ban đầu trên sao Hỏa vẫn còn tồn tại bên trong các khoáng chất này.

Giới khoa học không đồng tình với giả thiết quá trình thất thoát khỏi bầu khí quyển đã lấy đi toàn bộ nước trên sao Hỏa. Dù vậy họ vẫn tin rằng quá trình này cũng góp phần vào việc giảm mực nước, cùng với việc nước thẩm thấu vào trong khoáng chất vỏ. Ước tính, sao Hỏa đã mất nước đến nay được 4 – 4,7 tỷ năm.

Trên Trái Đất, khi nước va chạm với đá sẽ gây nên hiện tượng phong hóa và tạo ra đất sét. Tuy nhiên với sao Hỏa, mọi chuyện hoàn toàn khác. Quá trình phong hóa không xảy ra do bên trong hành tinh không có bất kỳ hoạt động nào, dẫn đến hệ quả đá không giải phóng nước. Trong khi trên Trái Đất, quá trình kiến tạo mảng kết hợp cùng các hoạt động đã khiến cho đá được tái chế liên tục và sản sinh ra nước.

Tàu vũ trụ;Perseverance 

Do hành tinh đỏ sớm mất đi từ trường, bầu khí quyển dần dần tiêu biến và đây được cho là nguyên nhân khiến nước biến mất. Sử dụng dữ liệu quan sát từ các xe tự hành trên sao Hỏa cũng như thiên thạch thu thập được, nhóm nghiên cứu tập trung vào hydro, nguyên tố cơ bản của nước.

Michael Meyer, trưởng nhóm khoa học Chương trình Thám hiểm sao Hỏa của NASA cho biết: "Các vật liệu ngậm nước trên hành tinh của chúng ta đang được tái chế liên tục thông qua kiến ​​tạo mảng. Thông qua các phép đo từ nhiều tàu vũ trụ, chúng tôi có thể thấy sao Hỏa không thực hiện quy trình tái chế nên nước hiện đang bị giữ bên trong lớp vỏ và một phần bị thất thoát vào không gian".

Nhóm nghiên cứu của Scheller đã đưa ra nhiều mô hình khác nhau, dự kiến so sánh với các dữ liệu mà tàu vũ trụ Perseverance của NASA - vừa đáp xuống sao Hỏa vào tháng trước – sẽ thu thập được. Việc nghiên cứu về nước có thể giúp giới khoa học tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc của sự sống có thể từng tồn tại trên hành tinh này.

Ngọc Diệp theo Digital Trends

Chủ đề khác