VnReview
Hà Nội

Tên lửa Trung Quốc nặng 22 tấn sắp rơi xuống Trái đất liệu có nguy hiểm?

Cho đến lúc này, chúng ta vẫn chưa biết liệu tên lửa này sẽ tiếp đất ở đâu, nhưng khả năng bạn gặp nguy hiểm là hầu như không có.

Một tên lửa khác của Trung Quốc bị "mất kiểm soát" trên quỹ đạo đang gây xôn xao trên khắp các mặt báo. Nhưng hãy bình tĩnh, bởi chúng ta - những người đang sống trên Trái đất - không cần phải quá lo lắng về nó.

Theo TheVerge, xác tên lửa Long March 5B, dài 30,5 mét, nặng 22 tấn, từng được sử dụng để phóng phần đầu tiên của trạm vũ trụ mới do Trung Quốc sản xuất lên quỹ đạo vào tuần trước, sẽ rơi ngược vào bầu khí quyển Trái đất trong dịp cuối tuần này. Và theo các nhà phân tích, khả năng rất cao những mảnh vụn của nó sẽ hạ cánh xuống đại dương.

"Phần lớn Trái đất được bao phủ bởi nước, do đó nguy cơ là gần như không có" - theo Dan Oltrogge, nhà sáng lập Tổ chức An toàn Vũ trụ và là chuyên gia hàng đầu về chính sách tại Trung tâm Điều hành Vũ trụ Thương mại của AGI. Nguy cơ đối với công chúng không phải là zero, ông nói, "nhưng thấp hơn rất nhiều" nếu nó hướng về các đại dương.

Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ, vốn là nơi theo dõi gần 27.000 mảnh rác do con người tạo nên đang lơ lửng trên quỹ đạo, hiện đang theo sát vị trí của tên lửa Long March, "nhưng vị trí chính xác mà nó sẽ đi vào bầu khí quyển Trái đất hiện chưa thể xác định được cho đến khi cách đó vài tiếng", và họ ước tính rằng tên lửa này sẽ đi vào bầu khí quyển vào thứ 7, ngày 8/5 này (theo giờ Mỹ).

Hầu hết các tầng của tên lửa chính sẽ không đi vào quỹ đạo. Chúng luôn rơi xuống đại dương ngay sau khi đẩy một tầng tên lửa khác, nhỏ hơn, vào quỹ đạo. Nhưng tên lửa Long March 5B của Trung Quốc có một thiết kế khá độc đáo, với toàn bộ tầng đầu tiên của nó được phóng lên quỹ đạo hạ Trái đất để đưa được kiện hàng - một mô-đun Tianhe nặng 22,5 tấn được thiết kế để làm khu vực sinh hoạt cho trạm vũ trụ mới của Trung Quốc trong vài năm tới.

Thân tên lửa hiện đã ngừng hoạt động, và không thể điều khiển được nữa. Nó đang bay quanh Trái đất theo đường chéo ở một góc nghiêng 41,5 độ so với xích đạo. Có nghĩa là nó sẽ bay ngang qua một vùng khá lớn của Trái đất, đến tận những quốc gia ở bán cầu nam như Chile và nửa trên của New Zealand, và các khu vực ở bán cầu bắc như New York và Madrid. Nhưng phần lớn cuộc hành trình này sẽ đi qua các vùng biển quốc tế, cho thấy khả năng tên lửa rơi xuống một khu vực đông dân cư là vô cùng nhỏ.

"Khả năng bất kỳ người nào bị đâm phải là khá thấp. Chính xác là cực kỳ thấp" - Oltrogge nói.

Thế nhưng vẫn có một số quan ngại về vấn đề an toàn vũ trụ. Phóng một tầng tên lửa lớn vào quỹ đạo hạ Trái đất, nơi các vệ tinh và rác vũ trụ ngày càng đông đúc, là hành động tiềm ẩn nguy cơ to lớn. Và hoàn toàn có khả năng nhiều phần của tên lửa có thể không cháy hết khi băng qua bầu khí quyển của Trái đất. Năm ngoái, nhiều mảnh của một tên lửa Long March 5B khác đã rơi xuống ngay phía trên Bờ Biển Ngà ở châu Phi sau khi đưa thành công một vệ tinh thử nghiệm vào không gian.

"Các vật thể bay vào lại khí quyển hầu như mỗi ngày, và cứ vài tháng lại có một vài thứ rơi xuống mặt đất" - nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell của Harvard nói. "Nhưng đây mới là lần thứ hai (sau lần vào lại khí quyển hồi năm ngoái của một tên lửa cùng loại) trong 30 năm qua có một thứ lớn thế này đi vào khí quyển mà không thể điều khiển được".

Tên lửa Long March 5B của Trung Quốc

Tiangong-1, trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc được phóng lên vào năm 2011, là vật thể lớn khác rơi vào khí quyển một cách mất kiểm soát vào năm 2018, nhưng gần như đã bị thiêu rụi trong bầu khí quyển phía trên Nam Thái Bình Dương. "Vào thời điểm nó đi vào khí quyển, nó nặng 7 tấn, nhỏ hơn đáng kể so với kích cỡ của Long March 5B khi đi vào khí quyển" - McDowell nói. "Tôi cho rằng nhiều mảnh lớn sẽ rơi xuống bề mặt Trái đất - có thể là những mảnh nặng đến 100kg"

Dù việc các vật thể đi vào lại khí quyển là rất phổ biến, và hầu hết đều không còn lại gì khi xuyên qua khí quyển, chúng vẫn khá khó để dự báo, theo lời chỉ huy Quân đoàn Vũ trụ Mỹ, đại tướng John Raymond. "Khi chúng ta gần nó hơn, dữ liệu sẽ được tinh chỉnh. Nhưng Bộ chỉ huy đang theo dõi nó, họ đang quan sát nó rất kỹ" - ông nói thêm.

Trong trường hợp hiếm hoi khi một mảnh của Long March rơi xuống mặt đất - chưa nói đến chuyện vùng đất đó có đông dân hay không - nó sẽ gây ra một số vấn đề liên quan luật quốc tế. Theo hiệp ước Trách nhiệm pháp lý không gian năm 1972, các quốc gia phải có trách nhiệm pháp lý với các vật thể họ phóng vào không gian. Nhưng "kêu gọi hiệp ước trách nhiệm pháp lý cũng gần như là một quyết định chính sách ngoại giao chứ không như một quyết định pháp lý" - Chris Newman, giáo sư luật không gian tại Đại học Northumbria, Anh, cho biết. "Nước ‘nạn nhân' có thể lệ thuộc nhiều vào nước ‘có trách nhiệm' về các mặt cơ sở hạ tầng hay đầu tư và do đó không muốn gây xích mích".

Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ bồi thường cho những thiệt hại gây ra bởi tầng tên lửa của họ.

"Trung Quốc, giống như Mỹ, là nước tham gia hiệp ước Trách nhiệm pháp lý và do đó phải có trách nhiệm bồi hoàn cho thiệt hại gây ra bởi vật thể vũ trụ của họ trên bề mặt Trái đất hay cho các máy bay đang bay. Chúng tôi khuyến khích mọi quốc gia tiến hành các hoạt động vũ trụ một cách minh bạch và có trách nhiệm" - một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Minh.T.T (theo TheVerge)

Chủ đề khác