VnReview
Hà Nội

Tàu ngầm Indonesia gãy làm ba đoạn dưới đáy biển, giả thuyết tàu bị mất điện rồi bị chìm xuống

Một tàu lặn cứu hộ do Singapore xác nhận xác tàu ngầm KRI Nanggala ở vị trí nằm sâu hơn 800m, bị gãy thành ba đoạn, toàn bộ 53 người trong khoang đều đã thiệt mạng.

Tàu ngầm KRI Nanggala biến mất sau khi được phép cho lặn sâu xuống trong một cuộc huấn luyện phóng ngư lôi. Hiện chưa rõ lý do gì khiến tàu chìm. Tuy nhiên, giả thuyết nhiều khả năng nhất là con tàu bị mất điện, không thể tiếp tục vận hành và bị chìm xuống. Càng chìm xuống sâu, con tàu chịu áp lực càng lớn khiến thân tàu bị nứt vỡ và nước tràn vào bên trong.

Các chuyên gia cho rằng lớp vỏ thép của tàu ngầm có thể bị đè bẹp nếu chìm xuống quá ngưỡng giới hạn. Điều này đã xảy ra với tàu ngầm ARA San Juan của Argentina hồi năm 2017. Tàu San Juan mất tích tại Đại Tây Dương và chỉ được tìm thấy 1 năm sau đó ở độ sâu 900 m, thân tàu bị áp lực nước nghiền nát.

Hải quân Indonesia họp báo công bố thông tin về tàu ngầm bị mất tích

Hải quân Indonesia họp báo công bố thông tin về tàu ngầm bị mất tích

Lực lượng Hải quân Indonesia đã nhìn thấy các bộ phận của tàu ngầm KRI Nanggala 402 bao gồm thân tàu, đuôi tàu cũng như các bánh lái ngang và dọc tách rời nhau. Như vậy, tàu đã bị vỡ ra ít nhất thành 3 phần. Ngoài ra, có các hình ảnh mỏ neo cùng với bộ quần áo cứu hộ đã được lấy ra khỏi hộp "như thể nó sắp được mặc".

Tàu KRI Nanggala 402 mất tích hôm 21/4 trong một cuộc tập trận phóng ngư lôi. Xác tàu được tìm thấy sau vài ngày nhờ triển khai các công nghệ định vị tối tân. Một robot dưới nước trang bị camera và được triển khai bởi tàu MV Swift Rescue của Singapore đã cung cấp hình ảnh về xác tàu, trong khi tàu KRI Rigel của Indonesia đã rà quét khu vực nghi tàu chìm bằng cách sử dụng sonar đa tia và từ kế.

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 được Indonesia biên chế vào năm 1981

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 được Indonesia biên chế vào năm 1981

Việc trục vớt KRI Nanggala 402 được cho là một quá trình đầy khó khăn và rủi ro vì độ sâu 850 m vượt quá sức chịu đựng của các tàu tìm kiếm, cứu hộ.

Theo chuyên trang The Drive, tàu cứu hộ MV Swift Rescue của Singapore có mang theo phương tiện cứu hộ lặn sâu (DSRV) có thể lặn xuống gần 500 m và đủ chỗ cho 15 người. Bên cạnh đó, tàu còn có thiết bị lặn điều khiển từ xa (ROV) có thể lặn sâu xuống 1.000 m, giúp tìm kiếm hoặc dọn dẹp mảnh vỡ để DSRV và thợ lặn tiếp cận tàu ngầm bị chìm. Các tàu cứu hộ của Ấn Độ và Malaysia cũng có những phương tiện tương tự. Tuy nhiên, chuyên gia tàu ngầm Úc Frank Owen nói rằng hầu hết các tàu cứu hộ chỉ có thể vận hành ở độ sâu 600 m, dù có thể lặn sâu hơn mức đó đôi chút.

Tàu KRI Nanggala 402 do Đức đóng hồi hơn 40 năm trước và đã trải qua một lần được trang thiết bị lại vào năm 2012.

Hồng Thúy tổng hợp

Chủ đề khác