VnReview
Hà Nội

Tại sao Mặt trời không phải là một phần nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu ngày nay?

Nhiều người từng nghĩ rằng, Mặt trời cũng đóng góp phần nào vào việc gây ra biến đổi khí hậu hiện nay. Nhưng thực tế có thể không như nhiều người nghĩ.

Đúng vậy, mặt trời là một nhân tố vô cùng quan trọng trong khí hậu Trái đất. Nó sẽ luôn như vậy. Nhưng các nhà khoa học, giống như những người ở NASA, biết mặt trời không gây ra sự gia tăng nhanh chóng hiện nay của nhiệt độ toàn cầu. Đây là lý do tại sao:

1. Năng lượng Mặt trời tác động thế nào đến Trái Đất?

Khoảng 26.000 trạm thời tiết toàn cầu, ngoài các quan sát được thực hiện bởi tàu, phao và vệ tinh đang ghi nhận tình trạng nhiệt độ Trái đất tiếp tục tăng, bao gồm cả sự ấm lên nhanh chóng trong bốn thập kỷ qua. Thập kỷ trước cũng là thập kỷ ấm áp nhất được ghi nhận.

Nhưng trong khoảng bốn thập kỷ qua, bức xạ Mặt trời, hay sản lượng năng lượng của Mặt trời không thay đổi nhiều và nó được đo bằng vệ tinh. Trên thực tế, nó còn giảm đi một chút. Đây là câu trả lời cho những ai vẫn đang tranh cãi hoạt động gần đây của Mặt trời hoặc năng lượng Mặt trời là nguyên nhân dẫn đến khí hậu nóng lên hiện nay.

Peter Jacobs, một nhà khoa học khí hậu làm việc trong trung tâm vũ Goddard của NASA giải thích: "Bạn không thể giảm lượng năng lượng bạn nhận được từ Mặt trời và sau đó mong đợi nó làm nóng Trái đất. Đó là một vi phạm cơ bản các nguyên tắc vật lý".

Mặt trời may mắn thay là một ngôi sao cực kỳ ổn định. Nó vẫn có sự thay đổi tự nhiên về công suất nhưng chúng thực sự nhỏ. Ví dụ có khoảng 11 năm hoạt động được gọi là chu kỳ mặt trời. Khi đó, hoạt động của Mặt trời tăng lên và sau đó giảm xuống. Geoff Reeves, nhà nghiên cứu thời tiết không gian tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos giải thích, thay đổi về công suất chỉ khoảng 0,1%. Reeves cho biết: "Mặt trời có những thay đổi nhỏ về lượng ánh sáng và nhiệt lượng tỏa ra và lưu ý rằng, hai chu kỳ Mặt trời gần nhất có công suất dưới mức trung bình".

Biểu đồ cho thấy mức độ bức xạ Mặt Trời không hẳn là nguyên nhân chính khiến mức nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên. Nguồn NASA

Nếu nhìn vào một khoảng thời gian dài hơn, công suất của Mặt trời cũng có sự thay đổi tương đối nhỏ, chẳng hạn như "sự ấm lên tương đối nhẹ từ Mặt trời" được NASA ghi nhận từ khoảng năm 1750 nhưng gần như không đủ để trở thành yếu tố đóng góp vào tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong lịch sử, Trái đất cũng đã trải qua các thời kỳ lạnh hơn như "Kỷ băng hà nhỏ", phần lớn ảnh hưởng đến Châu Âu và Bắc bán cầu trong khoảng từ năm 1300 đến 1850.

Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng kỷ băng hà này rất có thể là do núi lửa hoạt động trở lại và các yếu tố môi trường khác không liên quan đến các biến động lớn trong hoạt động của Mặt trời. Những thay đổi tự nhiên lớn về khí hậu như kỷ băng hà, thường là do những biến đổi tương đối nhỏ trong quỹ đạo Trái đất.

Theo các nhà khoa học tại các cơ quan nghiên cứu và nhiều trường đại học hàng đầu tại Mỹ, nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu hiện tại là sự thay đổi bầu khí quyển của hành tinh. Một số loại khí trong khí quyển là nguyên nhân chính làm giữ nhiệt và không cho phép nhiệt thoát ra ngoài Trái đất, đó là carbon dioxide (CO2) và me-tan (CH4) đang tăng lên do hậu quả của việc đốt nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động khác của con người.

Reeves nhấn mạnh: "Có những thay đổi lớn trong bầu không khí của chúng ta. Đó là một lời giải thích đơn giản và dễ hiểu mà vật lý có thể giải thích". Trái đất hiện đang phản ứng với mức CO2 cao nhất trong ít nhất 800.000 năm qua nhưng nhiều khả năng là hàng triệu năm qua.

2. Tầng bình lưu đang dần lạnh đi vì thay đổi khí hậu

Hơn 50 năm trước, các nhà khoa học khí quyển đã dự đoán khi lượng CO2 tăng lên ở tầng khí quyển thấp nhất và Trái đất ấm lên, tầng bình lưu sẽ nguội đi. Họ đã đúng.

Tầng bình lưu nằm cách mặt đất khoảng 16-48km hiện đang dần nguội đi, chủ yếu do sự tích lũy CO2 và nhiệt lượng ở lớp khí quyển thấp hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không có nhiều năng lượng có thể di chuyển tiếp lên tầng bình lưu.

Jacobs giải thích: "Nhiệt độ của tầng bình lưu được xác định bởi sự khác biệt giữa lượng năng lượng nó phát ra và lượng nó nhận được. Do đó, tầng bình lưu đang dần lạnh đi. Điều này đã được dự đoán trước khi nó được quan sát".

Ngược lại nếu năng lượng Mặt trời tăng lên là nguyên nhân làm tăng nhiệt độ toàn cầu, tất cả bầu khí quyển sẽ phải nóng lên vì lượng nhiệt Mặt trời tăng thêm sẽ bao phủ toàn hành tinh chứ không chỉ tầng khí quyển thấp hơn, nơi đang lưu giữ khí nhà kính.

Nhà khoa học Reeves đến từ phòng thí nghiệmLos Alamos cho biết: "Chúng tôi biết CO2 đã thay đổi rất nhiều kể từ cuộc cách mạng công nghiệp và chúng tôi biết sản lượng năng lượng từ Mặt trời thì không. Điều này là cơ sở để khẳng định không có chuyện Mặt trời là nguyên nhân gây ra sự nóng lên toàn cầu".

Biến đổi khí hậu ngày nay đang diễn ra nhanh chóng hơn so với những thay đổi khí hậu trước đây. Nó giống như sự ấm lên sau kỷ băng hà. NASA nhấn mạnh: "Bằng chứng cổ xưa hay còn gọi là cổ sinh vật cho thấy sự nóng lên hiện tại đang diễn ra nhanh hơn khoảng 10 lần so với tốc độ trung bình của quá trình phục hồi sau thời kỳ băng hà. Lượng CO2 từ hoạt động của con người đang tăng nhanh hơn 250 lần so với từ các nguồn tự nhiên sau kỷ băng hà cuối cùng".

Như vậy có thể kết luận, các loại khí nhà kính do con người tạo ra chứ không phải Mặt trời đang thúc đẩy những thay đổi này.

Mai Huyền

Chủ đề khác