VnReview
Hà Nội

3 lý do không nên đặt điện thoại gần cơ thể khi ngủ

Bạn có thường để điện thoại dưới gối khi ngủ không? Nếu có, đã đến lúc bạn nên suy nghĩ lại.

Đi ngủ

Có rất nhiều tính năng hữu dụng trên điện thoại như nhắn tin, gọi điện, email, hay thanh toán trực tuyến… khiến chúng ta giữ điện thoại bên mình trong hầu hết thời gian trong ngày. Thậm chí, việc đầu tiên nhiều người làm khi thức dậy chính là kiểm tra thông báo trên điện thoại. Để thuận tiện, chúng ta thường sẽ đặt điện thoại gần giường ngủ.

Tuy nhiên, bạn không nên duy trì thói quen này bởi 3 lý do sau đây, tổng hợp từ trang Makeuseof.

1. Gây khó ngủ

Một nghiên cứu năm 2011 cho biết cứ 10 người Mỹ thì có 9 người sử dụng thiết bị công nghệ trước khi đi ngủ. "Thiết bị công nghệ" ở đây bao gồm điện thoại di động, TV, máy tính, máy chơi game… Được những người trẻ dưới 30 tuổi sử dụng phổ biến nhất chính là điện thoại di động. Và ở những người này, giấc ngủ thường đến một cách khó khan hơn bình thường.

Sử dụng các thiết bị công nghệ, đặc biệt là điện thoại trước khi đi ngủ, đồng nghĩa với việc cơ thể và não bộ không có đủ thời gian cần thiết để thư giãn. Thêm vào đó, bạn cũng rất dễ bị cuốn vào trò chơi nếu đang chơi game, hoặc nếu sử dụng mạng xã hội, bạn có thể sẽ lại lướt bảng tin mải miết.

Thật khó để rời điện thoại khi bạn đang tương tác dở với một thứ nào đó, bất kể đó là một đoạn chat văn bản, hay ứng dụng khác phức tạp hơn. Bằng cách không đặt điện thoại gần tầm với khi bạn đang cố thư giãn để đi vào giấc ngủ, bạn sẽ tránh được việc bị cám dỗ sử dụng nó một cách vô thức.

2. Làm rối loạn chu kỳ giấc ngủ

dùng đt

Về cơ bản, ánh sáng xanh làm chậm quá trình giải phóng melatonin tự nhiên trước khi đi vào giấc ngủ, khiến cho đồng hồ sinh học bị rối loạn. Nhịp sinh học của con người, hay nói cách khác, thói quen thức dậy và đi ngủ, ở một mức độ nào đó, vẫn có liên hệ khá chặt chẽ với chu kỳ bình minh, hoàng hôn mỗi ngày của tự nhiên.

Điện thoại di động ảnh hưởng đến nhịp sinh học chủ yếu nguyên nhân đến từ ánh sáng xanh. Dù bạn tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng xanh trước khi đi ngủ hay chỉ là màn hình đột nhiên phát sáng bởi có thông báo đến, chu kỳ giấc ngủ của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Rất có thể nó sẽ khiến bạn tỉnh dậy với cảm giác chuếnh choáng hoặc thiếu ngủ.

Cách tốt nhất để hạn chế ảnh hưởng của ánh sáng xanh là không sử dụng điện thoại trong vài giờ trước khi ngủ.

Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng điện thoại trước giờ ngủ, bạn cần đảm bảo đã bật bộ lọc ánh sáng xanh, hiện có rất nhiều loại bộ lọc ánh sáng xanh có thể giúp giảm phần nào tác động của nó lên cơ thể. Dù sao thì, bạn hãy cố gắng dành ít nhất 1 giờ không sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ nhé.

3. Nguy cơ nhiễm xạ

Nhiều người cho rằng sử dụng điện thoại di động có thể gây ung thư. Đến nay, vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học chắc chắn để khẳng định tuyên bố này.

Một nghiên cứu trong dự án National Toxicology Program (Chương trình Độc chất học Quốc gia của Mỹ) năm 1999 đã tìm thấy bằng chứng về các khối u, cả lành tính và ác tính, trong tim, não, và tuyến thượng thận của những con chuột trong thí nghiệm tiếp xúc với bức xạ tần số vô tuyến phát ra từ điện thoại di động.

Tuy nhiên, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) cho rằng "Các bằng chứng khoa học trong gần 30 năm nay không cho thấy có sư liên quan giữa việc tiếp xúc với năng lượng bức xạ từ việc sử dụng điện thoại di động với các vấn đề sức khỏe, như ung thư."

Do các kết quả nghiên cứu và thông tin bên lề có nhiều điểm trái ngược, thật khó để hành động thật chính xác.

Đúng là điện thoại di động phát ra một bức xạ không ion hóa (non-ionizing radiation) ở mức thấp, nhưng chỉ khi nó được sử dụng. Tác dụng phụ duy nhất của bức xạ này là tạo nhiệt. Điện thoại sẽ nóng lên sau khi sử dụng một thời gian, và tất nhiên, nếu lúc này bạn sử dụng điện thoại thì các mô của cơ thể tiếp xúc thiết bị cũng sẽ nóng lên theo.

Nếu bạn lo lắng về khả năng tiếp xúc với bức xạ, có một số việc bạn có thể làm như:

- Đặt điện thoại xa giường ngủ. Nếu có bất kỳ cuộc gọi hay thông báo nào đến lúc nửa đêm làm bức xạ phát ra từ điện thoại tăng thì khoảng cách cũng đủ xa để bạn không bị ảnh hưởng quá nhiều.

- Nếu bạn cần nghe nhạc hay podcast khi ngủ, hãy dùng tai nghe hoặc loa Bluetooth.

- Nếu bạn muốn hạn chế tiếp xúc với bức xạ điện tử hơn nữa, hãy bật chế độ rảnh tay (hands-free) và không để điện thoại trong túi quần. Tăng khoảng cách giữa cơ thể và điện thoại di động là chìa khóa để giảm bất kỳ tác động nào có thể có, dù là nhỏ nhất mà bức xạ vô tuyến có thể gây ra cho bạn.

4. Lời kết

Hãy thử đặt điện thoại vào một phòng khác khi ngủ. Hoặc, nếu bạn cần sử dụng điện thoại làm đồng hồ báo thức, hãy đảm bảo nó cách xa giường ngủ ít nhất khoảng 1 mét. Một lợi ích phụ là bạn có thể sẽ tỉnh giấc đúng giờ hơn; bởi nếu điện thoại không nằm trong tầm với, bạn sẽ chẳng sẽ tắt báo thức dễ dàng.

Có thể bạn sẽ không nhận thấy quá nhiều khác biệt khi đặt điện thoại xa hơn khi ngủ, nhưng nó chắc chắn sẽ giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ, từ khả năng vào giấc, cho đến độ sâu của giấc ngủ. Trong nhịp sống hối hả thường ngày, có một giấc ngủ ngon là điều vô cùng quan trọng.

Shirley

Chủ đề khác