VnReview
Hà Nội

Có tới 2,5 tỷ con khủng long T-Rex từng tung hoành ngang dọc, thống trị trái đất

Vào cuối kỷ Phấn trắng, khủng long bạo chúa (T-Rex) từng tồn tại trên trái đất với số lượng lớn. Trên thực tế, các nhà khoa học tính toán rằng có khoảng 2,5 tỷ vị vua khủng long đã từng tồn tại trong khoảng thời gian 2,5 triệu năm.

Chúng di chuyển trên khu vực Bắc Mỹ ngày nay, săn mồi và thống trị trái đất trong một khoảng thời gian dài. Các nhà khoa học cho biết việc tính toán con số 2,5 tỷ con khủng long bạo chúa từng tồn tại trên trái đất là không hề dễ dàng. Họ xem xét nhiều yếu tố, gồm cả mật độ và phạm vi hoạt động của loài động vật này. Sau đó, các nhà khoa học tính rằng có khoảng 20.000 cá thể T-Rex trưởng thành sống trong bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ 68 - 65,5 triệu năm trước.

Đáng chú ý hơn, nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science hôm 15/4 chỉ tính toán gồm các cá thể khủng long bạo chúa trưởng thành. Điều này xuất phát từ việc T-Rex trước khi trưởng thành có khả năng sống trong các hốc khác nhau và ăn thực phẩm khác với những con lớn tuổi. Hơn nữa, chúng không phải lúc nào cũng sống sót cho đến khi trưởng thành. Do đó, khủng long bạo chúa nhỏ tuổi không được đưa vào số liệu kiểm đếm cuối cùng.

Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện này là phép tính đầu tiên về dân số của một loài động vật đã tuyệt chủng, sống cách chúng ta rất lâu. Điều này mở ra tương lai cho việc tính toán số lượng các sinh vật đã tuyệt chủng khác.

Nhà cổ sinh vật học quá cố người Mỹ George Gaylord Simpson từng cho biết còn quá nhiều ẩn số để có thể tìm ra số lượng dân số tổng thể của một loài động vật đã tuyệt chủng. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của khoa học thì điều này hiện nay đã khả thi. Charles Marshall, Giám đốc Bảo tàng Cổ sinh vật học thuộc Đại học California cho biết: 'Trong nghiên cứu, chúng tôi đã tập trung vào việc tính toán các biến số để thực hiện phép tính toán của mình thay vì tập trung vào việc đưa ra các ước tính'.

Marshall và đồng nghiệp của ông đã bắt đầu dự án bằng cách xem xét mối quan hệ giữa mật độ dân số và khối lượng cơ thể. Đây là những điều đã được đúc kết thành công thức và được đặt tên là định luật Damuth. Sau đó, các nhà khoa học đã tính toán đến sự khác biệt về hệ sinh thái, bao gồm cả việc động vật có mức trao đổi chất thấp hay cao, liệu nó là động vật ăn cỏ, ăn tạp hay ăn thịt.

Các nhà khoa học đã phải đoán sự trao đổi chất của T-Rex. Họ quyết định rằng khủng long bạo chúa là một kẻ săn mồi đầy năng lượng. Sau đó, họ xác định rằng T-Rex đạt đến độ tuổi trưởng thành giới tính vào khoảng 15,5 năm và có khối lượng có thể trung bình là khoảng 5.200 kg. Khủng long bạo chúa cũng phát triển trong suốt vòng đời của nó. Chúng có mật độ trung bình khoảng 1 con/100 km2.

Sau đó, họ coi T-Rex sống trong phạm vi trải rộng khoảng 2,3 triệu km2 và tồn tại trong khoảng 2,5 triệu năm. Điều này giúp các nhà khoa học tính toán được rằng quần thể loài động vật này có khoảng 20.000 con trưởng thành sống trong cùng 1 thời điểm. Chúng sống được khoảng 127.000 thế hệ cho đến khi tuyệt chủng vào cuối kỷ Phấn trắng, khoảng 65,5 triệu năm trước.

Hiện nay, trên thế giới có tương đối ít hóa thạch của T-Rex được tìm thấy. Các ghi chép hiện nay cho thấy có ít hơn 100 cá thể khủng long bạo chúa đã được khai quật và nhiều con chỉ có 1 xương hóa thạch.

Nguyễn Dương Theo LiveScience

Chủ đề khác