VnReview
Hà Nội

Uống bia mỗi tối có tác động như thế nào đến cơ thể bạn?

Bia là loại thức uống cực kỳ phổ biến và là ngành công nghiệp béo bở, với doanh thu chỉ tính riêng thị trường Mỹ trong năm 2020 đã đạt 94 tỷ USD.

Với nhiều người, một ngày làm việc chưa được xem là hoàn thành nếu họ chưa cầm trên tay một chai bia lạnh, bật nắp và hớp một ngụm sảng khoái. Nhưng giống như mọi thứ được thực hiện đều đặn hàng ngày, uống bia mỗi đêm hiển nhiên không thể tránh gây ra những hiệu ứng lên cơ thể.

Bản hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ 2020-2025 khuyến cáo uống tối đa hai cốc bia mỗi ngày đối với đàn ông và một cộc hoặc ít hơn đối với phụ nữ, uống thức uống có cồn (cũng như carbohydrate và các thành phần khác có trong bia) hàng ngày có thể tác động xấu đến sức khoẻ của bạn.

Và nếu bạn là người uống nhiều hơn mức trung bình - điều mà 2 trong số 3 người làm ít nhất mỗi tháng (theo CDC) - những cốc bia bạn nạp vào cơ thể mỗi đêm có thể gây hại nhiều hơn lợi. Hãy cùng xem điều gì thực sự xảy ra với cơ thể bạn khi uống bia mỗi đêm.

Tăng cân

Cồn chứa 7 calogram, và bia thì có hàm lượng carbonhydrate khá cao (khoảng 13 carblon) do thành phần tinh bột của nó, có thể nói uống bia thường xuyên sẽ khiến lượng calo hấp thụ mỗi ngày của bạn tăng lên, dẫn đến tăng cân.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Elizabeth Huggins của Hilton Head Health, "Calo trong bia có thể chỉ thấp khoảng 170 calo/lít, nhưng cũng có thể cao đến 676 calo/lít". Cô nói tiếp rằng thói quen uống bia "có thể dẫn đến tăng cân, đặc biệt nếu bạn dùng kèm đồ ăn vặt". Cách cơ thể lấy "nhiên liệu" để đốt là một yếu tố khác giải thích lý do uống bia có thể gây tăng cân.

Tiến sỹ Michael Jensen, một chuyên gia nội tiết và là nhà nghiên cứu về bệnh béo phì tại phòng khám Mayo ở Rochester, Minnesota, giải thích rằng, "Nhìn chung, tiêu thụ cồn có liên quan đến tình trạng gia tăng kích cỡ vòng eo, bởi khi bạn uống cồn, gan đốt cồn thay vì chất béo". Dù riêng bia không phải là nguyên nhân gây tăng cân, lượng calo quá mức được nạp vào và cách cơ thể bạn sử dụng nó có thể là nguyên nhân của vấn đề.

Tăng nguy cơ tử vong

"Người ta thường nghĩ uống một hoặc hai lon bia mỗi ngày không là vấn đề gì to tát, và thậm chí còn có những nghiên cứu nói rằng điều đó có thể cải thiện sức khoẻ của bạn. Nhưng nay, chúng tôi phát hiện ra rằng kể cả những người uống bia rất ít mỗi ngày cũng có nguy cơ tử vong tăng lên" - bác sỹ Sarah M. Hartz nói về một nghiên cứu đang thực hiện như vậy.

Trong nghiên cứu năm 2018 đăng trên trang Alcoholism: Clinical & Experimental Research, Hartz và nhóm của cô đã nghiên cứu hai bộ dữ liệu từ hơn 400.000 cá nhân, mối liên kết giữa lượng cồn tiêu thụ (dữ liệu này được người tham gia tự khai) với tỷ lệ tử vong từ những người có độ tuổi 18 - 85. Họ phát hiện ra rằng những người uống một hoặc hai long trong liên tục 4 tối hoặc nhiều hơn mỗi tuần có nguy cơ chết sớm cao hơn 20% so với những người uống 3 tối hoặc ít hơn mỗi tuần. Dù bạn uống trong phạm vi cho phép, nên nhớ rằng tần suất uống cũng rất quan trọng.

