VnReview
Hà Nội

Tại sao chúng ta không tận dụng sân bay làm trang trại điện mặt trời khổng lồ?

Sân bay là nơi sở hữu những dải đất trống mênh mông, và bản thân mái của các nhà ga cũng vô cùng rộng lớn. Nhưng việc phủ những tấm pin năng lượng mặt trời lên tất cả mọi thứ lại chẳng hề đơn giản như tưởng tượng.

Bạn có biết thứ gì thích những không gian mở không? Những tấm pin năng lượng mặt trời, thứ ghét cay ghét đắng bóng râm của không chỉ những tán cây mà còn của những toà nhà cao tầng nữa. Vậy thì tại sao chúng ta không phủ những tấm pin này khắp các sân bay, vốn là nơi có không gian rộng lớn nhưng không thể được dùng vào bất kỳ việc gì ngoại trừ các hoạt động hàng không? Hoá ra, sân bay không chỉ có rất nhiều không gian trống, chúng còn có hàng tá quy tắc phải tuân thủ.

Nhưng hãy nói về tiềm năng của chúng trước. Nghiên cứu mới được thực hiện tại Úc đã cho thấy hiệu quả cực cao nếu phủ các tấm pin năng lượng mặt trời ở 21 sân bay tại quốc gia này. Các nhà nghiên cứu đã quét hình ảnh vệ tinh của các sân bay để tìm những không gian mái thoáng đãng, nơi các tấm pin năng lượng mặt trời có thể được bố trí mà không dính quá nhiều bóng râm, và phát hiện ra tổng diện tích có thể sử dụng được vào khoảng 2,61 km vuông.

Để so sánh, họ còn quét ảnh vệ tinh và phát hiện 17.000 tấm pin năng lượng mặt trời của các hộ gia đình ở thị trấn Bendigo, phía bắc Melbourne ở nam Úc. Các nhà nghiên cứu đã tính toán được rằng các sân bay có tiềm năng sản xuất được lượng năng lượng mặt trời gấp 10 lần các tấm pin của 17.000 hộ gia đình kia - đủ để cung cấp cho 136.000 ngôi nhà. Chỉ riêng sân bay Perth đã sản sinh lượng điện gấp đôi so với Bendigo (Perth là một sân bay rất nắng, với nhiều toà nhà lớn). Họ còn tính toán rằng việc phủ các tấm pin năng lượng mặt trời ở toàn bộ 21 sân bay sẽ giúp giảm lượng khí nhà kính thải ra đến 152 kiloton mỗi năm, tương đương với việc loại bỏ 71.000 xe hơi đang vận hành hiện nay.

Có khí hậu nắng ấm, người Úc hiển nhiên đang ngồi trên "mỏ vàng" năng lượng. Những không gian mái nhà trống rộng lớn ở các sân bay mang lại cơ hội để tập trung hoá quá trình sản xuất điện mặt trời. Lắp đặt các tấm pin lên từng nhà là việc nên làm - và không ai nói rằng điều đó cần phải ngừng lại, bởi chúng ta cần thu được càng nhiều năng lượng mặt trời càng tốt. Nhưng những tấm pin thương mại có kích cỡ lớn hơn và hiệu quả hơn, do đó chúng có thể sản sinh nhiều năng lượng hơn. Thêm nữa, mái nhà dân có đủ hình dáng và kích cỡ, khiến việc lắp đặt bên trên khó hơn nhiều so với mái nhà của một toà nhà thương mại, vốn thường phẳng. "Cứ hình dung nhân lực cần để lắp đặt trên những toà nhà dân cư với đủ hình dạng khác nhau mà xem" - giáo sư Chayun Sun ở Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne nói. "Hãy so điều đó với những toà nhà sân bay mái phẳng"

Việc phủ các tấm pin mặt trời ở sân bay còn có thể giúp chúng tự cấp điện phục vụ nhu cầu, và thậm chí là xuất khẩu điện đi nơi khác. "Chúng không chỉ có thể tự vận hành, chúng có lẽ còn thừa điện và gửi đến lưới điện để cung cấp cho khu vực xung quanh" - Sun nói.

Dù phủ các tấm pin năng lượng mặt trời lên mái các toà nhà ở sân bay có thể hiệu quả, đó là điều không dễ dàng. Ví dụ, ở Mỹ, Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) yêu cầu các viên chức sân bay phải chứng minh được những tấm pin mới của họ sẽ không gây chói mắt, phản xạ ánh sáng vào mặt các phi công và các kiểm soát viên không lưu ở tháp không lưu (trên thực tế, đây không phải vấn đề đáng lo ngại nhờ lớp phủ các tấm pin năng lượng mặt trời hiện đại, nhưng vẫn là điều các viên chức cần xem xét trong quy hoạch). FAA còn muốn đảm bảo các tấm pin này không gây nhiễu cho hoạt động của radar ở sân bay.

