VnReview
Hà Nội

Thanh niên Trung Quốc cao dưới 1,8 m bị coi là lùn, khó kiếm người yêu

Nhiều năm trở lại đây, chiều cao trung bình của người Trung Quốc đang có xu hướng tăng nhanh. Nguyên nhân đến từ thế hệ trẻ sinh sau năm 2000 khi có chỉ số chiều cao ấn tượng.

Vào năm 2019, chiều cao trung bình của thanh niên 19 tuổi ở Trung Quốc đã đạt 175,7 cm, vượt qua Hàn Quốc với 175,5 cm – quốc gia dẫn đầu về chiều cao nam giới ở những năm 2000 của khu vực Đông Á. Tuy nhiên, phần lớn giới trẻ Trung Quốc vẫn cảm thấy tự ti và muốn cao vượt ngưỡng 1,8 m.

Người Trung Quốc đang trở nên...;"khổng lồ"

Năm 2013, Tổng cục Thể thao Trung Quốc tuyên bố khoảng 55,8% nam giới trưởng thành tại các thành phố lớn trong độ tuổi từ 20 - 25 có chiều cao rơi vào khoảng 1,75 - 1,8 cm.

Ước tính trong 30 năm qua, chiều cao trung bình của thanh niên Trung Quốc đã tăng 7,5 cm. Điều đó đồng nghĩa với việc cứ sau 10 năm, người Trung Quốc lại cao hơn khoảng 2,5 cm. Có thể nói, nam giới Trung Quốc là một trong những nhóm người có thể chất tăng trưởng nhanh nhất, đặc biệt là chiều cao.

Chiều cao của thanh niên Trung Quốc trong độ từ 20 - 25 tuổi

Dữ liệu từ viện nghiên cứu sức khỏe NCD Risk Factor Collaboration cho thấy xếp hạng toàn cầu về chiều cao nam của Trung Quốc đã tăng từ hạng 150 vào năm 1985 lên 65 vào năm 2019, tăng tổng cộng 85 bậc.

Tuy nhiên điều đáng lo ngại ở thời điểm hiện nay là chiều cao thực tế của người trưởng thành Trung Quốc đang dần hụt xa so với dữ liệu lý tưởng, khiến cho họ vốn có tâm lý chú trọng chiều cao lại cảm thấy kém tự tin hơn.

Tại Trung Quốc, có quan niệm cho rằng chiều cao tỷ lệ thuận với khả năng gây ấn tượng của một người. Cụ thể là trên nền tảng hẹn hò HIMMR, người dùng nam sở hữu chiều cao từ 1,8 – 1,9 m thường có tỷ lệ ghép đôi thành công cao nhất với người dùng nữ.

Đa số người dùng nam được chọn bởi đối phương thường có chiều cao từ 1,8 - 1,85 m, trong khi với nữ chỉ từ 1,65 - 1,7 m

Trong khi với thế hệ Z (GenZ - sinh sau năm 1995), tiêu chí chiều cao quan trọng hơn cả tài chính, nền tảng gia đình hay trình độ học vấn trong mắt người phụ nữ. Còn ở chiều hướng ngược lại, nam giới chỉ xem chiều cao là yếu tố thứ hai khi được hỏi tìm kiếm điều gì ở người bạn gái lý tưởng. Được biết đối với nhiều cô gái, tiêu chí chọn bạn trai hàng đầu của họ là phải cao hơn 1,8 m.

Tầm quan trọng của chiều cao

Một chủ đề trên diễn đàn thảo luận Zhihu đã tạo nên làn sóng xôn xao cho phái mạnh khi hỏi về những bất lợi mà một người nam cao dưới 170 cm nhận được. Theo đó, đa phần ý kiến cho rằng họ phải đón nhận những lời chê bai, chế nhạo từ bạn bè khác giới. Trong khi số khác lại bày tỏ cảm xúc của chính mình khi đối mặt với nhược điểm thiếu chiều cao trên cơ thể.

Cựu cầu thủ bóng rổ người Trung Quốc cho NBA, Yao Ming có chiều cao lên đến 2,29 m

"Con trai cao dưới 1,6 m được coi như tật nguyền".

"Những cu cậu cao 1,72 m hoàn toàn khác so với người cao 1,75 m".

"Chà, bạn lùn quá. Bạn có đang chơi bóng rổ để phát triển chiều cao không vậy?".

"Đôi khi thấy những người tàn tật và người lùn bị đem ra làm trò cười trên TV, tôi rất buồn và tim tôi như thắt lại".

"Đừng khoác lên mình một chiếc áo rộng thùng thình. Trông bạn sẽ giống như đang mặc quần áo của bố mẹ mình vậy".

Trên đây là một số bình luận tiêu cực được quan tâm nhiều nhất trên Zhihu mà một số người cao dưới 1,70 m có thể đối mặt. Qua đó có thể thấy chiều cao là một thứ gì đó hệ trọng đã đi sâu vào tiềm thức của một bộ phận giới trẻ Trung Quốc.

Tiêu chuẩn chiều cao đang khiến những thanh niên thấp bé thiệt thòi

Sự phân biệt đối xử dựa trên chiều cao đã tồn tại từ lâu đời và ngày nay người ta vẫn liên hệ nó với các yếu tố như sức hút cá nhân, sự tài giỏi và khả năng lãnh đạo.

Những yếu tố xoay quanh tình trạng phân biệt đối xử dựa trên chiều cao

Nhà văn người Mỹ Malcolm Gladwell đã đưa ra phép tính trong cuốn "Blink: Sức mạnh của tư duy mà không cần suy nghĩ" rằng, ở điều kiện có kiểm soát, cứ mỗi inch (2,54 cm) chiều cao tăng lên, lương hàng năm của một người sẽ tăng thêm 789 USD (khoảng 18,2 triệu đông).

Trong nhiều trường hợp, nam giới cao hơn sẽ được xem là khỏe mạnh và thông minh hơn. Nhờ đó, họ cũng có được cơ hội việc làm và kết hôn tốt hơn. Còn đối với những người đàn ông thấp bé, họ phải đối mặt với những bất lợi nhất định.

Cho dù trong tình yêu, công việc hay tình bạn, sự phân biệt chiều cao đã đi sâu vào mọi khía cạnh đời sống của đàn ông Trung Quốc. Một số người trên các nền tảng mạng xã hội đã chế giễu hiện tượng cực đoan này, cho rằng "chỉ những người cao trên 1,8 cm mới được xem như đàn ông bình thường".

Ngọc Diệp (Theo Sixth Tone)

Chủ đề khác