Ảnh hưởng sức khoẻ răng miệng

Không chỉ gây ra tình trạng hôi miệng (hơi thở nồng nặc mùi bia!) nếu uống mỗi đêm, tiêu thụ thức uống có cồn - đặc biệt là bia - có thể dẫn đến nhiều hậu quả đối với sức khoẻ răng miệng. Giống như rượu vang đỏ có thể làm ố răng, một số loại bia có hiệu ứng tương tự - theo nha sỹ Joseph Banker. Ông giải thích rằng, "Bia có tính axit như rượu. Điều đó khiến răng có khả năng bị ố do lúa mạch đen và mạch nha trong các loại bia đen."

Thường xuyên uống bia hơn mức trung bình có thể gây ra những hậu quả lớn hơn đối với sức khoẻ răng miệng của bạn. Lạm dụng rượu là yếu tố lớn thứ hai dẫn đến ung thư vòm miệng (hút thuốc lá là yếu tố lớn nhất). Tiêu thụ cồn quá nhiều còn khiến bạn đứng trước nguy cơ cao bị các bệnh về nướu, sâu răng, và hình thành nhiều mảng bám răng hơn.

Tác động tiêu cực cho giấc ngủ

Bạn đang mơ mộng đến một cốc bia ngon lành trước khi lên giường? Dù cồn thường được cho là có thể khiến chúng ta ngủ quên trời đất, mối quan hệ giữa cồn với giấc ngủ trên thực tế có phần phức tạp hơn. Theo chuyên gia dinh dưỡng Katie Boyd, bia có thể gây tác động tiêu cực cho giấc ngủ của bạn. Cô nói rằng, "uống quá nhiều bia có thể gây gián đoạn giấc ngủ bởi nó khiến lượng insulin trong cơ thể bạn tăng cao vào giữa đêm nếu uống trước khi ngủ, do đó khiến bạn thức giấc. Vào buổi sáng, bạn sẽ cảm thấy chếnh choáng và không tươi tỉnh trong suốt phần còn lại của ngày".

Bên cạnh sản sinh insulin, uống bia vào buổi tối còn có thể làm giảm chu kỳ ngủ REM của bạn - vốn là giai đoạn ngủ cần thiết cho việc điều hoà trí nhớ, học tập, và tâm trạng - dẫn đến một giấc ngủ không thoải mái và có chất lượng kém. Và dù cồn có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ, nó thường gây ra một giấc ngủ chập chờn và mất ngủ, có nghĩa giấc ngủ không mang lại cảm giác được hồi phục sau ngày dài căng thẳng.

Thị lực bị ảnh hưởng về lâu dài

Nếu bạn uống hơi nhiều bia so với dự tính ban đầu (chúng ta ai cũng vậy!), bạn có lẽ đã quen với tình trạng thị lực tạm thời bị mờ nhoè hoặc "nhìn gà hoá cuốc". Tuy nhiên, uống bia mỗi tối có thể gây ra tác động lâu dài đối với thị lực của bạn, đặc biệt nếu bạn uống nhiều bia mỗi đêm.

Tiến sỹ Alexander Ionides, một bác sỹ nhãn khoa tại Clinic Compare (Anh), nói rằng, "nếu bạn thường xuyên uống một lượng lớn cồn, bạn sẽ có nguy cơ cao bị các tình trạng về mắt gây ảnh hưởng đến thi lực và dẫn đến tổn thương vĩnh viễn. Uống nhiều bia rượu liên tục sẽ gây áp lực đáng kể lên gan, và bởi mắt có liên hệ với nhiều cơ quan khác trong cơ thể, những người uống nhiều bia rượu sẽ dễ bị các bệnh về mắt và suy giảm thị lực hơn."

Thay vào đó, Ionides khuyến cáo nên uống với liều lượng vừa phải mỗi ngày. "Cơ thể của mỗi người sẽ khác nhau, có nghĩa phản ứng của chúng ta với cồn cũng sẽ rất khác nhau, nhưng lời khuyên là nên cân nhắc sử dụng đồ uống có cồn theo khuyến cáo… Tuân theo những hướng dẫn đó sẽ giúp bạn duy trì được đôi mắt khoẻ mạnh".

