VnReview
Hà Nội

Trang trại ở Anh trở thành thiên đường đa dạng sinh học nhờ để động vật tự chủ

Trong suốt mùa xuân và mùa hè, tiếng chim hót không ngơi trên trang trại Knepp Estate quả là một bản giao hưởng tuyệt vời của thiên nhiên. Đi qua khu đất rộng khoảng 1.400 ha vùng Tây Sussex miền Nam nước Anh, bạn sẽ không thể tin được bụi rậm và đồng cỏ gồ ghề trước đây từng là những cánh đồng canh tác thẳng tắp.

Khu đất này và tòa lâu đài từ thế kỷ thứ 19 nằm trên nó thuộc về gia đình Burrell 200 năm qua. Ông Charlie Burrell;đã nhận thừa kế mảnh đất này khi chỉ mới 21 tuổi.

"Tôi tốt nghiệp đại học ngành nông nghiệp với sự đam mệ cháy bỏng về canh tác nông nghiệp... Chúng tôi được dạy rằng trồng trọt theo cách truyền thống có thể hiệu nghiệm", ông nói.

Nhưng đến cuối thập niên 90 thế kỷ 20, năng suất sụt giảm và chi phí thì ngày càng tăng, trang trại của ông phải đối mặt với hàng loạt vấn đề tài chính.

Hai vợ chồng Charlie Burrell và Isabella Tree là chủ nhân của trang trại Knepp (Ảnh: CNN)

Burrell nhận ra rằng trang trại của ông "là một vùng đất nông nghiệp nghèo nàn" và sẽ không bao giờ có sản lượng cao.

"Tôi nảy ra ý tưởng khi vừa có ý định từ bỏ, vì lúc đó chúng tôi thật sự bắt đầu tốn quá nhiều tiền", Burrell nhớ lại. "Tôi cần thay đổi và phải thay đổi thật nhanh".

Burrell và vợ của ông là Isabella Tree quyết định chuyển sang giải pháp thuần tự nhiên và đến năm 2001, họ đã "tái hoang dã hóa" khu đất của mình. Kneep hiện tại là khu vực có sự đa dạng sinh học đáng kinh ngạc và trở thành một trong những câu chuyện nổi tiếng về sự thành công trong bảo tồn sinh học với khả năng thu hút nhiều loài động vật quý hiếm và biến khu đất này từ những cánh đồng thành một vùng đất hoang dã.

"Chúng tôi đã sống trong một khu vực hạn hẹp về mặt sinh học", bà Tree cho biết. "Giờ đây, các nhà sinh thái học luôn bị bất ngờ trước những con số của sự sống tại đây".

Knepp trước đây là một trang trại rộng lớn với những cánh đồng canh tác (Ảnh: CNN)

"Tên lửa đẩy" cho đa dạng sinh học

Là một phong trào tiên phong bởi các nhà bảo tồn sinh học tại Mỹ và Hà Lan, tái hoang dã hóa là phương pháp phục hồi hệ sinh thái về trạng thái tự nhiên và thường liên quan đến tái tạo quần thể các loài động vật bản địa. Một ví dụ điển hình là chương trình tái tạo đàn sói tại công viên Yellorstone ở Mỹ năm 1995. Sự kiện này đã có tác động to lớn đến toàn hộ hệ sinh thái tại đây, thúc đẩy sự phát triển quần thể hải ly và thảm thực vật.

Thay vì tái tạo đàn sói, Knepp tái tạo quần thể gồm lợn Tamworth, ngựa Exmoor, bò đỏ sừng dài, nai và hươu hoang dã. Đây là những loài tương tự với các loài động vật có vú lớn có mặt khắp châu Âu thời tiền sử. Hàng rào được dỡ bỏ khỏi khu đất để các loài động vật có thể tự do đi lại, đi qua các thảm thực vật, tìm thức ăn trong bụi rậm và phân tán hạt giống cũng như chất dinh dưỡng qua phân và lông, từ đó giúp cây cối phát triển và ra tạo môi trường sống mới.

Các cánh đồng của Knepp đã biến thành một môi trường sống đầy ắp động vật hoang dã (Ảnh: CNN)

Quá trình này đã tạo ra điều mà Burrell gọi là "kính vạn cảnh" – thứ luôn luôn biến đổi và là "tên lửa đẩy" cho sự đa dạng sinh học. Hiện tại, khu đất này có tất cả 5 loài cú ở Anh và 13/18 loài dơi, trong đó có 2 loài quý hiếm là - Bechstein's và Barbastelles. Loài bướm hiếm gặp là bướm hoàng đế tím đã đến sống trong những cây cẩm quỳ (một loại liễu) phát triển mạnh trong khu đất.

Một số loài chim quý hiếm, gồm chim ưng Peregrine, chim sơn ca và cu gáy châu Âu, cũng đã đổ xô đến sinh sống tại Knepp.

"Chúng ta có 120 nghìn cặp cu gáy châu Âu (tại Anh) khi tôi lớn lên", Tree cho biết. Con số đó đã giảm đến 98%. "Có thể chúng ta chỉ còn vài khu vực tại Anh có số lượng cá thể loài này còn tăng trưởng".

Mùa hè này, đàn cò trắng con được ấp tại Knepp cũng là một phần trong chương trình tái tạo quần thể. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ loài chim này mới được sinh sản tại Anh.

Tree cho rằng có thể đã quá muộn để cứu loài cu gáy ở Anh, nhưng sự thành công của Knepp có thể mang lại hy vọng cho những loài động vật khác.

