VnReview
Hà Nội

Lượng bụi không gian rơi xuống Trái Đất mỗi năm là bao nhiêu?

Theo một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Earth & Planetary Science Letters, có tới 5.200 tấn bụi không gian tích tụ trên bề mặt Trái Đất mỗi năm, thực chất là sản phẩm những mảnh vỡ của sao chổi và tiểu hành tinh.

Tuy nhiên, lượng bụi trên chỉ là phần còn sót lại trên bề mặt Trái Đất của vô số vụ va chạm của thiên thạch ngoài không gian vào khí quyển. Thực tế, lượng đất đá từ không gian rơi xuống Trái Đất mỗi năm còn lớn hơn rất nhiều.

Mặc dù có số lượng lớn nhưng rất khó để theo dõi sự tích tụ hàng năm của bụi không gian do bị mưa cuốn trôi. Bên cạnh đó, ở hầu hết các nơi, bụi có nguồn gốc từ Trái Đất và bui từ không gian thường hòa lẫn với nhau, rất khó để phân biệt.

Ở vùng đất Adélie (Nam Cực), gần trạm nghiên cứu Concordia của Pháp-Ý có rất ít bụi Trái Đất cùng với tuyết dày đặc, là nơi lí tưởng cho các nhà nghiên cứu ước tính số lượng bụi tích tụ qua các năm. Trong hơn 20 năm, nhà vật lý Jean Duprat của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) và các đồng nghiệp của ông đã thực hiện sáu chuyến thám hiểm đến khu vực này để thu thập bụi.

Trạm nghiên cứu Concordia của Pháp-Ý là địa điểm lý tưởng để ước tính lượng bụi không gian tích tụ hằng năm

Các nhà nghiên cứu đã đào những rãnh tuyết lớn và chở các khối tuyết nặng 44 pound (20 kg) đến phòng thí nghiệm tại trạm nghiên cứu. Sau đó, họ làm tan chảy tuyết và thu thập các hạt bụi còn sót lại, phân loại các hạt, loại bỏ các tạp chất như các sợi từ găng tay bảo hộ của các nhà nghiên cứu.

Họ phát hiện ra rằng khoảng 5.200 tấn (4.700 tấn) các hạt li ti này, có đường kính từ 30 đến 200 micromet, rơi xuống Trái Đất mỗi năm. Điều này khiến các hạt bụi không gian trở thành nguồn vật chất ngoài Trái Đất dồi dào nhất trên hành tinh của chúng ta.

Các hạt bụi không gian cực nhỏ thu hồi từ các lớp tuyết ở trung tâm Nam Cực

Do phần lớn thiên thạch sẽ bốc cháy khi xuyên qua bầu khí quyển, các nhà nghiên cứu đã ước tính khối đất đá không gian dẫn đến lượng bụi bám lại trên bề mặt Trái Đất. Họ phát hiện ra rằng khoảng 15.000 tấn đất đá từ không gian xâm nhập vào bầu khí quyển mỗi năm, nghĩa là chỉ khoảng 1/3 bám lại mặt đất.

Các nhà nghiên cứu cho biết, khoảng 80% lượng bụi có thể đến từ các sao chổi có quỹ đạo ngắn bị ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn của Sao Mộc, được gọi là Jupiter-period comets. 20% lượng bụi còn lại có thể đến từ các tiểu hành tinh.

Các nhà nghiên cứu cho biết những hiểu biết về dòng vật chất từ không gian đến với Trái Đất là quan trọng đối với nhiều lĩnh vực vật lý thiên văn và địa vật lý. Nguyên nhân là do những tảng đá không gian này có thể đã mang nhiều nguyên tố đến hành tinh. Một số giả thuyết cho rằng các nguyên tố và phân tử có nguồn gốc từ đá không gian có thể rất quan trọng đối với việc phát sinh sự sống trên Trái Đất.

Yen Kim (Theo Live Science)

Chủ đề khác