VnReview
Hà Nội

Sự thật chưa kể về than hoạt tính có trong mỹ phẩm

Trong những năm gần đây than hoạt tính đã trở thành một thành phần phổ biến của các loại mỹ phẩm và cả các sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác. Đó là chưa kể đến sự xuất hiện của nó trên mảng thực phẩm như café, kem, bánh quy và rất nhiều loại đồ ăn khác khiến chúng có màu đen. Riêng trong thị trường mỹ phẩm, than hoạt tính đã trở thành loại nguyên liệu phổ biến và vẫn sẽ theo xu hướng phát triển trong một vài năm nữa.

Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một vấn đề: Không có bằng chứng nào cho cho thấy nó có hiệu quả, thậm chí một vài trường hợp còn ngược lại.

Bản thân than chỉ đơn giản là lượng carbon còn lại sau quá trình đốt cháy từ từ các nguyên liệu giàu carbon, ví dụ như gỗ, xơ dừa hay thậm chí là đường. Than có khối lượng riêng nhẹ, dễ mang theo và có thể đốt cháy trong thời gian dài ở nhiệt độ thích hợp. Nhờ vào những đặc tính đó mà con người đã sử dụng than làm nhiên liệu từ hàng nghìn năm nay. Và bạn biết "cái kiểu" của con người rồi đấy, thứ gì xuất hiện nhiều trong tầm mắt là họ sẽ thử cho nó vào mồm ăn. Không biết chính xác là ai hay như thế nào mà ý tưởng này xuất hiện, nhưng ở thời Hippocrates (khoảng 500 năm sau Công nguyên), đã có người sử dụng than làm kem đánh răng do có tính mài mòn.

Theo David Juurlink, dược sĩ tại ĐH Toronto, cho biết các tài liệu ghi chép lại cho thấy than được sử dụng qua đường tiêu hóa từ thế kỷ thứ 19, khi đó các bác sĩ sử dụng than để chữa ngộ độc thực phẩm. Khi trộn bột than với nước, hỗn hợp bùn than sẽ hút chất độc bám vào bề mặt của nó, từ đó giảm lượng chất độc ngấm vào cơ thể. Trả lời trang Popular Science, Juurlink cho biết hiện nay, các bác sĩ vẫn cho bệnh nhân uống thuốc quá liều hoặc bị ngộ độc sử dụng than hoạt tính. Hỗn hợp bùn than sẽ được đưa vào cơ thể bằng cách uống trực tiếp hoặc sử dụng ống thông đưa thẳng xuống dạ dày; và nó sẽ hút những chất độc nguy hiểm bám vào.

Khả năng này của than hoạt tính được hình thành nhờ vào cấu trúc xốp, rỗng của chúng. Bạn có thể để ý thấy những cục than có vô số những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt. Đặc biệt, than hoạt tính có thể được xử lý bằng nhiệt để tạo thêm nhiều lỗ trên bề mặt hơn, đồng nghĩa với việc diện tích tiếp xúc bề mặt sẽ tăng lên rất nhiều. Vì vậy, than hoạt tính có diện tích bề mặt rất lớn, một gram than hoạt tính có thể có diện tích bề mặt xấp xỉ 3000 m2.

Trong quá trình hấp thụ, chất độc sẽ bám chặt vào về mặt của những lỗ nhỏ li ti và sẽ đi ra ngoài cơ thể cùng số than. Các bộ lọc sử dụng than hoạt tính cũng có cơ chế tương tự: Nước hoặc không khí sẽ được thổi qua bộ lọc, các hạt bụi bẩn hay độc hại sẽ bám vào lỗ nhỏ trên bề mặt của than hoạt tính.

Nhờ có khả năng hấp thụ mạnh mẽ, than hoạt tính được sử dụng làm chất thải độc. Năm 2014, trang Goop của Gwyneth Paltrow (không nổi tiếng vì bị cáo buộc ngụy khoa học) đưa ra đề xuất công nhận nước chanh pha than là thức uống thanh lọc cơ thể của năm, đưa than hoạt tính trở thành một ngôi sao sáng trong ngành chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Tuy nhiên, vấn đề của những ý tưởng thải độc, thanh lọc cơ thể (hay còn gọi là detox) đều là lừa bịp. Cơ thể của bạn luôn làm tốt chức năng đào thải độc tố ra khỏi môi trường bên trong cơ thể, những thứ được bạn ăn hay uống vào sẽ bị đào thải một phần ra khỏi cơ thể qua hệ bài tiết. Các bằng chứng cho thấy hệ thống này hoạt động rất tốt mỗi khi bạn cần vào nhà vệ sinh. Việc tốt nhất bạn có thể làm là giữ cho hệ thống này luôn hoạt động trơn tru bằng cách ăn nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe, tập thể dục, bôi kem chống nắng và ngủ đủ giấc. Về cơ bản, tất cả những điều trên đều được mọi chuyên gia sức khỏe tư vấn cho khách hàng của mình.