"Nó cho thấy tiềm năng của loại hình này trong việc đảo ngược xu hướng suy giảm nghiêm trọng", bà cho biết. Nếu loại hình bảo tồn này được nhân rộng "với quy mô đủ lớn và đủ nhanh, thì chúng ta sẽ có thể cứu sống ít nhất một vài loài động vật khỏi nguy cơ tuyệt chủng".

Knepp thu hút rất nhiều loài chim quý hiếm, trong đó có cò trắng (Ảnh: CNN)

Nguồn doanh thu mới

Kể từ khi tái hoang dã hóa trang trại của mình, Burrell và Tree đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận hành trang trại. Trong khi đó, nguồn doanh thu mới đã giúp xoay chuyển tình hình tài chính của gia đình.

Để tránh tình trạng phát triển quá mức, số lượng các loài động vật lớn cần được kiểm soát, từ đó cung cấp nguồn sản phẩm thịt hữu cơ ổn định, hầu hết được bán trực tiếp cho khách hàng ở London.

Ngoài ra, dịch vụ lưu trú cũng thu hút khách đến trải nghiệm trong các túp lều ấm cúng, những căn chòi hay nhà trên cây được xây dựng rải rác khắp các cánh đồng đầy hoa và dưới những tán cây lớn tại Knepp.

Trang trại Knepp cũng có các dịch vụ như tổ chức workshop về chương trình tái hoang dã hóa, nhiếp ảnh và hướng dẫn viên cho các tour khám phá từ đó giúp du khách tìm hiểu thêm về cuộc sống hoang dã cũng như mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Burrell hy vọng rằng Knepp sẽ truyền cảm hứng cho những chủ đất khác cân nhắc đến cách tiếp cận này, một cách thân thiện với tự nhiên hơn. Hiện chi phí vận hành Knepp cũng được một số quỹ của Chính phủ tài trợ.

Tái hoang dã hóa là sự lựa chọn khả thi cho nông dân?

Công nghiệp hóa nông nghiệp là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng suy kiệt đa dạng sinh học trên toàn cầu. Nhưng liệu tái hoang dã hóa có phải là giải pháp phù hợp?

Ian Boyd, nguyên cố vấn khoa học của Chính phủ Anh, cho biết số đất canh tác sản lượng thấp tại Anh chỉ chiếm 20% sản lượng thực phẩm của nước này.

Boyd giải thích rằng có thể ứng dụng với những khu đất năng suất thấp để tạo hiệu ứng mạnh mẽ hơn cho quá trình phục hồi đa dạng sinh học, giảm khí nhà kính và tái phát triển. Và tái hoang dã hóa là một trong số những giải pháp hiện có.

Bò sừng dài Anh đang uống nước từ một kênh nhỏ tại Knepp (Ảnh: CNN)

Alistair Driver, giám đốc tổ chức từ thiện Rewilding Britain của Anh, cũng đồng ý rằng tái hoang dã hóa có thể là một giải pháp giá trị đối với những khu đất nông nghiệp năng suất thấp.

"Nông dân sẽ không bỏ cuộc hay nghĩ rằng họ sẽ bỏ cuộc, những vùng canh tác năng suất cao được tạo ra là vì lý do này", ông nói.

Rewilding Britain đã kêu gọi tái hoang dã hóa 5% diện tích nước Anh đến năm 2100, trong đó 30% diện tích tập trung vào công tác bảo tồn, số còn lại được ứng dụng các biện pháp canh tác thân thiện với môi trường và tạo hành lang kết nối các quần thể động vật hoang dã.

Driver cho rằng tái hoang dã hóa không làm tổn hại đến chuỗi cung ứng thực phẩm. "Chúng ta bỏ phí 40% lượng thực phẩm sản xuất ra", ông dẫn chứng, và cho biết thêm rằng việc giảm thiểu lượng thực phẩm hoang phí sẽ giúp giải quyết các vấn đề tiềm ẩn về an ninh lương thực. Boyd cho biết những công nghệ mới, như canh tác theo chiều dọc, có thể giúp bù đắp lượng thiếu hụt trong sản xuất thực phẩm.

Knepp thu hút toàn bộ 5 loại cú ở Anh đến sống tại đây (Ảnh: CNN)

Liên minh Nông dân Quốc gia đã phản đối ý tưởng tái hoang dã hóa trên quy mô lớn và cho rằng nó phi thực tế cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Nhưng họ cũng nhận định có thể tích hợp một số kỹ thuật tái hoang dã hóa vào canh tác truyền thống.

Burrell cho rằng một cuộc cải cách nông nghiệp đang đến gần. "Đã có một bước chuyển lớn tại Anh, nơi những người nông dân như chúng tôi đang cùng nhau thực hiện như một nhóm hướng đến thiên nhiên và được tài trợ bởi chính phủ". Ông cho rằng hy vọng này sẽ thúc đẩy nền nông nghiệp quay lưng với những hệ thống đang làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Ý tưởng được nảy ra khi cùng cực nhất, tái hoang dã hóa đã trở thành hành trình đáng trân trọng của cặp đôi này, đồng thời nó cũng tác động sâu sắc đến suy nghĩ của họ. "Chúng tôi biết sẽ thật tốt nếu có thể mang lại sự đa dạng sinh học dù chỉ ở mức độ sơ khai mà thôi. Khi đó, chúng tôi không thật sự hiểu rằng nó sẽ tác động đến cuộc sống, cũng như cảm nhận của chúng tôi như thế nào", Tree chia sẻ.

Minh Bảo theo CNN

Chủ đề khác