VnReview
Hà Nội

Phát hiện 'Thành phố vàng' 3.000 năm tuổi ở Ai Cập

Theo;Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập, các nhà khảo cổ học gần đây đã phát hiện một "Thành phố vàng đã mất" (Lost Golden City) đã bị chôn vùi 3.000 năm nay ngay dưới thủ đô Luxor của Ai Cập cổ đại.

Trong lịch sử, thành phố này được biết đến với tên gọi là "Sự trỗi dậy của Aten" (The Rise of Aten), được thành lập bởi vua Amenhotep III (trị vì từ 1391-1353 TCN), ông của vua Tutankhamun (hay vua Tut). Cụm từ "Thành phố Vàng" tiếp tục được sử dụng trong thời kỳ đồng nhiếp chính của vua Amenhotep III với con trai ông - Amenhotep IV (người sau này đã đổi tên thành Akhenaten) và cả trong hai đời vua kế tiếp.

Các tài liệu lịch sử cho biết đây từng là nơi xây dựng ba cung điện hoàng gia của Vua Amenhotep III và là khu định cư hành chính và công nghiệp lớn nhất ở Luxor vào thời điểm đó. Cho đến nay, những di tích ở nơi đây vẫn còn là ẩn số lớn đối với các nhà khảo cổ học.

Nhà khỏa cổ Zahi Hawass người dẫn đầu cuộc khai quật Thành phố Vàng và là cựu bộ trưởng nhà nước về các vấn đề cổ vật, cho biết: "Đã từng có nhiều phái bộ nước ngoài tìm kiếm thành phố này và thất bại ".

Nhóm của ông bắt đầu tìm kiếm vào năm 2020 với hy vọng tìm thấy lăng mộ của Vua Tut. Họ đã chọn tìm kiếm trong khu vực này "bởi vì các lăng mộ của cả Horemheb và Ay đều được tìm thấy trong khu vực này," ông Hawass chia sẻ. (Horemheb là pharaon cuối cùng của của Ai cập cổ đại thuộc Vương triều thứ 18, trị vì từ khoảng năm 1319 đến năm 1292 TCN; Ay là pharaon kế nhiệm Vua Tut)

Họ đã rất ngạc nhiên khi phát hiện những viên gạch bùn ở khắp mọi nơi mà họ đào. Nhóm nghiên cứu nhanh chóng nhận ra rằng họ đã khai quật được một thành phố lớn đang ở trong tình trạng tương đối tốt. Ông Hawass miêu tả: "Các con đường của thành phố được bao quanh bởi những ngôi nhà, trong đó có những bức tường cao tới 10 feet (3 mét). Những ngôi nhà này có những căn phòng chứa đầy nhẫn và công cụ mà người Ai Cập cổ đại sử dụng trong cuộc sống hàng ngày".

Betsy Brian, giáo sư tại Đại học John Hopkins cho biết: "Đây là khám phá khảo cổ quan trọng thứ hai, chỉ đứng sau lăng mộ Tutankhamun" (xảy ra vào năm 1922), "cho chúng ta cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống của người Ai Cập cổ đại vào thời kỳ hưng thịnh nhất của đế chế ". Không những thế, khám phá này còn "giúp chúng ta làm sáng tỏ một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử: Tại sao vua Akhenaten và Nữ hoàng Nefertiti quyết định chuyển đến Amarna? ".

(Một vài năm sau khi Akhenaten bắt đầu trị vì vào đầu những năm 1350 trước Công nguyên, Thành phố Vàng bị bỏ hoang và thủ đô của Ai Cập được chuyển đến Amarna).

Kể từ khi nhóm nghiên cứu phát hiện ra Thành phố đã mất, họ đã bắt đầu tìm kiếm những cổ vật có in dấu "cartouche" của vua Amenhotep III, một hình bầu dục khắc tên và tước hiệu của vị vua này bằng chữ tượng hình. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy dấu cartouche này ở khắp nơi: trên bình đựng rượu, nhẫn, mảnh vỡ, đồ gốm màu và gạch bùn. Điều này khẳng định rằng thành phố đã hoạt động dưới thời trị vì của Amenhotep III, vị vua thứ 9 của Vương triều thứ 18.

Cartouche của vua Amenhotep III được tìm thấy trên các cổ vật

Sau bảy tháng khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một số khu vực lân cận. Ở khu vực phía Nam của thành phố, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy tàn tích của một tiệm bánh có khu vực nấu nướng và chuẩn bị thực phẩm chứa đầy lò nướng và các thùng chứa bằng gốm. Nhà bếp này có khả năng phục vụ một lượng lớn khách hàng.