Juurlink cho biết với những người không uống thuốc quá liều hay bị ngộ độc thì uống than hoạt tính ở dạng dung dịch hay thuốc viên đều không gây hại, "nhưng chắc chắn cũng chẳng có lợi gì".

Mặt khác, than hoạt tính cũng có khả năng gây hại nếu bạn uống đồng thời với các loại thuốc. Tính hấp thụ của than hoạt tính cũng sẽ hấp thụ cả những hoạt dược có trong thuốc, tương tự cách nó hấp thụ lượng thuốc dư thừa khi bạn uống quá liều. Nếu bạn vẫn khăng khăng phải uống than hoạt tính, Juurlink cho rằng "có thể sử dụng với khoảng thời gian tối thiểu là 3 đến 4 giờ đồng hồ sau khi uống bất cứ loại thuốc nào".

Tuy nhiên, chắc chắn không có lý do gì mà bạn cần uống than hoạt tính tại nhà. Than hoạt tính không giúp bạn thải độc cơ thể hay làm cho bạn khỏe mạnh hơn. Và chắc chắn nó cũng không có tác dụng gì khi bôi lên da của bạn như những quảng cáo mỹ phẩm mô tả.

Khoảng từ năm 2014, các công ty mỹ phẩm bắt đầu quảng cáo rầm rộ về sản phẩm chứa than hoạt tính, đặc biệt là những sản phẩm trị mụn trên thị trường. Vì có chứa than hoạt tính, nên sản phẩm mặc nhiên được cho là có thể làm sạch lỗ chân lông và từ đó giảm mụn trên da. Thậm chí nhãn hiệu Bioré, thương hiệu nổi tiếng với các mỹ phẩm trị mụn, cũng tham gia với một loạt sản phẩm chứa than hoạt tính.

"Nó trông rất tuyệt vời, giá lại rẻ mà còn không gây hại… nhiều như các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp khác", Michelle Wong viết trên trang blog khoa học về sắc đẹp của cô, cô hiện là tiến sĩ hóa học. Và Wong cũng cho biết không có bằng chứng nào cho thấy nó có hiệu quả.

Theo một bài nghiên cứu được thực hiện bởi ĐH Miami vào tháng 7/2019, có "rất ít đến không có" bằng chứng chứng minh những công dụng mà các công ty mỹ phẩm đang quảng cáo về than hoạt tính. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy việc sử dụng than hoạt tính trong các loại mỹ phẩn không được kiểm soát. Nguyên nhân là vì những sản phẩm này không có công dụng điều trị hay chữa trị một chứng bệnh cụ thể nào, do vậy Cục quan lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không bắt buộc phải quản lý về thành phần hay cách thức quảng cáo.

"Vì có rất ít nghiên cứu về tác động của than lên da, nên những sản phẩm này cần sử dụng có chừng mực và thận trọng", các nhà nghiên cứu của ĐH Miami viết. Và đặc biệt chú ý đến những sản phẩm được quảng cáo là có thể làm sạch lỗ chân lông đến mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường (hãy thử tưởng tượng bạn có thể lột sạch số lỗ chân lông trên mặt – thường rất đau – và mang theo hàng tá thứ chất bẩn đi theo). Nếu trong quá trình sử dụng sản phẩm bạn cảm thấy đau hoặc bị kích ứng, hãy ngưng sử dụng ngay lập tức dù nó làm da bạn sạch đến đâu.

Trong trường hợp bạn vừa uống vừa bôi than hoạt tính lên da, các bác sĩ cho biết có một số vấn đề khác sẽ nảy sinh. Vì than hoạt tính chưa được chứng minh là có bất kỳ hiệu quả tích cực nào, do vậy, việc lạm dụng than hoạt tính trong quá trình điều trị bệnh hay chấn thương sẽ khiến bạn bỏ qua những liệu pháp điều trị cần thiết. Nói cách khác, nếu bạn thấy cơ thể không được khỏe, hãy đến gặp bác sĩ vì than hoạt tính không thể giúp bạn. Nhưng nếu bạn muốn có một chiếc khẩu trang màu đen trông thật ngầu thì chẳng vấn đề gì cả.

Minh Bảo theo Popular Science

Chủ đề khác