VnReview
Hà Nội

Phát hiện loài cóc bí ngô có da phát quang

Các nhà khoa học tại Brazil cho biết họ đã khám phá ra một loài cóc có độc mới ẩn nấp đằng sau một loại khác do có ngoại hình tương tự nhau. Loài cóc mới có kích thước nhỏ, có da và xương phát quang dưới đèn cực tím.

Brachycephalus rotenbergae, loài cóc bí ngô mới được phát hiện tại Brazil (Ảnh: Edelcio Muscat)

Ivan Sergio Nunes Silva Filho, là nhà động vật học tại Đại học São Paulo, và các cộng sự của ông đã nghiên cứu về sự đa dạng sinh học tại vùng Amazon của Brazil một thời gian dài. Một phần công trình nghiên cứu của ông bao gồm việc nghiên cứu các loài thuộc một chi của động vật lưỡng cư có tên Brachycephalus. Không phải tất cả các loài cóc và ếch trong chi này đều giống nhau. Tuy nhiên, tất cả đều có kích thước rất nhỏ nếu so với những loài chúng ta thường gặp, trong đó loài có kích thước lớn nhất dài chưa đến 1cm. Nhiều loài cũng có da màu da cam và đôi khi còn có độc tính, do đó chúng thường được gọi là cóc bí ngô (những con có màu nâu đậm hơn được gọi là cóc/ếch bọ chét).

Hiện các nhà khoa học đã tìm ra hơn 30 loài thuộc chi Brachycephalus, trong đó có 15 loài được phát hiện mới trong vòng 5 năm trở lại. Đặc biệt, có một loài được đặt tên là Brachycephalus ephippium được tìm thấy phổ biến khắp Brazil. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu như Nunes nghi hoặc rằng liệu số lần tìm thấy B. ephippium có thể nào là một loài khác có họ hàng gần nhưng chưa được phát hiện hay không.

Trong báo cáo nghiên cứu vừa được đăng tải vào tuần trước, các nhà nghiên cứu nhận định họ đã tìm ra một loài mới thuộc trường hợp trên ở dãy núi Mantiqueira và khu rừng phía Đông Nam Brazil. Họ đã quyết định đặt tên loài mới là Brachycephalus rotenbergae, theo tên của Elsie Laura Klabin Rotenberg, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Projeto Dancnis với nhiệm vụ bảo tồn môi trường tại Brazil, tổ chức này đã tài trợ cho công trình nghiên cứu trên.

Da của loài cóc Brachycephalus rotenbergae phát quang dưới đèn cực tím (Ảnh: Muscat/PLOS One)

"Các loài trong chi này có hình thái rất giống nhau (hình dáng, kích thước và cấu tạo cơ thể). Vì vậy chúng tôi cần dữ liệu từ một vài loài để đảm bảo phát hiện này là chính xác", Nunes trả lời trang tin Gizmodo. "Ví dụ, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi quan sát bộ gen, hình thái bên ngoài và bên trong của chúng, thậm chí là cả âm thanh mà chúng phát ra, và tìm thấy rằng có một số điểm khác biệt đủ để xác lập một loài mới".

Về mặt di truyền, loài cóc bí ngô mới dường như có bộ gen khác với B. ephippium chỉ 3% hoặc thấp hơn, do vậy mà phần ngoại hình của chúng không có nhiều khác biệt. Loài cóc B. rotenbergae có những đốm sẫm màu mờ trên hộp sọ, đặc điểm này không có ở những loài có họ hàng gần. Tiếng kêu giao phối của chúng cũng có một chút khác biệt so với những loài khác.

"Khoảng 100 năm trước, hay thậm chí là 50 năm thôi, việc mô tả một loài mới rất đơn giản. Nhưng hiện tại, chúng ta phải làm rất nhiều thứ mới có thể mô tả những loài cực kỳ giống nhau", Nunes cho biết.

Tương tự như các loài khác cùng chi, kích thước của một chú cóc bí ngô trưởng thành chưa đến 1cm (Ảnh: Edelcio Muscat)

Hiện vẫn còn rất nhiều bí ẩn đằng sau những loài cóc bí ngô. Khoảng vài năm trước, các nhà khoa học khám phá ra rằng một số loài có bộ xương phát quang dưới đèn cực tím, cũng là một thuộc tính có ở loài cóc bí ngô mới được phát hiện. Nhưng trong số những loài động vật có đặc điểm tương tự, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra mục đích của đặc tính này là gì. Một số giả thuyết cho rằng phát quang là một cách để cảnh báo các loài động vật ăn thịt trước khả năng trúng độc nếu ăn chúng. Tuy nhiên, Nunes cho rằng đây cũng có thể là cách để những con cóc có thể nhận ra nhau.

Một đặc điểm khác lạ nữa là tiếng gọi giao phối. Vì những chú cóc này có kích thước rất nhỏ nên các nhà khoa học cho rằng chúng không thể nghe tiếng gọi giao phối có âm vực cao hơn từ con khác. Mặc dù không thể nghe được nhưng chúng vẫn cất tiếng gọi giao phối. Nunes cho rằng, qua thời gian, có thể hành vi này sẽ biến mất. Nhưng một số chuyên gia khác cho rằng có thể nó vẫn sẽ tồn tại vì không có áp lực nào khiến hành vi này bị triệt tiêu khi tiến hóa. Do loài cóc này có độc tính mạnh nên các loài ăn thịt thường không đến gần dù tiếng kêu của chúng có to đến đâu.

Một số loài thuộc chi Brachycephalus,;như B. ephippium, có số lượng cá thể rất lớn. Trong khi đó, một số loài lại đang trong tình trạng nguy hiểm do số lượng cá thể thấp và bị con người xâm chiếm môi trường sống. Do vậy, Nunes và nhóm của ông dự tính sẽ tiếp tục nghiên cứu loài cóc bí ngô mới này để hiểu rõ hơn về đặc tính sinh học cũng như môi trường sống của chúng.

Minh Bảo theo Gizmodo

Chủ đề khác