VnReview
Hà Nội

5 tác động của cân bằng nội sinh đến cơ thể người

Hằng ngày, hàng giờ qua đi, cơ thể chúng ta vẫn diễn ra rất nhiều quá trình trao đổi từ đơn giản đến phức tạp. Trong đó có quá trình cân bằng nội sinh hay cân bằng nội môi (theo tiếng Hy Lạp, homeo có nghĩa là "tương tự" hay "ổn định"). Tất yếu, xu hướng tự nhiên của cơ thể là luôn giữ mọi thứ ở trạng thái cân bằng ngay cả khi đối mặt với những thay đổi lớn hoặc ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài cơ thể.

Quá trình cân bằng nội sinh được điều chỉnh bởi hệ thống nội tiết và thần kinh. Đó là một trong những nỗ lực tổng hợp ở nhiều cấp độ, nhiều cơ quan nhằm mục đích giữ cho cơ thể ở trạng thái cân bằng. Khi cân bằng nội sinh bị tổn hại, nó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người như các rối loạn tâm thần từ nhẹ cho đến nặng thậm chí là gây tử vong. Vì vậy, khi cơ thể xuất hiện một kích thích bất thường có nguy cơ gây hại cho sự cân bằng bên trong cơ thể như căng thẳng thần kinh, mất máu hoặc nhiễm độc tố… sẽ dẫn đến cân bằng nội sinh bị quá tải. Dưới đây là năm ví dụ điển hình về cân bằng nội sinh có tác động quan trọng đến cơ thể người.

1. Cân bằng nhiệt độ bên trong cơ thể

Ở người bình thường, nhiệt độ trung bình ổn định rơi vào khoảng 98,6 độ F, hay 37 độ C. Con người thuộc nhóm sinh vật máu nóng nên ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nhiệt độ từ bên ngoài hơn so với các nhóm sinh vật máu lạnh khác (rắn, thằn lằn...). Tuy nhiên, nhiệt độ cơ thể bị biến động theo thời gian thường là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng hoặc bị virus tấn công. Nếu việc điều hòa nhiệt độ trong cơ thể bị gián đoạn hoặc không tự điều chỉnh về mức cân bằng có thể dẫn đến giảm lưu lượng máu gây ra suy giảm chức năng đa cơ quan.

Vì vậy, khi cơ thể có các dấu hiệu bị virut xâm nhập hay bệnh tật, cơ thể sẽ nhanh chóng phản ứng bằng cách sản sinh ra các pyrogens (chất kích thích giải phóng ra nhiệt lượng) giúp cơ thể ấm lên. Bằng cách đó, những virus gây bệnh khó có thể sống sót và sinh sản trong cơ thể. Qua đó cho phép các kháng thể và enzym chống lại nhiễm trùng tốt hơn. Tất yếu, khi quá trình mất cân bằng nhiệt xảy ra, cân bằng nội sinh sẽ tự động kích hoạt để duy trì cũng như khôi phục nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường.

2. Huyết áp

Khi huyết áp liên tục tăng quá cao nó sẽ gây ra một áp lực rất lớn cho tim và mạch máu dẫn đến làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Tăng huyết áp cũng gây hại cho thận và thậm chí có thể gây ra nguy cơ sa sút trí tuệ. Ngược lại, khi huyết áp giảm xuống quá thấp, nó có thể gây ra ngất xỉu, chóng mặt và hàng loạt các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Rõ ràng, việc duy trì huyết áp ổn định, khỏe mạnh là một trong những mục tiêu rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe đối với mọi lứa tuổi, đặc biệt là từ trung niên trở đi. Khi các mạch máu xảy ra những dao động lớn về huyết áp, chúng sẽ phát hiện tín hiệu tới vùng dưới đồi trong não. Khu vực này sẽ thông báo cho tim, thận và các mạch máu để điều chỉnh mức độ phù hợp trong việc luân chuyển máu trong cơ thể. Nếu không may, cân bằng nội sinh không đáp ứng kịp các vấn đề về huyết áp có thể khiến cơ thể trở nên kiệt quệ và có thể dẫn đến cái chết. Dĩ nhiên, một lối sống kém lành mạnh như ít vận động, thừa cân và uống quá nhiều rượu sẽ làm cho tình trạng này trầm trọng hơn.