Uống bia vừa phải sẽ giúp giảm nguy cơ tiểu đường

Uống bia mỗi tối một cách điều độ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu năm 2017 về mối liên hệ giữa nguy cơ mắc tiểu đường với việc tiêu thụ cồn đã được thực hiện với sự tham gia của hơn 70.000 người ở Đan Mạch trong gần 5 năm trời. Kết quả cho thấy, tiêu thụ cồn vừa phải từ 3 - 4 ngày mỗi tuần giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường ở cả nam lẫn nữ giới.

Dù nghe có vẻ là tin tốt, nhưng điều quan trọng mà bạn cần biết là bia có chứa carbohydrate - thứ có thể khiến nồng độ đường trong máu của bạn tăng cao, gây ra nhiều vấn đề nếu bạn đang mắc tiểu đường. Cồn còn tương tác một cách tiêu cực với một số loại thuốc chữa tiểu đường. Vì vậy, bạn phải luôn hỏi ý kiến bác sỹ về việc uống bia nếu đang mắc bệnh tiểu đường để biết được làm thế nào không để lại những hậu quả tiêu cực.

Uống bia gây đau dạ dày

Bia có thể khá ngon miệng, nhưng ruột của bạn sẽ khóc thét nếu bạn uống bia mỗi tối. Một hoặc hai lon bia trước khi ngủ có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hoá - theo chuyên gia dinh dưỡng Katie Boyd. Cô cho biết, uống bia hàng ngày sẽ "gây sưng và kích thích đường tiêu hoá". Cô giải thích sâu hơn rằng, "Uống bia có thể khiến dạ dày sản xuất ra nhiều axit hơn bình thường, từ đó gây viêm đường ruột. Tác dụng phụ về lâu về dài của điều này là những bệnh như viêm dạ dày. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nghĩ ra từ ‘bụng bia' đâu"

Viêm dạ dày là một tình trạng khá khó chịu. Với triệu chứng dễ nhận thấy nhất là cảm giác nóng ở vùng bụng, viêm dạ dày có nguyên nhân từ việc đồ uống có cồn ăn mòn lớp phủ trên bề mặt dạ dày, khiến dạ dày dễ bị kích thích bởi dịch tiêu hoá hơn. Dù viêm dạ dày thường tự dịu đi, nếu không được chữa trị nghiêm túc, người bệnh dễ bị loét dạ dày hoặc chảy máu dạ dày. Hãy cảnh giác các triệu chứng, luôn nhớ rằng uống bia buổi tối có lẽ không phải là "món quà" bạn muốn tặng cho dạ dày của mình.

Giúp cải thiện sức khoẻ tim mạch

Đau tim chiếm đến 13,4% nguyên nhân tổng số ca tử vong tại Mỹ trong năm 2018. Đó là lý do tại sao bạn nên biết rằng uống bia mỗi tối có thể giúp giảm nguy cơ đau tim.

Theo một nghiên cứu vào năm 2015 đăng trên tạo chí Tim mạch châu Âu, tiêu thụ cồn vừa phải có mối liên hệ với việc giảm nguy cơ bị đau tim sau này, và các tác giả nghiên cứu phát hiện ra rằng "tiêu thụ cồn với tần suất 7 lần/tuần ở giai đoạn đầu của tuổi trung niên có thể giúp giảm nguy cơ đau tim trong tương lai, trong đó giảm rõ rệt hơn ở nam giới so với nữ giới. Những phát hiện này cho thấy mặc dù uống quá nhiều sẽ gây nguy hiểm, tiêu thụ cồn vừa phải ở giai đoạn đầu của tuổi trung niên có thể góp phần làm giảm nguy cơ đau tim"

Tuy nhiên, tiêu thụ đồ uống có cồn để làm giảm nguy cơ đau tim hay các bệnh tim mạch có lẽ chẳng phải là giải pháp tốt nhất. Chuyên gia tim mạch Leslie Cho khi nói về việc cồn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch đã khẳng định: "Đừng uống bất kỳ đồ uống có cồn nào sẽ tốt hơn"!