Ngoài ra, có thể cần chỉnh sửa để các tấm pin mặt trời lắp được vào các mái nhà, sẽ khiến chi phí tăng lên. Nhưng khi xây dựng các công trình mới, hoặc mở rộng các nhà ga hiện tại, các nhà quản lý có thể xem xét và đưa các tấm pin năng lượng mặt trời vào kế hoạch. "Thiết kế và tích hợp các tấm pin vào các toà nhà sẽ tiết kiệm chi phí hơn là làm ngược lại và tìm cách chỉnh sửa cho phù hợp với các toà nhà cũ" - theo Scott Morisey, phó chủ tịch mảng phát triển bền vững tại sân bay quốc tế Denver cho biết.

Với các toà nhà cũ, sẽ rẻ hơn nếu bố trí các tấm pin năng lượng mặt trời trên mặt đất, đặc biệt nếu sân bay có nhiều không gian không sử dụng, như sân bay Denver với 137 km vuông. Dẫu vậy, với các sân bay thành thị không có đất trống rộng rãi, lựa chọn duy nhất vẫn là mái nhà. Sân bay Denver đang làm cả hai: một nhà ga đợi mới được mở rộng của họ được trang bị hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời gắn mái, và hiện đang được thi công mở rộng nhằm lắp thêm nhiều tấm pin nữa. Các tấm pin này sẽ sớm bao phủ diện tích 0,5 km vuông, cung cấp 25 - 30% điện cần thiết hàng năm của sân bay. Khi thời tiết có nắng, sân bay này thậm chí có thể tạo ra đủ lượng điện mặt trời; cho nhu cầu của nó.

Đó là lúc chúng ta cần xem xét bản chất của điện mặt trời: trong những ngày mùa đông có tuyết, năng lượng thu hoạch được sẽ giảm đáng kể. Và một khi mặt trời lặn, bạn sẽ mất toàn bộ nguồn năng lượng này. Do đó, có thể nói rằng Denver không thể chuyển hẳn sang năng lượng mặt trời được, mà chỉ có thể sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời để bổ sung cho hạ tầng năng lượng của họ, giúp tăng cường công suất trong những ngày nắng ấm.

Sân bay quốc tế Tucson (Mỹ)

Với chi phí pin ngày càng giảm, các sân bay sẽ có thể lưu trữ năng lượng mặt trời sản sinh ra. Các tấm pin tại sân bay quốc tế San Francisco hiện sản xuất được 4,6 megawatt điện, trong khi nhu cầu lúc cao điểm của nơi này là 55 megawatt (so với không gian mở rộng rãi của sân bay Denver, sân bay San Francisco chỉ có khoảng 20 km vuông trống mà thôi). Các viên chức tại đây đang nghiên cứu nơi có thể đặt thêm các tấm pin này nhằm hình thành nên một "lưới điện thu nhỏ", hay một hệ thống tự cung tự cấp sử dụng mặt trời để sạc những khối pin lớn. Nếu có sự cố cúp điện, thay vì chuyển sang máy phát - như sân bay San Francisco hiện đang làm - họ có thể chuyển sang pin dự phòng để cấp điện cho các hạng mục thiết yếu.

"Chúng tôi có thể tách biệt và xây dựng lưới điện thu nhỏ và sử dụng năng lượng sạch đó xuyên suốt nhiều giai đoạn khác nhau trong ngày" - theo Erin Cooke, giám đốc mảng phát triển bền vững tại sân bay San Francisco. Một sân bay nhỏ hơn nhiều ở phía bắc San Francisco, hạt Humboldt, đang phát triển lưới điện thu nhỏ của riêng mình để tự cấp điện và gửi điện thừa về lưới điện lớn hơn (sân bay không phải là nơi duy nhất các nhà nghiên cứu nghĩ về khả năng phủ các tấm pin mặt trời và biến thành các lưới điện thu nhỏ; một số lựa chọn khác bao gồm hệ thống kênh của California, các trang trại gia đình, các dự án nhà ở giá rẻ, casino, xe hơi điện, và thậm chí là các vệ tinh trong không gian.

Dẫu vậy, đầu tư vào các tấm năng lượng và pin mặt trời sẽ là một khoản đầu tư khá tốn kém. Các nhà quản lý sẽ phải cân nhắc liệu có hợp lý về mặt kinh doanh không trước khi đầu tư, hoặc một giải pháp khác là chính phủ có thể hỗ trợ cho một dự án như vậy. Tuy nhiên, cần biết rằng chi phí cho năng lượng tái tạo đang dần giảm đi, và với những tấm pin năng lượng mặt trời, các sân bay có thể tận dụng lợi thế về mặt không gian để kết hợp sản xuất điện phục vụ cho hoạt động về lâu về dài.

Minh.T.T (Tham khảo Wired)

Chủ đề khác