VnReview
Hà Nội

Bằng chứng mới nhất khẳng định vẫn còn núi lửa đang hoạt động trên Sao Hỏa?

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ đã tìm thấy bằng chứng về việc có tồn tại một số núi lửa đang hoạt động ở dưới nền địa chất của Sao Hỏa.

Bề mặt của sao Hỏa được bao phủ bởi các đứt gãy và các hố địa chất cho thấy hành tinh này đã từng có hoạt động kiến ​​tạo và rất có thể đã hình thành các cấu trúc như thung lũng và rãnh. Nhưng hầu hết các hoạt động này đã diễn ra cách đây hàng tỷ năm và hiện tại phần lớn Sao Hỏa được cho đã không còn hoạt động kiến tạo nào.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới thách thức giả định trên và đưa ra bằng chứng cho thấy, núi lửa đã phun trào trên Sao Hỏa trong vòng 50.000 năm qua. Các nhà thiên văn tại Phòng thí nghiệm Hành tinh và Mặt trăng của Đại học Arizona và Viện Khoa học Hành tinh ở Tucson, Arizona đã xem xét dữ liệu từ các vệ tinh bay quanh sao Hỏa và tìm thấy một núi lửa mới ở khe nứt Cerberus Fossae ở vùng Elysium Planitia và họ tin rằng nó có tuổi đời trẻ hơn nhiều so với các núi lửa trước đây.

Các nghiên cứu trước đây cho rằng, hầu hết các hoạt động núi lửa trên Hành tinh Đỏ xảy ra từ 3 đến 4 tỷ năm trước, một số vụ phun trào bên ngoài tiếp tục ở các địa điểm biệt lập cho đến khoảng 3 triệu năm trước.

Đồng tác giả nghiên cứu Jeff Andrews-Hanna cho biết: "Khi chúng tôi lần đầu tiên nhận thấy các lớp trầm tích này, chúng tôi biết nó là một thứ gì đó đặc biệt. Lớp trầm tích này không giống bất cứ thứ gì khác được tìm thấy trong khu vực hoặc thực sự trên toàn bộ sao Hỏa. Nó gần giống với các đặc điểm do núi lửa phun trào ở trên Mặt Trăng và Sao Thủy hơn".

Trầm tích núi lửa phun trầo gần đây xung quanh một khe nứt của hệ thống Cerberus Fossae

Bằng chứng về thành phần của vật liệu cho thấy nó được hình thành tương đối gần đây khi magma phun trào khỏi bề mặt đất. Đó có thể là một sự kiện đầy kịch tích và tro bụi có thể đã thổi tung lên mặt đất, ít nhất là gần 10km.

Tác giả chính của nghiên cứu David Horvath cho biết: "Đây có thể là dấu tích của núi lửa trẻ nhất chưa từng được ghi nhận trên sao Hỏa. Nếu chúng ta nén lịch sử địa chất của sao Hỏa trong một ngày duy nhất, nó sẽ xảy ra trong giây phút cuối cùng".

Vị trí của trầm tích núi lửa trên nằm cách robot thăm dò InSight của NASA khoảng 1609 km. InSight sử dụng máy đo địa chấn để nghiên cứu các mẫu đá và nó đã phát hiện ra hai loại đá có nguồn gốc từ khu vực Cerberus Fossae. Cùng với bằng chứng về trầm tích mới, các nhà khoa học tin rằng vẫn có những hoạt động địa chất đang diễn ra bên dưới Sao Hỏa mà chúng ta không hề hay biết.

Vị trí của khe nứt Cerberus Fossae và vị trí của tàu thăm dò InSight

Horvath cho biết: "Độ mới của trầm tích này làm tăng niềm tin về việc có hoạt động núi lửa trên sao Hỏa. Điều thú vị là những trận động đất (Marsquakes) gần đây đã được InSight ghi nhận có nguồn gốc từ khe nứt Cerberus Fossae".

Bằng chứng mới đang thách thức giả thiết rằng sao Hỏa không còn hoạt động địa chất. Thậm chí nó cũng mở ra những giả thuyết mới về những điều kiện thích hợp cho sự sống đang nằm sâu bên dưới bề mặt của Sao Hỏa.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Icarus mới đây.

Tiến Thanh (Theo Scitechdaily)

Chủ đề khác