VnReview
Hà Nội

Vì sao nên tạo điều kiện tối đa cho trẻ nhỏ được chơi đùa, vận động?

Chơi đùa là một phần quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ, cho dù đó là leo cây, chạy trên cỏ, chơi với búp bê, chơi với ô tô hay luyện tập thể thao.

Lợi ích của việc chơi đùa

Con người bắt đầu chơi đùa khi còn nhỏ tuổi. Mặc dù chúng ta làm điều đó chủ yếu để giải trí, nhưng 'chơi' thực sự đóng vai trò quan trọng hơn thế nhiều. Nó góp phần vào sự phát triển tổng thể của chúng ta bằng cách cải thiện thể chất, nhận thức xã hội, cảm xúc.

Tuổi thơ là tuổi phát triển. Bộ não của chúng ta khi đó còn trẻ và mới bắt đầu hình thành các kết nối thần kinh, tìm hiểu về bản thân cũng như thế giới. Cơ thể của con người bắt đầu phát triển và lớn lên để hỗ trợ chính quá trình này. Nói cách khác, chơi đùa giống như một 'vòng thực hành', nơi trẻ em có thể học hỏi và phát triển bản thân.

Tăng cường khả năng về thể chất và nhận thức của trẻ nhỏ

Bắt đầu từ khi còn rất nhỏ, các hoạt động vui chơi ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của chúng ta. Nặn các hình khối, vẽ nguệch ngoạc bằng bút chì màu, chơi ô tô điều khiển từ xa... tất cả đều là sự chuyển động của bàn tay, ngón tay với sự phối hợp ngẫu nhiên của mắt.

Khi lớn và có nhận thức hơn về cơ thể, chúng ta sẽ bắt đầu chơi các trò mang tính thể chất hơn. Các trò chơi khi đó sẽ có thể gồm việc chạy nhảy, leo trèo.. Nó giúp xây dựng và cải thiện khả năng kiểm soát cơ thể.

Vui chơi là điều cần thiết cho sự phát triển của cơ bắp, sức mạnh và khả năng kiểm soát các chuyển động của trẻ nhỏ. Khi ngày càng lớn lên, sức mạnh thể chất và khả năng kiểm soát cơ bắp của trẻ ngày càng được cải thiện. Điều này đồng nghĩa với việc chúng có khả năng đam mê các trò chơi và sở thích phức tạp, khắt khe hơn.

Các trò chơi như giải câu đó hay điền từ vào chỗ trống yêu cầu những hiểu biết cơ bản về ngôn ngữ, kỹ năng giải quyết vấn đề. Các trò chơi đơn giản hơn như xếp hình hay ghép đồ vật về hình dạng ban đầu của chúng cũng cảm thiện khả năng nhận thức, hiểu biết về màu sắc, định hướng không gian và phối hợp tay mắt.

Việc chơi đùa giúp các bé thỏa sức phát huy trí tưởng tượng. Tất cả những điều này thúc đẩy khả năng giải quyết vấn đề, thực hành kỹ năng và diễn giải những thứ xung quanh của bé.

Giúp trẻ hiểu bản thân hơn

Các hoạt động vui chơi mang lại cho trẻ cảm giác hiểu bản thân hơn rất nhiều. Khi chơi đùa, một số trẻ nhận ra rằng chúng thích chơi với người khác hay chơi một mình. Thậm chí nhiều trò chơi còn có thể giúp phát triển sự đồng cảm và lòng trắc ẩn ở trẻ nhỏ. Các môn thể thao đồng đội như bóng rổ, bóng đá, bóng chày dạy trẻ cách xử lý thắng thua và học cách làm việc theo nhóm.

Một phần quan trọng của việc chơi đùa là nó giúp bé giao lưu với những đứa trẻ khác. Việc vui chơi theo nhóm dạy cho trẻ em cách tương tác với người khác, bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình, hiểu cách làm việc theo nhóm, kiểm soát, tiết chế hành vi của bản thân và hành động theo cách được xã hội chấp nhận.

Việc chơi đùa cũng dạy bé cách đưa ra lựa chọn và phân tích tình huống một cách khôn ngoan. Ví dụ trong trò chơi trốn tìm đơn giản, một đứa trẻ sẽ phải phân tích tình huống và đánh giá mức độ tốt hay xấu của mỗi điểm trốn. Sau đó, bé phải lựa chọn bằng cách quyết định nơi mình ẩn nấp.

Ngoài những điều kể trên, vui chơi cũng là một cách tuyệt vời để trẻ em học hỏi. Nhận thức về những con số, màu sắc, chữ cái, kiếm thức chung đều có thể được cải thiện thông qua việc vui chơi. Không chỉ con người, các loài động vật (cả hoang dã và dưới nước) đều cần vui chơi để xây dựng mối liên kết xã hội, chuẩn bị cho tuổi trưởng thành, đồng thời học hỏi và thực hành kỹ năng cho việc sinh tồn.

 

Nguyễn Dương (Theo ScienceABC)

Chủ đề khác