VnReview
Hà Nội

Phát hiện loài rết khổng lồ màu xanh ngọc bích, tấn công cả tôm càng xanh

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tokyo Metropolitan và Đại học Hosei vừa thông báo phát hiện một loài rết nhiệt đới mới, kích thước lớn thuộc giống Scolopendra ở Okinawa (Nhật Bản) và Đài Loan.

Loài rết này có chiều dài khoảng 20cm và bề ngang gần 2cm. Đây là loài rết mới đầu tiên được xác định ở Nhật Bản sau 143 năm, minh chứng cho sự đa dạng sinh học của quần đảo Ryukyu.

Theo Eurekalert, các nhà khoa học đã rất phấn khích khi biết được tin tức về một loài rết không xác định được nhìn thấy quanh quần đảo Ryukyu. Chúng được cho là đã tấn công tôm càng xanh trong các khu rừng nơi đây.

Sau đó một nhóm các nhà khoa học gồm chuyên gia Sho Tsukamoto của Đại học Tokyo Metropolitan, Katsuyuki Eguchi của Đại học Tokyo Metropolitan, và Giáo sư Satoshi Shimano của Đại học Hosei đã lên đường tìm kiếm ngay khi biết tin để xác định sinh vật bí ẩn kể trên là gì.

Trải qua quá trình nghiên cứu, họ đã phát hiện ra một loài hoàn toàn mới. Điều đặc biệt, đây được cho là loài rết lớn nhất từng được tìm thấy ở Nhật Bản và Đài Loan. Nó có vẻ ngoài màu ngọc bích khá lạ và được đặt tên là Scolopendra alcyona Tsukamoto & Shiman, dựa theo tên của Alcyone - một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp bị thần Zeus biến thành chim bói cá.

Tên tiếng Nhật của con vật mới được phát hiện là ryujin-ômukade, cũng xuất phát từ thần thoại địa phương. Sự tích kể lại rằng có một vị thần rồng, hay còn gọi là ryujin, khi đang đau đớn vì bị một con rết chui vào tai thì thấy một con gà ăn thịt một con rết. Kể từ đó, vị thần này sợ cả gà và rết.

Trong thời kỳ của vương quốc Ryukyu, các thủy thủy thường vẽ những con gà trên thuyền, treo cờ rết để đánh vào sự sợ hãi của các vị thần rồng và vượt biển an toàn.

Đáng chú ý hơn, các nhà khoa học cho biết loài rết vừa được phát hiện rất ưa thích môi trường bên bờ suối để tìm thức ăn và nước ngọt. Tuy nhiên, dù sống trong môi trường ít có sự xuất hiện của con người nhưng loài rết này đang có nguy cơ tuyệt chủng. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục được theo dõi và nghiên cứu chúng ở một khoảng cách an toàn để bảo toàn môi trường sống của loài vật này.

 

Nguyễn Dương (Theo EurekAlert)

Chủ đề khác