VnReview
Hà Nội

Vì sao Trung Quốc và Nga muốn xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng?

Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos và Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) gần đây đã nhất trí thiết lập các tiền đồn trên Mặt Trăng và trên quỹ đạo xung quanh Mặt Trăng. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Nga chuẩn bị kỷ niệm 60 năm "Đêm Yuri" - sự kiện khởi đầu kỷ nguyên con người bay vào vũ trụ.

Roscosmos được thành lập vào năm 1991 với cơ sở từ chương trình vũ trụ Liên Xô đã bị giải thể. Cơ quan Vũ trụ Liên Xô là nơi đã thực hiện thành công một số "lần đầu tiên" trong lịch sử chinh phục vũ trụ của loài người, trong đó có lần phóng vệ tinh đầu tiên, cũng như đưa người đàn ông và phụ nữ đầu tiên vào không gian. Năm 1971, Liên Xô phóng Salyut 1, trạm vũ trụ đầu tiên, lên quỹ đạo quanh Trái đất. Liên Xô cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), khi ý tưởng về một nỗ lực toàn cầu trong việc chinh phục không gian như vậy bắt nguồn từ tầm nhìn của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan về một trạm không gian của người Mỹ có tên Freedom.

Vì sao Trung Quốc và Nga muốn xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng?

Vào ngày 10 tháng 2, tàu vũ trụ Tianwen-1 đã đến sao Hỏa. Được phát triển và thiết kế bởi Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), đây là sứ mệnh đầu tiên đến sao Hỏa bằng tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ và xe thám hiểm tự hành (mặc dù tàu đổ bộ và xe thám hiểm tự hành của dự án này chưa đặt chân được xuống bề mặt sao Hỏa). Vào tháng 12, một sứ mệnh sử dụng robot của Trung Quốc đã thu thập các mẫu đất đá từ Mặt Trăng, đưa chúng trở lại Trái Đất để phân tích. Đây là lần đầu tiên con người thực hiện được điều này sau 40 năm kể từ sứ mệnh Apollo của các phi hành gia Mỹ.

"Trong khuôn khổ thành lập ILRS, Trung Quốc và Nga sẽ sử dụng kinh nghiệm của họ về khoa học vũ trụ, nghiên cứu và phát triển (R&D) và sử dụng thiết bị và công nghệ vũ trụ để cùng nhau xây dựng lộ trình xây dựng ILRS và thực hiện hợp tác chặt chẽ trong việc lập kế hoạch, trình diễn, thiết kế, phát triển, thực hiện và vận hành ILRS, bao gồm cả việc quảng bá dự án tới các cộng đồng nghiên cứu vũ trụ quốc tế," CNSA cho biết. ILRS - Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế - là sáng kiến chung của hai cơ quan vũ trụ Nga và Trung Quốc

Các cơ quan vũ trụ của hai quốc gia này đều đã đưa ra tuyên bố hoan nghênh sự phát triển và chia sẻ quan điểm của họ về cấu trúc khổng lồ đầu tiên được con người xây dựng trên quỹ đạo Mặt Trăng.

Mỗi quốc gia cam kết phối hợp những kinh nghiệm phong phú của họ trong lĩnh vực khoa học vũ trụ, nghiên cứu và sử dụng công nghệ vũ trụ để khám phá sao Hỏa và phát triển một trạm nghiên cứu khoa học quốc tế trên Mặt Trăng. Cả Nga và Trung Quốc sẽ tham gia vào việc lập kế hoạch, tiến hành thiết kế, phát triển và vận hành trạm nghiên cứu này.

Vì sao Trung Quốc và Nga muốn xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng?

"Trung Quốc và Nga sử dụng kinh nghiệm và công nghệ khoa học chung của hai nước để tạo ra một lộ trình xây dựng trạm nghiên cứu quốc tế trên Mặt trăng", CNSA cho biết trong một tuyên bố đăng trên WeChat.

