VnReview
Hà Nội

Con người đã tác động tới 97% hệ sinh thái trên bề mặt trái đất

Một nghiên cứu gây sốc mới đây đã tiết lộ chỉ có 3% hành tinh vẫn còn được nguyên vẹn, không bị con người can thiệp.

Được xuất bản trên tạp chí Frontiers in Forest and Global Change, báo cáo tuyên bố rằng chỉ một vài phần trăm rất nhỏ Trái Đất còn được;"nguyên vẹn về mặt sinh thái".

Phát hiện này được đưa ra sau khi một nhóm các nhà khoa học, đứng đầu là Andrew Plumptre, nghiên cứu các bản đồ cho thấy mức độ tàn phá của con người đối với hệ sinh thái thiên nhiên toàn cầu và bản đồ hiển thị các nhóm động vật bị suy giảm số lượng hoặc tuyệt chủng hoàn toàn.

Plumptre cho biết: "Các nghiên cứu thực địa của nhiều nhà khoa học cho thấy rõ ràng có những loài đã biến mất khỏi những khu vực có môi trường sống nguyên vẹn, đó là các loài động vật ăn thịt lớn và trung bình, đặc biệt là các loài ăn cỏ lớn và trung bình".

Ông giải thích: "Một số đã bị mất hoặc giảm số lượng do bị săn bắt, một số biến mất do sự du nhập của các loài xâm lấn, chẳng hạn như chó và mèo, một số thì do dịch bệnh".

Có ba yếu tố khác nhau mà nhóm các nhà nghiên cứu đã đo lường mức độ ảnh hưởng của con người lên môi trường sống. Đó là tính nguyên vẹn của môi trường sống; tính nguyên vẹn của động vật; và tính nguyên vẹn chức năng thiên nhiên.

Về cơ bản, điều đó có nghĩa là họ có thể đo tỷ lệ phần trăm của hai phần sau - tính nguyên vẹn của động vật và tính nguyên vẹn chức năng - và sử dụng nó để xác định phần nào đã bị mất. Theo đó, Plumptre cho biết chỉ có 2,9% bề mặt trái đất còn đảm bảo tính nguyên vẹn và 2,8% các chức năng thiên nhiên còn đảm bảo nguyên vẹn. Nghĩa là, 97% còn lại, hay còn gọi là 97% hệ sinh thái trên cạn, đang bị ảnh hưởng do một số yếu tố mà con người tạo ra, như săn bắn và hoạt động công nghiệp, trong khi phần "không nguyên vẹn" còn lại là do các loài xâm lấn.

Các phát hiện cho thấy có năm hệ sinh thái còn lại nguyên vẹn: Congo; Tanzania; rừng nhiệt đới Amazon; Xibia; và miền nam Chile. Một cách để chống lại sự tàn phá nguy hiểm là đưa các loài động vật trở lại các khu vực nhất định, nhưng chỉ trong các nhóm nhỏ, để bắt đầu thiết lập lại trật tự một cách tự nhiên.

Như chúng ta đã thấy trong năm qua, một số nơi trên thế giới đã bắt đầu có khả năng tự sửa chữa, khi các chính phủ trên thế giới ra lệnh cấm hoạt động sản xuất thải CFC (Chlorofluorocarbon). Ở đó, các nhà khoa học tiết lộ rằng tầng ôzôn đã bắt đầu tự sửa chữa. Ngoài ra, từ khi mọi người trên thế giới làm việc tại nhà do hậu quả của đại dịch, cũng góp phần mang lại khả năng tự sửa chữa này của thiên nhiên. ​​

Người ta tin rằng nếu chúng ta dần dần đưa một số động vật trở lại những khu vực bị hư hại này, thì tính nguyên vẹn của hệ sinh thái có thể được chữa lành và cải thiện khoảng 20%. Điều này có nghĩa là các khu vực như Alaska, miền bắc Canada, Nga, sa mạc Sahara, rừng nhiệt đới Amazon, cũng như rừng nhiệt đới Congo, có thể bắt đầu "lành dần" theo thời gian.

"Chúng ta cũng nên suy nghĩ về việc khôi phục các loài để lấy lại tính toàn vẹn sinh thái trên khắp Trái đất," Plumptre kêu gọi, "nếu chúng ta là một loài muốn bảo tồn nơi sinh sống cho các thế hệ tương lai". Tuy nhiên, có vẻ như nhân loại vẫn chưa học được bài học nào, bởi vì lượng khí thải carbon dự kiến ​​sẽ tăng vọt trong năm 2021, do đại dịch dần được khống chế trên toàn cầu.

Hoàng Lan (tham khảo Unilad)

Chủ đề khác