VnReview
Hà Nội

Loài gấu lai độc lạ xuất hiện ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu

Nóng lên toàn cầu khiến băng ở Bắc Cực tan nhanh, đồng nghĩa với việc nơi trú ngụ và săn mồi của loài gấu trắng đang dần bị thu hẹp. Những con gấu trắng Bắc Cực (polar bear) bị dồn dần về phía nam, gặp gỡ gấu xám Bắc Mỹ (grizzly bear), có phạm vi hoạt động đang mở rộng về phía bắc. Sự tiếp xúc ngày càng tăng khiến con lai của hai loài gấu này xuất hiện ngày càng nhiều.

Con lai của gấu Bắc Cực và gấu xám

Những con pizzly hay grolar (tên gọi phụ thuộc vào việc loài nào làm bố) – con lai của gấu Bắc Cực và gấu xám có những lợi thế cho phép chúng sinh trưởng tốt trong điều kiện môi trường sống đang ấm lên ở phía bắc. Thậm chí, một số nhà khoa học dự đoán rằng loài gấu lai này sẽ dần chiếm lĩnh vùng cực Bắc, thay thế dần gấu trắng Bắc Cực.

Larisa DeSantis, một nhà cổ sinh vật học, phó giáo sư sinh học tại Đại học Vanderbilt ở Tennessee cho biết: "Con lai thường không phù hợp với môi trường bằng bố mẹ của chúng, nhưng loài gấu lai này thì khác, chúng có thể thể ăn được nhiều loại thức ăn hơn, nhờ đó có khả năng sống sót cao hơn."

Theo DeSantis, gấu Bắc Cực có hộp sọ dài hơn, đặc điểm này giúp chúng có khả năng săn hải cẩu vượt trội. Tuy nhiên, do thức ăn chủ yếu của gấu trắng là mỡ của động vật biển có vú, răng hàm của chúng tương đối nhỏ và cơ hàm ít phát triển. Trong khi đó, gấu xám có thể ăn hầu hết mọi thứ. Điều này được cho là nhờ hộp sọ cỡ trung bình mang lại lợi thế về cơ sinh học cho gấu xám.;

Gấu xám Bắc Mỹ (trái ) và gấu Bắc Cực

Gấu xám và gấu Bắc Cực chỉ tách ra thành hai loài từ khoảng 500.000 đến 600.000 năm trước, vì vậy chúng hoàn toàn có thể giao phối và sinh ra con lai. Hàng loạt quan sát đã diễn ra trong điều kiện nuôi nhốt và một nghiên cứu đã được thực hiện trong tự nhiên, tất cả đều cho thấy cho thấy những con lai có khả năng sinh sản và tự sinh ra con non.

Gấu lai pizzly hoang dã được phát hiện lần đầu vào năm 2006 ở vùng Lãnh thổ Tây Bắc của Bắc Cực thuộc Canada. Một thợ săn đã bắn trúng một con pizzly – con vật mà anh ta cho là gấu Bắc Cực.

Khi quan sát kỹ hơn, người thợ săn đã nhận ra sự khác thường: một con gấu có bộ lông màu trắng kem của gấu Bắc Cực nhưng móng vuốt dài, lưng có bướu, mặt nông hơn, kèm theo những mảng lông màu nâu. Các xét nghiệm ADN xác nhận rằng con vật là con lai. Đây là con lai hoang dã đầu tiên được ghi nhận giữa gấu Bắc Cực và gấu xám.

Kể từ đó, các con lai được phát hiện ngày càng nhiều.

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Biology Letters vào năm 2016, sự gia tăng của loài pizzly sẽ kéo theo sự suy giảm của loài gấu Bắc Cực, dự đoán sẽ giảm hơn 30% trong 30 năm tới. Thực trạng này có liên quan đến sự xâm lấn của gấu xám vào môi trường sống của gấu Bắc Cực. DeSantis nhấn mạnh, gấu xám có lợi thế cạnh tranh về nguồn thức ăn thay thế, trong khi gấu Bắc Cực lại có chế độ ăn uống chuyên biệt.

Nóng lên toàn cầu làm băng ở Bắc Cực tan nhanh, thu hẹp phạm vi săn mồi của gấu Bắc Cực

DeSantis giải thích, trước sự thay đổi nhanh chóng của môi trường, những loài có thể tiêu thụ nhiều loại thức ăn và có khả năng phát triển mạnh trong nhiều môi trường sống khác nhau như sói đồng cỏ và báo sư tử là những loài sống sót tốt nhất. Các loài chỉ chuyên ăn một loại thức ăn như gấu Bắc Cực và hổ răng kiếm dĩ nhiên không có lợi thế này, dù chúng là những kẻ săn mồi hàng đầu.

DeSantis cho biết: "Ngay cả trong Thời kỳ Ấm áp Trung Cổ, gấu Bắc Cực vẫn tiêu thụ thức ăn mềm, chế độ ăn của chúng rất ít khi thay đổi. Chỉ tới những năm gần đây, loài này mới bắt đầu ráo riết tìm kiếm nguồn thức ăn thay thế. Sự thay đổi này cho thấy sức chịu đựng của chúng đã tới mức cực hạn."

Theo một tuyên bố từ Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia của Mỹ (NSIDC), diện tích mặt băng trên biển Bắc Cực - nơi trú ngụ và săn mồi của gấu Bắc Cực đã giảm khoảng 870.000 km2 trong năm nay so với mức tối đa trung bình vào giai đoạn 1981-2010.

Thực tế, khi ở trên mặt đất, gấu Bắc Cực vẫn có thể chống chọi nhờ những thức ăn thay thế như trứng chim biển và tuần lộc. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Ecology and the Environment vào năm 2015 cho thấy, lượng calo gấu Bắc Cực thu được từ những nguồn này không cân bằng với lượng calo bị đốt cháy khi chúng đi kiếm ăn.

Tất cả những điều này cho thấy, một môi trường sống phù hợp hơn với gấu lai đang dần hình thành, dẫn đến mất đa dạng sinh học nếu gấu Bắc Cực bị thay thế.

DeSantis nói: "Ngay lúc này, có vô số loài đang phải gánh chịu những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Sự suy giảm của gấu Bắc Cực chính là dấu hiệu cảnh báo cho tình trạng này."

DeSantis cũng khẳng định rằng, sự xuất hiện của gấu lai pizzly "là một sự thỏa hiệp đáng buồn nhưng cần thiết" với xu hướng ấm lên toàn cầu hiện nay:"Sự tồn tại của những động vật ăn thịt đứng đầu chuỗi thức ăn có tác dụng cân bằng hệ sinh thái. Hy vọng trong tương lai, Bắc Cực vẫn còn gấu Bắc Cực. Nhưng với thực trạng hiện nay, liệu loài gấu này có thể tiếp tục tồn tại ở các vùng trung gian của Bắc Cực hay không? Đây là vấn đề mà chúng ta cần phải nghiên cứu để tìm ra giải pháp."

Yen Kim (Theo Live Science)

Chủ đề khác