VnReview
Hà Nội

Từ 25.000 năm trước, người Đông Á cổ đại đã phải chiến đấu với virus Corona

Theo LiveScience, một loại Coronavirus cổ đại đã xuất hiện ở khu vực Đông Á từ 25.000 năm trước. Điều này có nghĩa con người đã phải chiến đấu với những loại virus nguy hiểm kể từ thời sơ khai.

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 3 triệu người trên trái đất và cho chúng ta biết sự hủy diệt mạnh mẽ của các loại virus. Tuy nhiên, có vẻ như mối đe dọa này không hề mới mẻ bởi con người đã phải chiến đấu với chúng từ thời điểm sơ khai. Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy, từ 25.000 năm trước, tổ tiên của những người sống ở khu vực Đông Á ngày nay đã phải đối mặt với một loại virus Corona.

Tác giả của nghiên cứu, ông David Enard - chuyên gia sinh thái học và tiến hóa tại Đại học Arizona - cho biết:;"Luôn có những loại virus lây nhiễm sang quần thể con người. Nó thực sự là một trong những động lực chính của chọn lọc tự nhiên trong bộ gen con người".

Bằng cách sử dụng công cụ hiện đại, các nhà khoa học đã có thể phát hiện ra những mầm bệnh từ thời cổ đại. Cách thức của họ là xác định chính xác cách virus thúc đẩy chọn lọc tự nhiên trong DNA của những người đang sống ngày nay.

Thông tin này có thể đóng góp rất nhiều cho việc nghiên cứu và dự báo các đại dịch trong tương lai. Enard trả lời LiveScience: 'Hầu như những điều xảy ra trong quá khứ sẽ xảy ra lần nữa trong tương lai'. Sử dụng các thông tin có sẵn trong cơ sở dữ liệu công khai, Enard và nhóm của ông đã phân tích bộ gen của 2.504 người trên 26 quần thể người khác nhau ở khắp thế giới.

Khi Coronavirus đi vào bên trong tế bào người, chúng tấn công bộ máy của tế bào để tái tạo. Điều này có nghĩa là virus có xâm nhập thành công hay không phụ thuộc vào sự tương tác của nó với hàng trăm loại protein khác nhau trong cơ thể con người. Các nhà nghiên cứu đã phóng to 420 protein của con người được biết là đã tương tác với Coronavirus, 332 trong số đó tương tác với SARS-CoV-2, loại virus gây ra Covid-19. Hầu hết các protein này giúp virus nhân lên trong tế bào, nhưng vẫn có những loại giúp tế bào chống lại virus.

Các gen mã hóa các protein đó đột biến liên tục và ngẫu nhiên. Tuy vậy, nếu một đột biến cung cấp cho gen lợi thế, chẳng hạn như khả năng chống lại virus tốt hơn thì nó sẽ có khả năng truyền lại cho thế hệ sau.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ở những người gốc Đông Á có một số gen đã qua chọn lọc và có tương tác với virus Corona. Nói cách khác, theo thời gian, một số biến thể xuất hiện thường xuyên hơn kỳ vọng. Chuỗi đột biến này giúp tổ tiên quần thể dân cư ở đây đề kháng tốt hơn với virus Corona cổ đại bằng cách thay đổi lượng protein được tạo ra bởi tế bào.

Từ đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng biến thể gen mã hóa số 42 trong số 420 loại protein mà họ phân tích bắt đầu tăng tần suất từ khoảng 25.000 năm trước. Sự lây lan của các biến thể tiếp tục cho đến khoảng 5.000 năm trước. Điều này cho thấy rằng virus Corona cổ đại đã đe dọa quần thể con người trong một thời gian dài.

Joel Wertheim, nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Diego cho biết: 'Virus gây ra một số áp lực chọn lọc mạnh nhất lên con người để thích nghi và Coronavirus có lẽ đã tồn tại từ rất lâu trước khi con người tồn tại'.

Một nhóm các nhà nghiên cứu khác gần đây cũng phát hiện ra rằng sarbecovirus (một 'thành viên của gia đình' Coronavirus) lần đầu tiên tiến hóa cách đây 23.500 năm, cùng thời điểm với các biến thể trong gen mã hóa protein liên quan đến Coronavirus lần đầu tiên xuất hiện ở người.

Nguyễn Dương (Theo LiveScience)

Chủ đề khác