Bị nghiện

Uống bia thường xuyên có thể không đáng quan ngại, nhưng bạn phải chú ý đến thói quen uống của mình. George Kooob, giám đốc Viện Quốc gia về Lạm dụng Đồ uống có cồn và Nạn nghiện rượu, giải thích rằng, "Lệ thuộc thường song hành với nghiện, nhưng không phải là một thứ. Bạn có thể lệ thuộc vào hầu như bất kỳ chất nào nếu nó là một phần trong hoạt động thường ngày của bạn, nhưng điều đó không có nghĩa bạn bị nghiện".

Điểm khác biệt giữa lệ thuộc và nghiện đồ uống có cồn là khả năng biết điểm dừng. Tiến sỹ Lawrence Weinstein, giám đốc y tế tại American Addiction Centers, cho biết, "sử dụng không hợp lý có thể xảy ra, nhưng bạn có thể chọn ngừng lại" và "ngoài ra, việc sử dụng không hợp lý này có thể không ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống của bạn".

Tuy nhiên, lệ thuộc có thể dẫn đến nghiện, vốn có biểu hiện là không thể ngừng uống đồ uống có cồn được.

Giúp làm chắc xương

Bia giúp xương khoẻ hơn? Đây là một hệ quả không ngờ đến của việc uống bia. Nguyên nhân là bởi bia có chứa thành phần silicon cao, trong đó bia được ủ lâu hơn sẽ có hàm lượng silicon cao hơn do có nhiều chất lúa mạch hơn.

Theo Charles Bamforth thuộc Đại học California, "lúa mì chứa ít silicon hơn lúa mạch bởi lớp vỏ lúa mạch rất giàu thành phần này. Dù hầu hết silicon vẫn được giữ lại trong quá trình nấu và ủ bia, một lượng đáng kể silicon vẫn được trích xuất thành men bia và phần lớn số này tích tụ trong bia thành phẩm".

Dù canxi thường được cho là loại dưỡng chất cần có để cải thiện sức khoẻ xương, silicon cũng đóng vai trò quan trọng. Một nghiên cứu trên tạp chí Dinh dưỡng, Sức khoẻ và Tuổi thọ từng cho thấy những lợi ích của silicon đối với sức khoẻ xương, chỉ ra mối liên hệ giữa tiêu thụ silicon và quá trình tổng hợp sollagen. Tác giả nghiên cứu, tiến sỹ Ravin Jugdaohsingh, nhấn mạnh rằng "bằng chứng trong 30 năm qua khẳng định silicon trong chế độ ăn uống mang lại lợi ích cho xương và sức khoẻ của mô".

Tăng nguy cơ mắc bệnh gan

Gan có vai trò lớn trong quá trình xử lý cồn. Là một trong những cơ quan chủ đạo làm nhiệm vụ lọc chất độc, tiêu thụ cồn thường xuyên có thể gây áp lực và làm tổn hại gan, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan.

Một trong những dấu hiệu gan bị ảnh hưởng bởi cồn là sự hình thành "mỡ gan". Mỡ gan có thể gây khó chịu vùng bụng và mệt mỏi cho cơ thể, và nếu không được chữa trị có thể phát triển thành viêm gan do cồn, một căn bệnh khó chữa hơn. Nếu gan tiếp tục bị tàn phá, tình trạng sẽ chuyển thành xơ gan do cồn, một tình trạng nghiêm trọng và không thể cứu vãn, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn nữa. Do đó, nếu uống bia mỗi ngày, hãy cân nhắc và tiêu thụ theo liều lượng vừa phải.

Tăng nguy cơ ung thư

Với việc ung thư là nguyên nhân dẫn đến gần 10 triệu cái chết trên toàn thế giới chỉ trong năm 2020, lời khuyên cho bạn là nên làm mọi thứ có thể để giảm nguy cơ phát triển ung thư. Không may là, uống bia mỗi tối có thể đặt bạn trước nguy cơ cao mắc nhiều loại ung thư khác nhau.