3. Glucozơ

Glucose trong máu được đại đa số biết đến như đường trong máu, lượng đường này có ý nghĩa quan trọng đối với chức năng của từng cơ quan và sức khỏe tổng thể của con người. Do đó, quá trình cân bằng nội sinh diễn ra ở não, gan, tuyến tụy và ruột đều hoạt động một cách thống nhất và phối hợp để duy trì cân bằng của các hormone và neuropeptide nhằm giữ cho lượng đường trong máu luôn ở mức an toàn. Tuyến tụy có chức năng tiết ra insulin ở mức phù hợp giúp hấp thụ và giảm lượng đường một cách hiệu quả.

Tương tự như huyết áp, quá trình cân bằng nội sinh bị ảnh hưởng khi tuyến tụy và các cơ quan khác bị tổn thương. Vì thế, những người mắc bệnh tiểu đường thường gặp nhiều khó khăn hơn trong việc điều chỉnh lượng glucose trong máu, thay vào đó họ phải sử dụng các loại thuốc và phương pháp điều trị chống tiểu đường để duy trì và đưa mức đường trở về trạng thái an toàn.

4. Cân bằng nước

Khoảng 60-70% cơ thể con người là nước. Nước tự nhiên có rất nhiều công dụng quan trọng bao gồm việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể thông qua việc đổ mồ hôi và thải các chất cặn bã trong cơ thể ra ngoài thông qua đường nước tiểu, thêm nữa, nước có tác dụng bôi trơn các khớp, cung cấp oxy và hỗ trợ tiêu hóa cùng nhiều công dụng khác. Chính vì vậy mà việc giữ cho mực nước trong cơ thể luôn ổn định và cân bằng là một trong những điều được các chuyên gia y tế khuyến khích. Có một số lưu ý trong khi mực nước tích tụ trong cơ thể quá nhiều, tình trạng này được gọi là giữ nước hoặc phù nề. Đó có thể là dấu hiệu của triệu chứng suy thận hoặc suy tim... mặt khác, khi cơ thể thiếu nước có thể dẫn đến chậm quá trình trao đổi chất trong cơ thể, da dẻ thiếu sức sống, táo bón…

Đối với những trường hợp này, cân bằng nội sinh giúp thận tham gia nhiều hơn vào việc điều chỉnh mức nước trong cơ thể. Nếu có quá nhiều nước trong cơ thể, thận sẽ đẩy nhanh quá trình làm loãng nước tiểu và thải ra khỏi cơ thể thông qua đường tiểu. Mặt khác, khi cơ thể bị thiếu nước do mất nước, cân bằng nội sinh sẽ giữ cho mực nước ở mức đảm bảo duy trì hoạt động để tránh gây ra các tổn thương tế bào.

5. Lưu lượng máu

Lượng máu trong cơ thể luôn được phân bổ một cách đồng đều đặc biệt là việc điều chuyển lượng máu từ khu vực này đến khu vực khác khi cần thiết là rất quan trọng. Do vậy, cân bằng nội sinh duy trì sự cân bằng này nhằm đảm bảo rằng máu được điều chuyển đến các cơ quan, bộ phận đúng thời điểm.

Cụ thể, khi chúng ta tham gia vào các hoạt động mạnh như luyện tập thể thao, thi đấu… chỉ sau một vài phút chúng ta sẽ cảm nhận rõ rệt về sự gia tăng lưu lượng máu và tốc độ dịch chuyển của chúng trong cơ thể. Nguyên nhân là do hệ thống tim mạch được tiếp nhận một lường tín hiệu từ các kích thích thần kinh lên mạch máu, các cơ, phổi và tim. Bất cứ khi nào các mô cần thêm máu để hoàn thành công việc, cân bằng nội sinh sẽ đẩy nhanh quá trình điều chuyển lưu lượng máu và giữ cho quy mô cơ thể ở mức cân bằng hài hòa.

Thanh Mai – Howstuffworks

Chủ đề khác