Ngày 12 tháng 4 tới đây, thế giới sẽ kỷ niệm Đêm Yuri — kỷ niệm 60 năm lần đầu tiên con người bay vào vũ trụ - phi hành gia Nga Yuri Gagarin, và cũng là kỷ niệm 40 năm lần đầu tiên tàu con thoi của Mỹ bay vào không gian.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Liên bang Nga đã tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc trong việc khám phá Mặt Trăng và Sao Hỏa, và quốc gia này đang tìm cách giành lại vai trò đi đầu trong khám phá không gian.

Vì sao lại xây dựng một Trạm Mặt Trăng?

Trạm Mặt Trăng có thể mang lại nhiều lợi ích cho các cơ quan vũ trụ thế giới và người dân các quốc gia đó. Đó sẽ là một bước đi trung gian thiết thực giữa khả năng và công nghệ hiện tại của chúng ta và những công nghệ cần để, một ngày nào đó, con người có thể biến Sao Hoả trở thành thuộc địa của mình. Một tiền đồn vĩnh viễn trên Mặt Trăng có thể đóng vai trò cơ sở cho nhiều hoạt động như quan sát Mặt trời và các đối tượng thiên văn khác, nghiên cứu tài nguyên và môi trường của Trái Đất cũng như các thiên thể khác trong Vũ trụ.

Việc xây dựng một tiền đồn như vậy sẽ cung cấp cơ sở nghiên cứu và chứng minh cho nhiều loại công nghệ và năng lực tiên tiến quan trọng, trong đó có robot, công nghệ sử dụng tài nguyên tại chỗ, xây dựng kho tài nguyên, môi trường sống của các đơn vị không gian sâu, động cơ đẩy trong không gian, liên lạc quang học, phụ gia không gian sản xuất (in 3D), v.v.

Trong sứ mệnh "thất bại thành công" của Apollo 13, phi hành đoàn của con tàu gặp trục trặc này vẫn chụp được những bức ảnh tuyệt vời của mặt sau của Mặt Trăng, quay lưng lại với Trái Đất. Đây là một số đoạn video họ quay được khi con tàu vũ trụ bay quanh Mặt Trăng vào tháng 4 năm 1970. Video: NASA.

Bản chất của Mặt trăng và các nguồn tài nguyên của nó, chẳng hạn như một lượng lớn nước được bảo tồn trong các miệng núi lửa vĩnh cửu, khiến vệ tinh duy nhất của Trái Đất trở thành nơi hoàn hảo để xây dựng cơ sở cho các sứ mệnh thám hiểm chính Mặt Trăng và Sao Hoả tiếp theo, cũng như các hoạt động khám phá những hành tinh khác.

Việc thành lập Trạm Mặt Trăng Quốc tế sẽ là một bước đột phá quan trọng trong giao thông vận tải ngoài vũ trụ, khai thác các nguồn tài nguyên ngoài Trái Đất có giá trị cao, năng lượng và thông tin liên lạc, cải thiện môi trường sống của phi hành đoàn và các cơ sở vật chất giúp giảm đáng kể rủi ro tài chính và kỹ thuật cho các sứ mệnh xa hơn bên ngoài Mặt Trăng.

Và đây sẽ là bước tiếp theo rất cần thiết cho các chương trình khám phá vũ trụ của thế giới.

Dù vậy, chúng ta vẫn "lỡ hẹn" đến 20 năm cho việc chinh phục không gian: cột mốc năm 1999

Vì sao Trung Quốc và Nga muốn xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng?

Trạm Vũ trụ Quốc tế là minh chứng cho thấy mọi người từ tất cả các quốc gia đều có thể sống và làm việc cùng nhau trong không gian. Ảnh: NASA

Ý tưởng đằng sau việc xây dựng một Trạm Mặt Trăng là thiết lập một cơ sở của con người trên Mặt Trăng bằng cách sử dụng các khả năng đã được chứng minh và các phương pháp tốt nhất học được từ quá trình tiến hóa và hoạt động của Trạm Vũ trụ Quốc tế.

"ISS là một bằng chứng xác thực về tính khả thi của việc con người tồn tại và làm việc trong không gian trong nhiều thập kỷ liên tục. Nó cũng chứng tỏ khả năng nhiều quốc gia cùng hợp tác trong một dự án rất phức tạp và tốn kém trong không gian trong một khoảng thời gian dài để đạt được một mục tiêu chung", NASA viết trong một nghiên cứu năm 2014 về ý tưởng xây dựng một căn cứ quốc tế trên Mặt Trăng.

Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế sẽ có thể là nơi ở cho các phi hành đoàn từ 10-30 người, cung cấp nơi trú ẩn, nguồn điện, hỗ trợ sự sống, thông tin liên lạc và cho phép các phi hành gia bước ra khỏi Trạm và di chuyển trên khắp bề mặt của Mặt trăng. Tiền đồn này sẽ được phát triển chủ yếu thông qua một nhóm các nhà đóng góp công, tư và quốc tế, theo thỏa thuận.

Đây không phải là lần đầu tiên hai quốc gia này cùng hợp tác trong các sứ mệnh không gian. Moscow và Bắc Kinh cũng đang hợp tác trên một số dự án thám hiểm Mặt Trăng và không gian sâu khác.

Bay lên cao (từ độ cao 384.400 km trở lên)

Các nhà khoa học sống trong Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế sẽ làm việc cùng nhau, phát triển và chia sẻ cơ sở hạ tầng chung, đồng thời phát triển năng lực cụ thể của riêng họ.

Các hoạt động sẽ bao gồm từ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và chế biến tài nguyên, đến khám phá Mặt Trăng và thậm chí là đưa khách lên du lịch. Dự án này sẽ được xây dựng và vận hành sẽ xây dựng dựa trên các bài học kinh nghiệm từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), được xây dựng và vận hành chung bởi mười sáu quốc gia.

 

Trong khi cân nhắc vấn đề ngân sách để xây dựng và vận hành một trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng, các nhà quản lý chương trình đã một lần nữa xem xét lại trường hợp của ISS. Nỗ lực ban đầu nhiều khả năng sẽ đến từ các chương trình do chính phủ tài trợ. Để chia sẻ chi phí, việc hai trong số các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới đã đồng ý dồn nguồn lực để cùng nhau xây dựng trạm nghiên cứu khoa học mặt trăng quốc tế này là một điều đáng hoan nghênh.

Video giới thiệu về kế hoạch của NASA nhằm xây dựng một nơi cư trú vĩnh viễn cho con người trên Mặt Trăng, do William Shatner dẫn dắt.

NASA đang có kế hoạch đưa con người trở lại Mặt trăng với chương trình Artemis, một sứ mệnh hiện được lên kế hoạch thực hiện vào năm 2024. Khi các sứ mệnh Apollo đưa 12 người lên Mặt Trăng, chỉ có Hoa Kỳ và Liên Xô có công nghệ có khả năng thực hiện sứ mệnh như vậy. . Trong những năm tới, một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, cũng như một số công ty tư nhân, có khả năng sẽ có công nghệ để đưa con người lên bề mặt của Mặt Trăng.

Hiện tại Hoa Kỳ chỉ dành một nửa trong số 1% ngân sách Liên bang cho khoa học. Ngân sách năm 2020 cho NASA chỉ là 22,6 tỷ USD, trong khi ngân sách hàng năm mà cơ quan này hiện tại dành cho ISS là khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. Roscosmos nhận được tài trợ hàng năm khoảng 2,8 tỷ USD.

Trung Quốc và Nga ước tính một căn cứ Mặt Trăng sẽ tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD mỗi năm để duy trì. Trong số chi phí đó, khoảng một nửa sẽ là chi phí vận chuyển, phần còn lại tài trợ cho tải trọng và hoạt động. Khi bắt đầu tiến hành xây dựng cơ sở đầu tiên của Trạm, dự kiến ​​sẽ có thêm nguồn tài trợ từ các đối tác quốc tế và tư nhân.

Một công nghệ thiết yếu vẫn cần thiết để xây dựng và vận hành một trạm Mặt Trăng là phương tiện vận chuyển giá rẻ, đáng tin cậy để đưa người và hàng hoá lên quỹ đạo của vệ tinh duy nhất của chúng ta - và cũng có khả năng sẽ là ngôi nhà mới của chúng ta.

Quang Huy

 

 

Chủ đề khác