VnReview
Hà Nội

Hoạt động khai thác Bitcoin ồ ạt có thể phá vỡ mục tiêu hạn chế khí thải carbon của Trung Quốc

Một nghiên cứu mới đây trên tạp chí Nature cho biết các mỏ đào Bitcoin ở Trung Quốc chiếm gần 80% giao dịch tiền điện tử trên toàn cầu và đang có nguy cơ ngăn chặn mục tiêu khí hậu của quốc gia tỷ dân.

Bitcoin và nhiều loại tiền điện tử khác dựa trên công nghệ blockchain được xem như nguồn tài nguyên mới của nhân loại với giá trị quy đổi ra tiền mặt rất lớn hiện nay. Tuy vậy, để có được từng đồng Bitcoin, các mạng lưới máy tính cá nhân công suất lớn – hay còn được gọi là máy đào tiền ảo phải tiêu tốn lượng lớn điện năng và thải ra môi trường không ít khí CO2 gây ra hiệu ứng nhà kính.

Nghiên cứu cho biết khoảng 40% các mỏ đào Bitcoin ở Trung Quốc lấy năng lượng từ nhà máy nhiệt điện, trong khi phần còn lại sử dụng năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, công suất hoạt động của các nhà máy điện quá lớn có thể khiến cam kết của Bắc Kinh về mức khí thải carcbon bị phá vỡ, đạt mức cao nhất trước năm 2030 và đạt mốc trung hòa carbon vào năm 2060.

Nếu không được kiểm soát và quản lý chặt chẽ, hoạt động đào Bitcoin ở Trung Quốc sẽ thải ra 130,5 triệu tấn khí thải nhà kính vào năm 2024 – ngang bằng với mức khí thải hàng năm của Ý hoặc Ả Rập Xê-út, quốc gia chuyên khai thác dầu mỏ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng với mức tính như thế, Bitcoin có thể trở thành một trong số 10 tác nhân gây ô nhiễm CO2 hàng đầu tại 182 thành phố cấp tỉnh của Trung Quốc và 42 ngành công nghiệp chính.

Nghiên cứu cho biết vì giá điện ở Trung Quốc tương đối rẻ cùng với nguồn cung phần cứng dồi dào, các cá nhân, tổ chức khai thác có thể thoải mái hơn trong việc đào Bitcoin. Kết quả là trữ lượng đào tiền ảo ở Trung Quốc đã xử lý 78,89% hoạt động blockchain trên toàn cầu tính đến tháng 4/2020.

"Hoạt động đào Bitcoin ở Trung Quốc có thể nhanh chóng phát triển như một mối đe dọa làm suy yếu nỗ lực giảm phát thải khí carbon", đồng tác giả báo cáo Wang Shouyang từ Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết.

Ông nhận định chính phủ nên tập trung vào việc nâng cấp mạng lưới điện để đảm bảo nguồn cung ổn định từ năng lượng tái tạo. "Vì giá điện ở các khu vực năng lượng xanh của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với năng lượng điện hóa thạch nên các công ty khai thác Bitcoin sẽ có nhiều động lực chuyển đến vùng có năng lượng sạch phát triển".

Xếp hạng các quốc tiêu thụ điện toàn cầu, trong đó Bitcoin xếp sau Na Uy

Năm 2021, ngành khai thác tiền điện tử dự kiến sử dụng 0,6% tổng sản lượng điện của thế giới, hoặc nhiều hơn mức tiêu thụ năng lượng hàng năm của Na Uy, theo Chỉ số tiêu thụ điện Bitcoin của Đại học Cambridge.

Giá Bitcoin đã tăng gấp 5 lần trong năm qua, đạt mức cao kỷ lục hơn 61.000 USD vào tháng 3 và hiện đang dao động ngay dưới mốc 60.000 USD. Với lợi nhuận có được, Wang cho biết việc áp thuế khí thải carbon không đủ sức ngăn cản các thợ đào tiền ảo.

Vào năm 2019, Trung Quốc đã cấm các giao dịch tiền điện tử để phòng tránh hành vi rửa tiện, song việc khai thác vẫn được cho phép. Các khu vực giàu than đá đang phải xoay sở hạn chế khí thải khi nhiều công ty khai thác Bitcoin đẩy mạnh hoạt động. Tháng 3 vừa qua, Nội Mông đã công bố kế hoạch chấm dứt tình trạng đào tiền ảo vào cuối tháng 4 sau khi khu vực này không đạt được thỏa thuận tiêu thụ năng lượng hàng năm.

Khu vực này chiếm 8% sức mạnh xử lý để vận hành chuỗi blockchain toàn cầu khi tập trung lượng lớn máy đào. Con số này thậm chí còn nhiều hơn cả năng lực xử lý tính toán blockchain tại Mỹ. Bitmain, công ty điều hành và quản lý một trong những nhóm khai thác tiền điện tử lớn nhất toàn cầu, cho biết sẽ chuyển hoạt động ở Nội Mông sang các khu vực khác có nhiều tài nguyên thủy điện hơn, điển hình như Vân Nam.

Ngọc Diệp theo The Guardian

https://www.theguardian.com/technology/2021/apr/07/china-bitcoin-mining-climate-targets-nature-study

 

 

Chủ đề khác