VnReview
Hà Nội

Hai nghiên cứu khoa học mới nhất khẳng định sóng 5G an toàn cho sức khỏe

Trong thời gian qua, nhiều lời đồn về công nghệ 5G được lan truyền với tốc độ chóng mặt, trong đó phổ biến nhất có lẽ là về sự nguy hiểm của 5G. Tuy nhiên, hai nghiên cứu mới đây nhất được các nhà khoa học Úc công bố cho thấy những lời đồn này hoàn toàn sai sự thật. Cả hai nghiên cứu đều không tìm ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào cho thấy các loại năng lượng tần số vô tuyến được sử dụng trong công nghệ 5G gây hại cho sức khỏe con người.

5G là thế hệ kết nối không dây kế tiếp đang bắt đầu thương mại hóa. Công nghệ 5G có tốc độ truyền tải cao hơn và độ trễ thấp hơn so với LTE. Dù các kiểm nghiệm trên thực tế cũng đã khẳng định tính ưu việt của nó, nhưng sẽ mất vài năm nữa để công nghệ 5G có thể thực sự tác động đến các ngành công nghiệp khác như sản xuất ô tô tự lái.

Áp phích tuyên truyền tại Melborne, Úc (Ảnh: William West/AFP)

Tuy vậy, khả năng tiên tiến của 5G không thể ngăn việc xuất hiện những lời đồn cho rằng 5G sẽ chỉ làm gia tăng mức độ nguy hại của những công nghệ không dây mà con người đang sử dụng. Thực tế cho thấy, không có bằng chứng nào đủ mạnh mẽ để khẳng định rằng điện thoại di động của chúng ta ngày nay đang gây hại cho sức khỏe. Tuy vậy, các nhà khoa học vẫn đang theo dõi chặt chẽ vấn đề này. Cụ thể, đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm và trên động vật để xác định mức năng lượng tần số vô tuyến nào sẽ có thể gây tác động đến cơ thể, trong đó bao gồm cả tần số được sử dụng trong mạng 5G.

Hai bài báo cáo nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Cơ quan Bảo vệ bức xạ và An toàn hạt nhân Úc (ARPANSA) và Đại học Công nghệ Swinburne (Úc). Cả hai báo cáo đều được công bố vào đầu tuần này trên Tạp chí Exposure Science and Environmental Epidemiology, và đều được xem là hai công trình đầu tiên tập trung nghiên cứu vào công nghệ 5G.

Bên cạnh các thí nghiệm trên động vật và trong phòng thí nghiệm, báo cáo của ARPANSA còn phân tích các nghiên cứu dịch tễ học của radar, sử dụng cùng một loại tần số vô tuyến (trường năng lượng ở mức thấp, từ 6 đến 300 GHz) mà sóng 5G sử dụng. Dựa trên dữ liệu từ hơn 100 nghiên cứu khác nhau, nhóm nghiên cứu kết luận chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm về 5G.

"Tóm lại, việc phân tích tất cả các công trình nghiên cứu không tìm ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sóng vô tuyến tần số thấp, tương tự sóng 5G, gây hại cho sức khỏe con người", Ken Karipidis, trợ lý giám đốc đánh giá và tư vấn tại ARPANSA, cho biết trong một tuyên bố do cơ quan này ban hành.

Báo cáo của Đại học Công nghệ Swinburne tập trung nghiên cứu về năng lượng tần số vô tuyến trên băng tần mili-mét (MMW), cũng là băng tần sóng 5G sử dụng. Nghiên cứu này cũng không tìm thấy mối liên hệ giữa việc phơi nhiễm sóng MMW năng lượng thấp với các vấn đề sức khỏe. Theo các nhà nghiên cứu, điều cả hai nghiên cứu đều phát hiện là những bằng chứng cho thấy điện thoại di động ngày nay và trong tương lai gần sẽ phát ra mức năng lượng vô tuyến thấp hơn nhiều so với ngưỡng an toàn được chấp thuận trên toàn thế giới do Ủy ban quốc tế về Đảm bảo an toàn Bức xạ phi ion hóa (ICNIRP) quy định.

Một số nghiên cứu cũ hơn có tìm thấy một số tác động về mặt sinh học khi phơi nhiễm loại tần số vô tuyến này. Tuy nhiên, điều quan trọng là những nghiên cứu này không được lặp lại thí nghiệm tương tự bởi các công trình khác. Nhìn chung, Karipidis và nhóm của ông kết luận rằng hầu hết các nghiên cứu họ xem xét đều có chất lượng thấp.

Tuy vậy, hai nghiên cứu trên không phải là nghiên cứu cuối cùng về tính an toàn của 5G nói riêng và bức xạ từ điện thoại di động nói chung. Các nhà nghiên cứu hy vọng công trình của họ sẽ giúp củng cố thêm cho những nghiên cứu đang được triển khai về vấn đề này.

"Chúng tôi khuyến cáo các nghiên cứu trong tương lai nên cải thiện thiết kế thí nghiệm, đặc biết chú ý đến đo mức năng lượng và kiểm soát nhiệt độ , cũng như các nghiên cứu về dịch tễ học trong tương lai sẽ tiếp tục theo dõi tác động lâu dài đến sức khỏe của người dân liên quan đến đường truyền viễn thông không dây", Karipidis cho biết.

Minh Bảo (Tham khảo Gizmodo)

Chủ đề khác