Trong một khu vực khác vẫn chưa được khai quật hết, các nhà khảo cổ tìm thấy một khu hành chính và dân cư có các đơn vị lớn hơn, được sắp xếp gọn gàng. Bao quanh khu vực này là một hàng rào ngoằn ngoèo - kiểu thiết kế được sử dụng vào cuối Vương triều 18, chỉ có một điểm tiếp cận dẫn đến các khu dân cư và hành lang nội bộ. Lối vào duy nhất này được coi là một biện pháp an ninh, cho phép người Ai Cập cổ đại kiểm soát những ai ra vào khu vực này.

Các nhà khảo cổ còn tìm thấy một khu vực sản xuất gạch bùn, được sử dụng để xây dựng đền thờ và các khu phụ. Theo nhóm nghiên cứu, những viên gạch này có dấu cartouche của Vua Amenhotep III.

Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy hàng chục khuôn đúc được sử dụng để làm bùa hộ mệnh và các vật dụng trang trí - bằng chứng cho thấy thành phố có một dây chuyền sản xuất bài bản chuyên làm đồ trang trí cho các ngôi đền và lăng mộ.

Trên khắp thành phố, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các công cụ liên quan đến các hoạt động công nghiệp, bao gồm kéo sợi và dệt vải. Họ cũng khai quật kim loại và xỉ làm thủy tinh, nhưng họ vẫn chưa tìm ra xưởng sản xuất những vật liệu này.

Một số khu vực chôn cất cũng được tìm thấy. Trong đó, có một bộ xương của một con bò được chôn một cách khá kỳ lạ và ngôi mộ của một người trong tư thế dang tay với một sợi dây quấn quanh đầu gối. Các nhà nghiên cứu vẫn đang phân tích những ngôi mộ này để xác định hoàn cảnh và ý nghĩa đằng sau chúng.

Bộ xương của một con bò được chôn cất đã được tìm thấy trong Thành phố vàng

Gần đây nhất, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một chiếc nồi chứa khoảng 10 kg thịt, có khắc một dòng chữ: Năm 37, khoác thịt trên người cho lễ hội Heb Sed lần thứ ba từ lò mổ của bãi chăn gia súc của Kha do người hàng thịt luwy làm.

"Thông tin quý giá này cho chúng tôi biết tên của hai người đã sống và làm việc trong thành phố , đồng thời xác nhận rằng thành phố đã hoạt động và thời gian vua Amenhotep III đồng nhiếp chính với con trai mình là Akhenaten", các nhà khảo cổ chia sẻ. Hơn nữa, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một con dấu bùn có ghi "gm pa Aton" - một cụm từ được dịch là "lãnh địa của Aten chói lọi" - tên của một ngôi đền ở Karnak do Vua Akhenaten xây dựng.

Theo các tài liệu lịch sử, một năm sau khi chiếc nồi này được chế tác, kinh đô đã được chuyển đến thành phố Amarna. Vua Akhenaten, người đã ra lệnh cho thần dân của mình chỉ tôn thờ duy nhất thần mặt trời Aten, đã kêu gọi hành động này. Nhưng các nhà Ai Cập học vẫn thắc mắc tại sao ông lại dời đô và liệu Thành phố Vàng có thực sự bị bỏ hoang vào thời điểm đó hay không.

Các cuộc khai quật tiếp theo có thể tiết lộ lịch sử đầy biến động của thành phố. Ông Hawass cho biết: "Vẫn còn rất nhiều thứ cần khám phá, thành phố mở rộng về phía tây, đến tận Deir el-Medina" - một ngôi làng công nhân cổ đại, nơi sinh sống của những người thợ thủ công và nghệ nhân đã xây dựng các lăng mộ ở Thung lũng các vị vua và Thung lũng các Nữ hoàng.

Hơn nữa, ở phía bắc, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một nghĩa trang lớn vẫn chưa được khai quật hoàn toàn. Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một nhóm các ngôi mộ đá chỉ có thể đến gần bằng các bậc thang được chạm khắc vào đá - một đặc điểm cũng được tìm thấy ở Thung lũng các vị vua và Thung lũng của các quý tộc.

Trong những tháng tới, các nhà khảo cổ có kế hoạch khai quật những ngôi mộ này để tìm hiểu thêm về con người và kho báu được chôn cất tại đây.

Yen Kim (Theo Live Science)

Chủ đề khác