VnReview
Hà Nội

Điểm các bài test IQ ngày càng cao, nhưng con người có thực sự thông minh lên không?

Điểm IQ tăng liệu có phải là thước đo để khẳng định, loài người hiện đại đang ngày càng thông minh hơn trước kia?

Từ các thuật toán vận hành các hệ thống, mạng xã hội đến công nghệ theo dõi giấc ngủ trên smartwatch, thế giới hiện đại ngày nay dường như chưa bao giờ sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến đến vậy. Đó là lý do tại sao nhiều người đặt giả thuyết rằng, con người đang ngày càng thông minh hơn. Nhưng thực sự có đúng như vậy?

Đó là một câu hỏi mà nhiều nhà khoa học đã suy nghĩ tới, đặc biệt là trong suốt thế kỷ 20 khi điểm trung bình trong các bài kiểm tra IQ trên khắp thế giới đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là ở phương Tây.

Mức tăng này tương đương khoảng 3 điểm IQ cho mỗi thập kỷ, có nghĩa là về cơ bản chúng ta đang ngày càng thông minh hơn bao giờ hết nếu xét theo tiêu chí IQ.

Sự gia tăng điểm số IQ và xu hướng thông minh tăng lên theo thời gian được gọi là hiệu ứng Flynn (được đặt theo tên của nhà giáo quá cố sinh ra ở Mỹ, James Flynn). Tất nhiên ngoài những cải thiện về sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, điều kiện làm việc tốt hơn và khả năng tiếp cận công nghệ đều có đóng góp đáng kể tới điểm IQ ngày càng cao của con người.

Thật vậy, khi bước vào thế kỷ 19, hoạt động công nghiệp hóa đã tạo ra các thành phố lớn đông dân, môi trường ô nhiễm khiến sức khỏe người dân kém và tỷ lệ tử vong sớm tăng cao. Tuy nhiên theo thời gian, việc cải thiện nhà ở, sức khỏe và nuôi dạy con cái, khả năng tiếp cận giáo dục miễn phí và sự chuyển đổi từ công việc chân tay sang các công việc đòi hỏi chất xám nhiều hơn đã góp phần khiến chất lượng sống và tuổi thọ của con người tăng cao hơn.

Nghiên cứu cũng đưa ra một khái niệm có tên "độ dốc IQ-tỷ lệ tử vong". Trong đó những người thông minh hơn thường sống lâu hơn.

Nghiên cứu ở các quốc gia chưa trải qua công nghiệp hóa cũng ủng hộ quan điểm cho rằng, việc cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục, nhà ở và dinh dưỡng là những yếu tố chính giúp tăng chỉ số IQ. Ví dụ, một nghiên cứu về các quốc gia châu Phi cận Sahara cho thấy, hiệu ứng Flynn vẫn chưa thể đạt được.

Nói cách khác, kết quả kiểm tra IQ ở các quốc gia khó khăn không tăng đột biến vì hoàn cảnh cuộc sống của hầu hết người dân chưa được cải thiện.

Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện vì trong 30 năm qua đã có một số báo cáo về tình trạng giảm hiệu suất trong các bài kiểm tra IQ ở một số quốc gia. Vậy có công bằng khi cho rằng con người ở phương tây đã đạt đến trí thông minh đỉnh cao?

Thế nào là trí thông minh đỉnh cao, chúng ta liệu đã đạt được điều đó?

Chỉ số thông minh hay còn gọi là bài kiểm tra IQ là một thước đo khả năng suy luận và khả năng sử dụng thông tin, logic một cách nhanh chóng. Các bài kiểm tra đánh giá trí nhớ ngắn hạn và dài hạn thông qua các câu đố và kiểm tra khả năng nhớ lại thông tin của một người.

Mặc dù kết quả kiểm tra IQ đã tăng lên trong thời gian qua nhưng nghiên cứu cho thấy "hiệu ứng Flynn ngược" có thể đang chậm lại. Ví dụ, một nghiên cứu của Na Uy cho thấy những người đàn ông sinh trước năm 1975 có "hiệu ứng Flynn" tích cực được mong đợi tăng ba điểm trong mỗi thập kỷ liên tiếp.

Nhưng với những người sinh sau năm 1975, chỉ số thông minh lại bị suy giảm đều đặn. Điều này dẫn đến sự khác biệt bảy điểm giữa các thế hệ khi chỉ số thông minh trung bình đã giảm khoảng 0,2 điểm mỗi năm. Các nghiên cứu khác được thực hiện từ năm 2005 đến 2013 ở Anh, Thụy Điển và Pháp cũng cho kết quả tương tự.

Những kết quả này rất khó giải thích nhưng người ta cho rằng nó có thể liên quan đến những thay đổi trong cách dạy trẻ ở trường học.

Trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến ​​sự thay đổi lớn từ cách đọc các thể loại văn bản trang trọng hay học vẹt, một kỹ thuật ghi nhớ dựa trên sự lặp lại sang cách tiếp cận giải quyết vấn đề khoa học chung và hiện đang được áp dụng cho trẻ em ở phương Tây.

Phương pháp giảng dạy "lấy học sinh làm trung tâm" hiện được kết hợp với các kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân và làm việc theo nhóm. Bên cạnh đó, học sinh được khuyến khích tìm hiểu về cảm xúc của người khác.

Tác động tổng thể của phương pháp này có thể kích thích não bộ hoạt động thông minh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên nó ít chú trọng hơn vào các kỹ năng cá nhân cần thiết trong các bài kiểm tra IQ. Vì vậy chúng ta có lẽ không còn giỏi trong các bài kiểm tra IQ nữa.

Nhiều người cho rằng, việc giảm tiêu chuẩn dinh dưỡng cũng đóng một vai trò nào đó. Ví dụ ở Anh, nhiều người gặp khó khăn trong việc đáp ứng các hướng dẫn về cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho não bộ. Đó là chưa kể tình trạng nhập cư khiến nhiều đứa trẻ lớn lên trong điều kiện nghèo khó và xu hướng sinh con ít thông minh hơn cũng là một giả thuyết đáng lưu tâm.

Trong hơn 50 năm qua, các câu hỏi về tính phù hợp của các bài kiểm tra IQ đã được đưa ra. Trong đó, các bài kiểm tra IQ được coi là không công bằng và không phù hợp. Thực tế việc sử dụng các bài kiểm tra IQ để lựa chọn việc làm và trường học đã giảm dần. Ngoài ra việc ít quan tâm và thực hành các bài kiểm tra IQ cũng dẫn đến hiệu suất kém hơn của nhiều người trong các bài kiểm tra IQ.

Vì vậy thật khó để trả lời cho câu hỏi, con người có đang ngày càng thông minh hơn không? Nhưng một điều chắc chắn là điểm IQ thấp hơn không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy con người ngày nay kém thông minh hơn mà chỉ là con người đang đạt điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra IQ.

Điều quan trọng là phải nghĩ về những bài kiểm tra IQ thực sự đo lường những thông số gì và ý nghĩa của chúng khi nhắc đến trí thông minh. Ví dụ, các bài kiểm tra IQ không phù hợp trong việc đo lường những thứ như tính cách, khả năng sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và xã hội hay thậm chí là trí tuệ chung của một người, bởi đây là những thuộc tính mà nhiều người trong chúng ta có thể đạt được dù họ có đạt điểm IQ cao hay không.

Tiến Thanh (Theo Sciencealert)

Chủ đề khác