Dù nguy cơ sẽ tăng cao nhất khi uống bia quá nhiều, ngay cả uống vừa phải cũng có mối liên hệ với một số loại ung thư nhất định - theo kết quả từ một nghiên cứu vào năm 2015. Nghiên cứu này tìm hiểu mối liên hệ giữa tiêu thụ đồ uống có cồn và nguy cơ ung thư, kết quả cho thấy kể cả khi uống ít, chỉ một lon bia mỗi ngày, cũng có thể làm tăng nguy cơ bị các bệnh ung thư liên quan đến cồn, đặc biệt là ung thư vú.

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng uống bia quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm họng, miệng, gan, trực tràng, và dạ dày. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị không nên uống quá một lon bia mỗi ngày đối với nữ giới và hai lon mỗi ngày với nam giới.

Cải thiện hệ miễn dịch

Như đã nói ở trên, uống bia có thể gây hại cho dạ dày của bạn, nhưng uống một lượng nhỏ vào buổi tối có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Đó là bởi bia có khả năng tăng cường hệ miễn dịch. Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng của Anh: "tiêu thụ một lượng cồn vừa phải dường như có tác động tích cực đến hệ miễn dịch so với việc lạm dụng hoặc kiêng cử cồn". Đúng vậy, nghiên cứu này chỉ ra rằng uống một lượng nhỏ cồn có thể đẩy mạnh phản ứng miễn dịch trong cơ thể bạn.

Tuy nhiên, những nghiên cứu khác lại bác bỏ ý tưởng uống bia để tăng cường hệ miễn dịch. Tiến sỹ E. Jennifer Edelman, chuyên gia về tình trạng nghiện thuốc tại Trường Y Yale, nói rằng: "Cồn có nhiều hiệu ứng khác nhau lên cơ thể, bao gồm lên tất cả các tế bào của hệ miễn dịch, và dẫn đến làm tăng nguy cơ bị các nhiễm trùng nghiêm trọng".

Ngoài ra, Tiến sỹ Alex Mroszczyk-McDonald, một bác sỹ gia đình ở Nam California, cảnh báo: "Nếu các tế bào phủ trên hệ thống đường thở của một người bị tổn thương bởi cồn, thì các hạt vi khuẩn, như COVID-19, sẽ dễ dàng xâm nhập cơ thể, khiến các tế bào miễn dịch vốn có chức năng chống lại nhiễm trùng không hoạt động tốt nữa, dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng hơn cũng như các biến chứng khác".

Tăng nồng độ vitamin B trong cơ thể

Bia không phải loại thức uống khoẻ mạnh nhất hiện nay, nhưng nó chắc chắn mang lại một vài lợi ích về mặt dinh dưỡng. Ví dụ, bia khá giàu vitamin B như niacin, riboflavin, và B-6, so với một số thức uống có cồn khác. Nó còn có đặc tính chống oxy hoá độc nhất.

Theo Tiến sỹ Margo A. Denke, "bia có chứa nhiều protein và vitamin B hơn rượu. Các chất chống oxy hoá trong bia cũng tương đương với rượu, nhưng cụ thể thành phần từng chất thì khác nhau bởi lúa mạch và hoa bia dùng trong sản xuất bia có chứa các falvonoid khác so với trong nho dùng để sản xuất rượu"

Với việc vitamin B rất quan trọng đối với các chức năng cơ thể như chuyển hoá thức ăn thành năng lượng và phát triển não bộ, nạp đủ loại vitamin này là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, Denke nhấn mạnh rằng dù hàm lượng vitamin B trong bia cao hơn, "những lợi ích của việc tiêu thụ vừa phải thức uống có cồn nhìn chung không được khuyến khích bởi các bác sỹ vì lo ngại rằng những người thích uống bia sẽ lấy đó làm ‘giấy phép' để được uống thả cửa".

 

Minh.T.T (theo Health Digest)

Chủ đề khác